Nếu xem nét Dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh mà âm liên tục trong nhiều quý, chắc chắn công ty đang thiếu tiền.
“Việc thiếu tiền tại các doanh nghiệp là cả một quá trình chứ không phải là sự cố. Đó là hệ quả của hoạt động quản trị doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần do ảnh hưởng của thị trường”, ông Dương Hải, Phó Giám Đốc Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính, cho biết.
Thiếu tiền là một quá trình, do vậy trước khi doanh nghiệp lâm vào khó khăn do thiếu tiền, thường sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo.
Nhận xét về dòng thứ 20, ông Hải cho biết: “Một công ty sinh ra phải lấy dòng tiền từ hoạt động kinh doanh để trang trải các khoản vay, thanh toán cho nhà cung cấp. Đó là công ty tốt. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh mà âm liên tục trong nhiều quý, chắc chắn công ty đang thiếu tiền”. |
Những con số biết nói
Khi muốn biết sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, thông thường người ta sẽ xem xét chỉ số về khả năng thanh toán. Về lý thuyết, chỉ số này lớn hơn 1 là doanh nghiệp có thể yên tâm. Như vậy, nếu nhìn những số liệu trong báo cáo của Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông (DVD), ta có thể yên tâm? Vấn đề nằm ở các khoản phải thu, hàng tồn kho có thể nhanh chóng chuyển thành tiền. Nhưng với một thị trường đang đi xuống việc thu hồi nợ hay bán hàng hóa liệu có dễ dàng? Hơn nữa, khả năng thanh toán của DVD giảm dần qua các quý. Nếu DVD còn tồn tại, con số này sẽ giảm tới đâu?
Bên cạnh đó, doanh thu của DVD tăng khá mạnh qua các quý nhưng các khoản phải thu đã tăng mạnh hơn chứng tỏ hầu hết doanh thu của DVD là bán chịu. Các khoản phải trả cũng tăng mạnh qua các quý, chứng tỏ DVD đã chiếm dụng vốn từ các nhà cung cấp, nhưng mặt khác thể hiện khả năng thanh toán yếu của doanh nghiệp. Trong khoảng thời gian 12 tháng, các khoản phải trả của DVD tăng trung bình 78%/ quý trong khi với Dược Hậu Giang con số này chỉ là 3%.
Bí ẩn dòng thứ 20
Một dấu hiệu cảnh báo khác, theo ông Hải là quan trọng nhất trên một báo cáo tài chính, đó là dòng thứ 20 trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh. Dòng này thể hiện khả năng sinh tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhận xét về dòng thứ 20 này, ông Hải cho biết: ”Một công ty sinh ra phải lấy dòng tiền từ hoạt động kinh doanh để trang trải các khoản vay, thanh toán cho nhà cung cấp. Đó là công ty tốt. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh mà âm liên tục trong nhiều quý, chắc chắn công ty đang thiếu tiền”.
Xét trường hợp DVD, từ khi lên sàn năm 2006 tới khi phá sản vào năm 2010, doanh nghiệp chưa bao giờ báo lỗ. Nhưng hoạt động kinh doanh của DVD chưa bao giờ tạo ra dòng tiền dương. Lợi nhuận của doanh nghiệp đã dồn hết vào hàng tồn kho. Tiền của DVD do vậy chủ yếu do đi vay.
Ở chiều ngược lại, Công ty Cổ phần Container Phía Nam (VSG) đang thuộc dạng bị kiểm soát do thua lỗ 2 năm liên tiếp. Nhưng báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Công ty lại cho thấy tình hình chưa quá tệ. Tuy thua lỗ nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2010 của đơn vị vẫn đạt mức 4 tỉ đồng, năm 2011 là 11 tỉ đồng. Nguyên nhân chính cho khoản lỗ đó là do đơn vị đã chi trả các khoản phí lãi vay.
Bên cạnh đó, những lời phàn nàn về việc chậm trễ trong thanh toán, hay việc thường xuyên trễ hạn các báo cáo dự báo dòng tiền… cũng là những dấu hiệu định tính có thể mách bảo rằng doanh nghiệp đang có dấu hiệu thiếu tiền mặt.
Theo ông Hải, tốt nhất doanh nghiệp nên thực hiện việc phân tích và dự báo dòng tiền hàng tháng kết hợp với các phương thức định tính để nhận biết khó khăn từ sớm. Cùng với đó, doanh nghiệp cần triển khai các biện pháp quản lý dòng tiền hiệu quả, giúp doanh nghiệp tránh khỏi tình huống khó khăn do thiếu tiền.
Theo Hỏa Ca
Nhịp cầu đầu tư