5 giai đoạn trẻ trở nên không nghe lời, đến giai đoạn 4 cha mẹ khó kiểm soát được nữa

Nếu kịp thay đổi trước khi con chuyển sang giai đoạn thứ 4, cha mẹ sẽ nhận thấy con không còn nổi loạn nữa.

TIN MỚI

Trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ sẽ gặp phải nhiều vấn đề khác nhau. Đôi khi, xung đột giữa cha mẹ và con cái có thể dễ dàng được giải quyết dựa vào bản năng hoặc kinh nghiệm của cha mẹ. Nhưng đôi khi, cha mẹ thực sự không còn cách nào khác ngoài việc nhìn đứa con của mình trở nên không nghe lời, khó dạy dỗ.

Có 5 giai đoạn trẻ bắt đầu không nghe lời, nếu tới giai đoạn thứ 4 mà cha mẹ vẫn bất lực, lúc này chỉ có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia.

Giai đoạn đầu tiên: Khen ngợi

Mọi đứa trẻ đều hy vọng mình có giá trị và xứng đáng được yêu thương. Vì vậy, việc trẻ mong nhận được sự công nhận và đánh giá cao của cha mẹ là điều bình thường. Nhưng nếu tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái đi kèm với quá nhiều ràng buộc, trẻ có thể có nhu cầu khen ngợi quá mức.

5 giai đoạn trẻ trở nên không nghe lời, đến giai đoạn 4 cha mẹ khó kiểm soát được nữa- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ví dụ: Nếu bạn thường nói “con mà không làm cái này, mẹ sẽ không yêu con đâu”, “nếu con không vâng lời, mẹ không thích con nữa”, hoặc bạn chỉ khen ngợi con mình khi chúng làm tốt điều gì đó. Khi đó trẻ rất dễ bước vào giai đoạn đầu với mục đích “được khen”.

Biểu hiện điển hình ở giai đoạn này là chỉ khi khen ngợi, trẻ mới sẵn sàng làm những gì cha mẹ muốn chúng làm. Chỉ khi bạn khen con “tuyệt vời”, chúng mới chịu quét nhà, khen “ngoan ngoãn” chúng mới làm bài tập nghiêm túc.

Kiểu khen ngợi này có thể khiến trẻ làm mọi thứ kể cả gian lận để trở thành một người hoàn hảo trong mắt cha mẹ.

Giai đoạn thứ 2: Tìm kiếm sự chú ý

Nếu một đứa trẻ bị ám ảnh bởi những lời khen ngợi nhưng nhận ra rằng, ngay cả khi mình làm tốt và giành được giải thưởng nhưng vẫn không nhận được lời khen từ cha mẹ, trẻ có thể bước vào giai đoạn thứ 2 – tìm kiếm sự chú ý.

 

Những hành động mà trẻ tìm kiếm sự chú ý của người khác là cố tình gây cười, gây rắc rối khi người lớn đang nói chuyện, thỉnh thoảng trêu chọc em và làm em khóc, gây rối và đánh nhau khi không có chuyện gì xảy ra…

5 giai đoạn trẻ trở nên không nghe lời, đến giai đoạn 4 cha mẹ khó kiểm soát được nữa- Ảnh 2.

Cũng có một số đứa trẻ không dũng cảm như vậy, nếu chủ động gây rắc rối có thể bị cha mẹ phạt rất nặng. Vì vậy, trẻ sử dụng những phương pháp tiêu cực để thu hút sự chú ý như làm mất đồ đạc, cố tình làm không tốt và muốn cha mẹ giúp đỡ…

Khi trẻ làm vậy, dù có bị cha mẹ mắng thì ít nhất cũng đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của cha mẹ.

Nếu bạn muốn ngăn con mình đòi hỏi quá nhiều sự chú ý, hãy bình tĩnh và phớt lờ khi chúng làm điều gì đó kỳ quặc hoặc cố tình làm phiền hết lần này đến lần khác.

Bạn cũng có thể gợi ý trẻ tham gia công việc cùng với mình khi làm việc nhà. Bạn rửa bát thì nhờ trẻ quét nhà. Bạn rút quần áo vào thì nhờ trẻ gấp lại… Sau đó, bạn hãy nói “cảm ơn con đã giúp mẹ, mẹ cảm thấy đỡ mệt hơn rất nhiều”.

Bằng cách này, trẻ sẽ không còn ám ảnh bởi việc thu hút sự chú ý của cha mẹ nữa.

Giai đoạn thứ 3: Tranh giành quyền lực

Nếu con bạn cố gắng hết sức để thu hút sự chú ý của cha mẹ nhưng bạn vẫn phớt lờ con, trẻ sẽ trở nên tức giận.

Bạn bảo con đi đông, nó sẽ đi tây. Bạn bảo con đừng nghịch ngợm, nó sẽ tiếp tục gây rắc rối. Bạn bảo con làm bài tập nhanh lên, nó sẽ nằm ì ra trên ghế sofa.

Lúc này, bạn cảm thấy như đang tham gia vào một cuộc giằng co với con mình, bạn nhượng bộ thì con thắng, bạn dùng quyền lực để ép con vâng lời thì bạn thắng. Cách làm này sẽ khiến bạn trở nên kiệt sức và bất lực.

Ví dụ: Bạn hỏi con “bây giờ đã muộn rồi, mẹ muốn biết khi nào con bắt đầu làm bài tập về nhà”.

Đứa trẻ đáp: “8h ạ”.

Sau đó, bạn nên nói thêm: “Được rồi, 10p trước khi tới 8h, mẹ sẽ nhắc con lần cuối”.

Nếu đến 8 giờ trẻ vẫn không có ý định di chuyển, bạn có thể khéo léo nhắc con: “Đã đến giờ, con nên làm bài tập về nhà”. Sau đó, bạn nhẹ nhàng tắt TV, cất đồ chơi, cất điện thoại rồi nắm tay con bước về phía bàn học.

Nói ít và làm nhiều có thể tránh được nhiều cuộc tranh giành quyền lực giữa cha mẹ và con cái.

5 giai đoạn trẻ trở nên không nghe lời, đến giai đoạn 4 cha mẹ khó kiểm soát được nữa- Ảnh 3.

Giai đoạn thứ 4: Trả thù

Nếu trong giai đoạn tranh giành quyền lực, cha mẹ đã dùng uy quyền để trấn áp trẻ, bắt trẻ nghe lời bằng cách đánh đập, mắng mỏ. Đứa trẻ sẽ tích tụ nhiều sự tức giận, sau đó bước vào giai đoạn thứ 4 – trả thù.

Ở giai đoạn này, mục tiêu của trẻ là: “Mẹ càng ghét điều gì, con sẽ càng làm điều đó”.

Nếu chửi thề là điều bạn ghét nhất, trẻ sẽ cố tình văng tục, thỉnh thoảng chửi thề vài câu cho mẹ nghe thấy. Nếu cha mẹ ghét con đi chơi về khuya, trẻ sẽ cố tình về muộn.

Trong giai đoạn này, trọng tâm chính của trẻ là “làm cha mẹ nổi điên”. Dù cha mẹ có đánh mắng như thế nào cũng không có tác dụng, trẻ càng lì lợm. Lúc này, cha mẹ cần tìm đến sự trợ giúp tâm lý chuyên nghiệp.

Giai đoạn thứ 5: Chứng tỏ sự kém cỏi

Giai đoạn thứ 4 khiến cha mẹ bất lực nhưng đó không phải là rắc rối nhất. Khó khăn nhất là giai đoạn thứ 5 – chứng tỏ sự kém cỏi.

Khi một đứa trẻ không thể tìm thấy giá trị và ý nghĩa của sự tồn tại, chúng sẽ từ bỏ chính mình. Trẻ cảm thấy mình vô dụng và sẽ nói với cha mẹ rằng: “Ba mẹ đừng có đặt hy vọng vào con, con không làm được”.

Không có bất kỳ sự tích cực nào trong tính cách của trẻ, câu cửa miệng của trẻ có thể là “để con yên”. Nhìn con như vậy, cha mẹ chỉ biết lắc đầu buồn bã.

Tất nhiên, rất ít trẻ đạt tới mức độ này trừ khi mối quan hệ gia đình thực sự rất tệ. Hầu hết trẻ em sẽ ở giai đoạn thứ 3, tranh giành quyền lực với cha mẹ.

Muốn con sống vui vẻ, không bị tổn thương tâm lý nhiều thì ngay từ giai đoạn đầu, cha mẹ phải thay đổi phương pháp nuôi dạy con kịp thời, sử dụng những cách giao tiếp nhẹ nhàng, để đồng hành cùng sự trưởng thành của con.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin