Hiện nay, nhiều người cho rằng bệnh nhân ung thư không được ăn nhiều đồ ăn dinh dưỡng để hạn chế sự phát triển của khối u. Quan niệm này liệu có đúng?
Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của Bác sĩ Trần Thị Anh Tường, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng , Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để phần nào hóa giải được những định kiến sai lầm trong chế độ dinh dưỡng đối với người mắc bệnh ung thư.
PV: Có quan điểm cho rằng:“Mắc bệnh ung thư thì nên nhịn ăn, hay chỉ nên ăn gạo lứt, kiêng thịt đỏ, để cơ thể không cung cấp chất dinh dưỡng cho khối u, khi đó khối u sẽ tự teo dần”. Là bác sĩ phụ trách khoa Dinh dưỡng của một bệnh viện lớn về ung bướu, BS đánh giá như thế nào về nhận định này?
Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Cho đến bây giờ, chưa có một nghiên cứu y học nào chứng minh nhịn ăn hay ăn gạo lứt, kiêng thịt đỏ để khối u teo dần.
Thực tế tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chúng tôi đã chứng kiến có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng (sụt trên 10kg/2 tháng do chỉ ăn ít gạo lứt muối mè); thế nhưng khối u chẳng những không teo mà lớn hơn so với 2 tháng trước, di căn hay xâm lấn cấu trúc xung quanh.
Về mặt sinh học, khối ung thư phát triển là một diễn tiến tự nhiên phụ thuộc vào nhiều yếu tố không chỉ là dinh dưỡng. Hơn nữa, khối ung thư có mạch máu nuôi thông nối với mạch máu người bệnh, vì vậy nhịn đói là cả 2 cùng đói mà người bệnh bị suy dinh dưỡng nặng nề hơn.
Nguy hiểm hơn, khi người bệnh suy dinh dưỡng thì không thể thực hiện được các phương pháp điều trị: phẫu thuật, hóa trị , xạ trị… Hoặc nếu có điều trị thì biến chứng cũng nhiều hơn.
PV: Ngoài quan điểm nói tren, nhiều người còn cho rằng:”Nhịn ăn là phương pháp giúp cơ thể nghỉ ngơi và chỉ tập trung cho việc thanh lọc chất độc tích tụ trong cơ thể”, chị đánh giá như thế nào về quan điểm này?
Bác sĩ Trần Thị Anh Tường, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng , Bệnh viện Ung bướu TP.HCM
Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Cơ thể sinh vật hay con người luôn tồn tại trong một trạng thái cân bằng động giữa sự tăng trưởng và thoái triển, giữa sư tân tạo và tiêu hủy, giữa sự nạp vào và thải đi các chất. Do đó nếu không cho vào mà đòi hỏi sự thải đi là một chuyện không hợp lý, không khoa học.
Tuy nhiên, khi bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối, khi mà mọi phương pháp điều trị trở nên vô nghĩa, khi mà thời gian còn lại chỉ vỏn vẹn đôi ba tháng thì chuyện ăn uống tích cực không cần thiết nữa, cơ thể tự nhiên cũng không muốn ăn để dành sức cho việc duy trì những chức năng sống cơ bản. Điều này là một diễn tiến tự nhiên có thể chấp nhận được về mặt y học.
PV: Một số sách báo, tạp chí về dinh dưỡng nhận định rằng, đối với người mắc bệnh ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị, còn sau giai đoạn điều trị thì không cần phải bổ sung dinh dưỡng. Bác sĩ có cho rằng đây là quan niệm đúng không?
Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Đúng nhưng chưa hẳn thế! Trong giai đoạn điều trị người bệnh cần ăn uống bồi dưỡng để đủ sức theo đuổi điều trị. Khi bệnh đã điều trị khỏi, không phải không cần bổ sung dinh dưỡng mà bổ sung theo nhu cầu của mỗi người.
Ví dụ, sau khi kết thúc điều trị, bệnh nhân sụt cân quá nhiều, teo cơ, vết mổ chưa lành hẳn, biến chứng xạ trị vẫn còn, thiếu máu sau hóa trị… thì bệnh nhân vẫn phải cố gắng bồi dưỡng.
Trong trường hợp bệnh nhân không có bất kỳ vấn đề ở trên, không suy dinh dưỡng, khỏe khoắn về mặt thể chất và tinh thần thì không cần bồi dưỡng. Có một số ung thư điều trị không mất sức nhiều như ung thư tuyến giáp, ung thư da, ung thư tuyến nước bọt kích thước nhỏ thì bệnh nhân cũng không cần bồi dưỡng trong khi hay sau khi điều trị.
PV: Vậy với những bệnh nhân mắc ung thư nhưng họ chưa có nhận thức đúng về chế độ dinh dưỡng, dẫn đến việc nhịn ăn. Hậu quả tác động đến sức khỏe người bệnh như thế nào?
Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Nếu người mắc ung thư mà nhịn ăn hoặc chế độ dinh dưỡng không phù hợp sẽ phải gánh hàng loạt hậu quả, tác động tiêu cực đến sức khỏe như:
– Suy dinh dưỡng, teo cơ, suy giảm chức năng vận động, sức đề kháng
– Vết mổ chậm lành, dễ nhiễm trùng
– Hóa trị không đủ 100% liều, tăng độc tính hóa trị, không theo kịp lịch trình hóa trị
– Không đủ sức để được phẫu thuật, hóa trị, xạ trị
– Không chất lượng sống:
– Không đủ sức để tự làm những hoạt động cơ bản: ngồi, đi lại, xem tivi, đọc sách báo hay trò chuyện với người thân
– Thiếu tỉnh táo sáng suốt nhanh nhẹn trong mọi tình huống
– Tăng chi phí điều trị, kéo dài thời gian nằm viện
Bệnh nhân sẽ nhanh chóng rơi vào suy mòn nếu không được can thiệp dinh dưỡng hợp lý
PV: Rất ít bệnh nhân ung thư không biết nên ăn uống thế nào cho hợp lý. Bác sĩ có thể giúp người bệnh xây dựng chế độ ăn cơ bản để đảm bảo sức khỏe?
Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Khi bị bệnh, nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng cơ bản của tế bào ung thư cao hơn tế bào bình thường.
Để đảm bảo dinh dưỡng người bệnh cần phải:
– Ăn uống đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, đạm và các chất. Cân nặng mỗi tuần thấy sụt cân chứng tỏ ăn uống không đủ với nhu cầu.
– Ăn nhiều bữa nhỏ, tranh thủ ăn mọi lúc mọi nơi, lựa chọn thức ăn giàu năng lượng, đạm, món ăn yêu thích
– Không kiêng cử nếu thức ăn không làm nặng hơn triệu chứng hiện có
– Không đợi đói hay thèm ăn mới ăn. Ăn theo giờ nhất định, không bỏ cữ
– Nên có người khác đi mua đồ ăn sẵn hay chế biến sẵn chứ người bệnh thường không đủ sức để làm. Tốt nhất nên ăn chung với người bệnh để tạo không khí vui vẻ
– Nên đặt ra mục tiêu để phấn đấu: cân nặng, không thiếu máu, không trì hoãn điều trị hay ít nhất ăn hết phần ăn bệnh viện hay gia đình chuẩn bị
– Nên vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, có thể chia làm nhiều lần nếu quá mật, không đủ sức
– Tranh thủ uống đủ 1,5 lít nước mỗi ngày, uống nước trái cây, điện giải, sữa, sữa ngũ cốc, sinh tố, trà xanh, nước sâm,…thay cho nước lọc
– Không ăn và uống cùng lúc, không nằm liền sau ăn
– Ăn uống đa dạng: món ngọt, món mặn, món chính, món ăn vặt, món Âu, món Á, món khô, món nước. Nếu bệnh nhân có thể ăn uống dễ dàng đầy đủ, thì nên hạn chế ngọt trong lựa chọn và chế biến.
Người mắc bệnh ung thư cần lưu ý, ngay cả khi cơ thể người bệnh không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tế bào ung thư vẫn tự lấy năng lượng để phục vụ nhu cầu hoạt động của chúng. Bởi vậy, bệnh nhân sẽ nhanh chóng rơi vào suy mòn nếu không được can thiệp dinh dưỡng hợp lý.