Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, mỗi năm đe dọa sức khỏe và tính mạng của hàng trăm nghìn người Việt Nam và không có thử thách nào có thể giúp bạn biết mình có nguy cơ hay không.
Bài test nhanh
Thời gian gần đây nhiều người truyền nhau bài hướng dẫn kiểm tra nguy cơ đột quỵ. Ngay cả nhiều nghệ sĩ cũng góp phần lan tỏa thông tin này.
Cách bài hướng dẫn chỉ cách thực hiện là dùng một chân làm trụ. Chân còn lại từ từ nâng cao. Có thể nhắm mắt hoặc không.
Sau đó, bạn áp lòng bàn chân đang giơ lên này vào mặt trong của chân còn lại, càng lên cao càng tốt. Hai tay đưa ra để giữ thăng bằng, một chân đứng vững trên mặt đất và từ từ nhắm mắt lại. Bài kiểm tra kết thúc ngay khi bạn di chuyển bàn chân trụ hoặc khi bạn phải đặt chân kia xuống sàn nhà để khỏi té ngã.
Để đạt được hiệu quả dưỡng sinh, bài test khuyên bạn nên cố gắng duy trì động tác trong thời gian lâu nhất có thể. Nếu dưới 20 giây đã không vững thì người thử thách có nguy cơ bị đột quỵ .
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết ông rất bất ngờ khi xem nội dung của bài hướng dẫn dưới dạng clip này.
Thử thách này xuất phát từ nghiên cứu tại Nhật Bản, công bố trên tạp chí “Stroke Journal”năm 2014. Nghiên cứu bao gồm gần 1400 người với độ tuổi trung bình 67, kết quả cho thấy việc không thể giữ thăng bằng với một chân quá 20 giây có liên quan đến việc suy giảm nhận thức và các tổn thương não không triệu chứng do tổn thương mạch máu nhỏ.
Về mặt khoa học, những tổn thương do mạch máu nhỏ này chưa thể được xem là đột quỵ não thật sự. Nó chỉ đơn thuần phản ánh tình trạng tổn thương xơ vữa mạch máu nhỏ trong não, mà gần như không thể tránh khỏi khi chúng ta trên 60 tuổi, đặc biệt nếu đi kèm với bệnh nền tăng huyết áp hay đái tháo đường.
Để giữ được thăng bằng cơ thể, chúng ta cần não (đặc biệt là tiểu não), hệ thống thị giác và cả hệ cơ xương khớp.
Theo y văn, có đến 1/3 người trên 65 tuối bị té ngã do mất thăng bằng, nguyên nhân do mắc phải một hay nhiều khiếm khuyết về mặt chức năng trên. Ngoài ra trọng lượng cơ thể và sự tập luyện cũng ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng này. Ví dụ với những người Yoga khả năng giữ thăng bằng trên 20 giây là bình thường.
Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ được làm trên một nhóm dân số lớn tuổi ở Nhật Bản có kèm theo nhiều bệnh nền. Nhưng không được đánh giá khả năng này trước đó. PGS Thắng cho rằng cần thiết phải kiểm định lại trên các nhóm dân số khác ngoài Nhật Bản (như Việt Nam…) hoặc trên các lứa tuổi khác trẻ hơn với cỡ mẫu lớn trước khi ra khuyến cáo một cách rộng rãi trong cộng đồng và xem như là một yếu tố nguy cơ đột quỵ mới.
Phòng đột quỵ thế nào?
Theo GS Thắng, đột quỵ là căn bệnh mà lằn ranh sinh – tử quá sức mong manh, lệ thuộc vào thời gian. Mỗi phút trôi qua, hàng triệu tế bào não chết đi nếu không được điều trị kịp thời. Ở nước ta, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 200.000 ca đột quỵ mới mỗi năm.
Đối với đột quỵ, tuổi thường gặp nhất vào khoảng trung bình 60 tuổi. Người ta thấy rằng, tuổi càng lớn nguy cơ đột quỵ càng lớn. Bởi khi tuổi càng lớn, nguy cơ bệnh nhân bị cao huyết áp càng nhiều, tiểu đường cũng càng cao, các bệnh tim mạch cũng vậy. Đây là các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ.
Tuy nhiên gần đây, số bệnh nhân bị đột quỵ ở lứa tuổi trẻ cũng khá thường gặp, bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, là việc sử dụng các loại thuốc gây nghiện, đặc biệt là thuốc lá – vì thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra đột quỵ. Tiếp đó, là việc sử dụng quá nhiều rượu bia. Chưa kể, cuộc sống hiện đại, mức độ căng thẳng, mức độ stress cũng cao hơn, làm tăng tần suất mắc bệnh đột quỵ ở các bệnh nhân trẻ hơn.
Để giải quyết được gốc rễ gánh nặng điều trị đột quỵ, không gì tốt hơn điều trị phòng ngừa. Theo GS Thắng, ở giai đoạn tiên phát, bệnh nhân chưa đột quỵ, chỉ có yếu tố nguy cơ như có rung nhĩ, cao huyết áp, tiểu đường. Trường hợp này cần sử dụng thuốc để phòng ngừa nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.
Phòng ngừa thứ phát là bệnh nhân đã có yếu tố nguy cơ nhưng không nhận biết được hoặc không màng đến việc phòng ngừa, dẫn đến bị đột quỵ. Nếu may mắn phục hồi sau đột quỵ, bệnh nhân phải sử dụng thuốc để phòng ngừa biến cố tiếp theo.
Nếu tuân thủ phòng ngừa, người bệnh có thể giảm được đến 70% các biến cố đột quỵ trong tương lai. Tương tự, nếu chúng ta kiểm soát huyết áp, tiểu đường, cholesterol trong máu, có thể giảm được 65% các biến cố đột quỵ.