Nếu bạn bảo đảm con mình đã thành thục những kỹ năng này thì chặng đường làm quen với môi trường học mới của trẻ sẽ bớt đi nhiều bỡ ngỡ.
Trong một bài viết gần đây, chúng tôi đã chia sẻ quan điểm của Thạc sĩ Đoàn Phạm Hà Trang – một bà mẹ 2 con, một giáo viên dạy tiếng Việt và kỹ năng sống cho trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Úc về những kỹ năng mà trẻ cần phải có trước khi bước vào lớp 1 , còn gọi là kỹ năng tiền lớp 1 .
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tham khảo quan điểm của một chuyên gia giáo dục khác tại Úc, Lois Haultain về 9 kỹ năng mà trẻ mẫu giáo nào cũng cần thành thục trước khi tốt nghiệp mầm non và bước vào năm tiểu học đầu tiên.
Nếu đứa con bé bỏng của bạn chuẩn bị bắt đầu bước vào năm học tiểu học đầu tiên – bước ngoặt lớn so với những năm tháng học mẫu giáo thì bạn cần phải biết được chính xác chúng cần những kỹ năng gì để không bị bỡ ngỡ với một môi trường hoàn toàn mới lạ.
Theo chuyên gia dạy con tới từ Úc, Lois Haultain, sẽ luôn có những kỹ năng chính mà bất kỳ một đứa trẻ nào cũng nên thành thục trước khi kết thúc lớp học mầm non. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ và các thầy cô nên để cho trẻ làm quen từ từ và không ép các em phải làm tốt ngay chỉ trong một thời gian ngắn để tránh gây ra những áp lực không cần thiết.
“Các bậc cha mẹ cần phải để mọi chuyện diễn ra tự nhiên và không ép buộc con mình quá đà. Đừng biến quá trình học hỏi những kỹ năng này trở thành một việc nhàm chán mà hãy biến nó thành niềm vui”, chuyên gia Lois Haultain đưa ra lời khuyến cáo.
Dưới đây là 9 kỹ năng “tiền lớp 1” quan trọng mà chuyên gia Lois Haultain gợi ý các bậc phụ huynh nên cho trẻ làm quen từ sớm và càng thành thục càng tốt trước khi bước vào lớp 1.
1. Biết dùng giấy vệ sinh
Đến 4 tuổi, hầu hết trẻ đều đã biết sử dụng giấy vệ sinh để lau chùi sau khi đi vệ sinh. Nếu con bạn vẫn chưa làm tốt được việc này, chuyên gia Haultain cho rằng đã đến lúc bạn cần phải bắt tay vào dạy lại con thật kỹ càng.
“Việc trẻ có những kỹ năng độc lập thế này là rất quan trọng. Hầu hết bọn trẻ sẽ làm không được theo mong đợi của bạn, và thường các bậc cha mẹ sẽ vì thế mà thường làm hộ con. Thế nhưng, ở giai đoạn đầu, bạn phải chấp nhận rằng con mình sẽ có một số sai sót, có thể quần lót của con sẽ hơi bị bẩn chẳng hạn”, bà Haultain chia sẻ.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng đừng quên dạy con cách dùng giấy ăn để lau mũi khi chúng bị sổ mũi. “Thực ra, trẻ nên được dạy cả cách xì mũi ở 1 bên lỗ mũi này, sau đó là lỗ mũi bên kia”, chuyên gia Haultain nói thêm.
2. Nói về cảm xúc của mình
(Ảnh minh họa)
Dạy con biết nói về cảm xúc của mình là một cách tuyệt vời để giúp trẻ chuẩn bị cho những sự tương tác xã hội mà chúng phải đối mặt khi đến trường. Theo chuyên gia Haultain, cách tốt nhất để cha mẹ khuyến khích kỹ năng này ở trẻ là hãy mô tả chúng luôn trong hành vi của họ.
Ví dụ, cha mẹ có thể nói rằng: “Hôm nay mẹ rất lo lắng/hạnh phúc/buồn bã” vào các tình huống thích hợp chẳng hạn.
3. Nhận ra tên của mình
Ngày nay, việc đặt nickname cho trẻ khá phổ biến trong các gia đình, khiến trẻ có nhiều tên gọi, bao gồm nickname, tên giấy khai sinh, có thể một số trẻ lại có thêm các tên tiếng nước ngoài nữa chẳng hạn, nên việc bảo đảm trẻ biết tên sẽ được thầy cô hoặc bạn bè gọi ở trên lớp là rất quan trọng.
Chuyên gia Haultain cho biết việc nhận ra tên mình (tên trên giấy khai sinh) cần phải là một trong những điều mà trẻ cần được dạy.
Tên trẻ nên được viết trên các vật dụng cá nhân. (Ảnh minh họa)
“Nếu ở trường mẫu giáo, tên của con bạn đã được in trên đồ đạc thì thôi, còn nếu không, bạn có thể viết tên con lên cặp sách, mũ hoặc hộp đựng đồ ăn trưa. Nếu chúng nhìn thấy thường xuyên tên của mình, chúng sẽ nhận ra. Ngoài ra, việc làm này còn giúp con của bạn hình thành khái niệm sở hữu và trách nhiệm”, chuyên gia Haultain cho biết.
4. Biết chờ đến lượt
(Ảnh minh họa)
Việc dạy trẻ biết chờ khi đến lượt mình không chỉ giúp hình thành tư duy văn minh, lịch sự trong cách ứng xử cho trẻ khi bước ra ngoài xã hội, giảm bớt những rắc rối không đáng có cho trẻ, mà còn cho trẻ cơ hội để thực hành sự kiên nhẫn. Đây đều là những yếu tố quan trọng giúp trẻ hòa nhập tốt hơn trong môi trường mới, có thêm được nhiều bạn bè và nhận được sự tôn trọng, yêu quý của những người xung quanh.
5. Có tư duy sáng tạo
Nên nhớ rằng, trong năm học đầu tiên, những môn học như mỹ thuật hay thủ công thường là các lĩnh vực học tập chính của trẻ, vì thế, bạn đừng đánh giá thấp những kỹ năng như dùng kéo, dùng hồ dán hay bút màu…
Trẻ nên có một góc riêng trong nhà để thoải mái phát huy trí sáng tạo và các kỹ năng thủ công của mình. (Ảnh minh họa)
“Sẽ thật tốt nếu như trong nhà có một khu vực dành riêng cho trẻ phát huy trí sáng tạo của mình với bút chì, giấy, kéo với các đầu tù để không gây nguy hiểm cho chúng. Phát triển những kỹ năng vận động tinh là sự chuẩn bị tuyệt vời trước khi đến trường”, chuyên gia Haultain đưa ra lời khuyên.
6. Tuân theo quy định
Hầu hết các trường học sẽ đều có những quy định rất nghiêm ngặt và điều này sẽ khiến cho nhiều trẻ nhỏ cảm thấy bối rối. Chính vì thế, cách tốt nhất để giúp các bé chuẩn bị làm quen với chúng là cha mẹ hãy áp dụng các quy định tương tự như ở trường ngay tại nhà cho các con tập dượt.
Hãy sắp xếp thứ tự các việc cần làm trước khi đi ngủ và yêu cầu con làm theo, ví dụ như uống sữa, đánh răng, đi vệ sinh… chẳng hạn. Một khi trẻ đã quen với những quy định này và có thể tự thực hiện mà không cần cha mẹ nhắc nhở thì điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho các kỹ năng độc lập của trẻ khi tới trường.
7. Phân biệt điều giống và khác
Có thể bạn chưa nghĩ đến kỹ năng này nhưng chuyên gia Haultain cho rằng việc phân biệt được những điều giống và khác là một kỹ năng học tập tuyệt vời cần phải phát triển.
Bạn có thể dễ dàng đưa cách dạy này vào những câu nói hàng ngày rất đơn giản kiểu như: “Hai thứ này có cùng màu sắc này”, hoặc “Chiếc thìa này dài hơn chiếc thìa kia” chẳng hạn.
8. Kể chuyện
Theo chuyên gia Haultain, học cách kể một câu chuyện là một trong những điều đầu tiên các em được học ở trường, thậm chí trước khi các em học cách đánh vần.
(Ảnh minh họa)
Làm sao để con bạn thành thục được kỹ năng này? Rất đơn giản, hãy khuyến khích con bạn nói nhiều hơn, sau đó lập dàn ý cho câu chuyện của con với những gợi ý của bạn. Việc bạn lắng nghe và đáp lời con cũng rất quan trọng.
9. Đếm đến 100
Việc đếm số rất vui và là một ý tưởng tuyệt vời để nhận diện số lượng các vật xung quanh trẻ, ví dụ bạn có thể hỏi con các câu như “Con nhìn thấy có bao nhiêu chiếc ô tô nào?”, sau đó cùng đếm với con. Nếu con bạn chưa đếm được đến 100, việc dạy trẻ đếm từ 1 đến 10 cũng là một khởi đầu được khuyến khích.
Theo Bounty Parents