Ăn ngó sen ngon bổ, siêu tốt cho phụ nữ, chị em ăn đúng cách sẽ ngày càng đẹp hơn, trẻ hơn… Thế nhưng, không đảm bảo những điều sau khi dùng ngó sen, mong ước này sẽ sớm tan biến.
Các chuyên gia dinh dưỡng nhận định, ngó sen chứa nhiều vitamin và khoáng chất đồng thời là nguồn cung cấp carbohydrate và chất xơ lành mạnh. Nó không chứa chất béo và cholesterol. Khi thái mỏng, ngó sen trông giống như những bông tuyết lỗ chỗ, ất phù hợp cho một món trang trí đầy nghệ thuật.
Theo USDA, 60g ngó sen luộc cung cấp 40 calo, 1g protein, 10g carbohydrate và 0g chất béo. Ngó sen là nguồn cung cấp vitamin C, chất xơ và vitamin B6 tuyệt vời, có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ và giúp duy trì chức năng miễn dịch khỏe mạnh, nhất là trong mùa dịch bệnh thì càng cần thiết. Ăn ngó sen cũng sẽ cung cấp một nguồn đồng và kali, cũng như một số vitamin B quan trọng…
Đông y coi ngó sen là thuốc quý. Trong Đông y, ngó sen được dùng với tên thuốc là liên ngẫu, có vị ngọt, hơi chát do chất nhựa, tính mát bình, không độc. Dược liệu để sống thì hàn, nấu chín thì ôn, có tác dụng cầm máu là chủ yếu, bổ huyết và điều kinh… Phụ nữ dùng ngó sen đúng cách có tác dụng như liều thuốc an thần, giảm căng thẳng, ngăn ngừa chứng trầm cảm sau sinh. Hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là vitamin C trong ngó sen giúp chống lão hóa rất tốt.
Tuy nhiên, khi ăn loại thực phẩm này cũng cần chú ý một số điểm để món ăn phát huy tác dụng tốt nhất.
Một số lưu ý khi ăn ngó sen được giới chuyên gia chỉ rõ như sau:
Không ăn ngó sen sống
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), ngó sen nằm trong nhóm những loại rau thủy sinh nên thường mang ấu trùng, khi vào cơ thể người sẽ sản sinh sán. Như chúng ta đã biết, ngó sen vốn sinh trưởng và phát triển trong bùn dưới đáy nước của các đầm, ao, hồ nên ngó sen rất dễ bị nhiễm nhiều mầm bệnh nguy hiểm từ môi trường sống này.
Ngoài một số bệnh truyền nhiễm về đường tiêu hóa thường gặp, ngó sen còn là nơi trú ẩn lý tưởng của ấu trùng sán lá ruột. Đây là một loại sán lá thường ký sinh trong ruột người hoặc một số loài gia súc, đặc biệt là lợn. Thông qua đường tiêu hóa, loại sán này sẽ xâm nhập vào cơ thể của chúng ta. Khi bị nhiễm bệnh, trong giai đoạn đầu, người bệnh chỉ bị thiếu máu nhẹ, mỏi mệt, sức khoẻ giảm sút.
“Nguy cơ này cao hơn nếu ngó sen được nuôi trồng ở vùng nước dễ bị ô nhiễm. Do đó, tốt nhất không nên ăn ngó sen sống, nên nấu chín kỹ trước khi ăn để đảm bảo không bị lây nhiễm sán”, chuyên gia khẳng định.
Không ăn ngó sen thường xuyên
Dù ngó sen rất tốt nhưng lương y Bùi Hồng Minh khuyến cáo không nên ăn loại thực phẩm này thường xuyên. “Ngó sen có tính hàn, nên hạn chế ăn, không nên ăn thường xuyên. Hạn chế cho trẻ em sử dụng, đặc biệt là trẻ có tỳ vị không tốt”, lương y nhấn mạnh.
Ngoài trẻ em, người có thể hàn cũng cần hạn chế dùng. Người thể hàn khi dùng ngó sen cũng giúp ngủ được nhưng về lâu dài sẽ bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường. Nếu sử dụng lâu dài có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý, cụ thể là làm giảm ham muốn tình dục.
Do đó, chuyên gia khuyên, chỉ nên ăn ngó sen 1 – 2 lần/tuần, uống nước ép ngó sen 3 – 4 ngày/tuần, mỗi ngày chỉ uống 1 – 2 lần chứ cũng không uống nhiều hơn.
Mắc bệnh tiểu đường, dạ dày không nên ăn ngó sen
Bệnh nhân tiểu đường
Do ngó sen giàu tinh bột nên nếu ăn nhiều sẽ dẫn đến tăng lượng insulin. Vì vậy, người bị bệnh tiểu đường không nên ăn nhiều ngó sen. Nếu muốn ăn thì cũng cần phải hỏi ý kiến bác sĩ của mình để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Người bị dạ dày
Ngó sen nhiều chất xơ, người bị chứng kích thích đại tràng, chướng bụng và viêm loét đại tràng nên tránh ăn vì càng dễ gây đầy bụng, khó tiêu.
Mẹo giúp ngó sen không bị thâm khi chế biến Để ngó sen không bị thâm, bạn nhặt sơ và cắt thành khúc vừa ăn. Sau đó ngâm với một ít muối và một ít nước cốt chanh, hoặc ngâm giấm, sau đó để một lúc là được. Hoặc có một cách khác là nhúng ngó sen vào nước đang sôi rồi vớt ra ngay, cho ngó sen ngâm với một ít muối rồi sau đó dùng nước rửa sạch.