Nấu cơm là một công việc hàng ngày của các gia đình, song không phải ai cũng biết cách làm đúng.
Trong đời sống thường ngày của các gia đình Việt, có thể nói cơm là một loại thực phẩm không thể thiếu. Hiện nay, đa phần mọi gia đình đều sử dụng nồi cơm điện để thực hiện công việc này, vừa dễ dàng, vừa nhanh chóng.
Quen thuộc là vậy tuy nhiên vẫn có những bước khi dùng nồi cơm điện nấu cơm mà nhiều người dùng chưa nắm rõ. Thao tác sau đây là một ví dụ: Thao tác xử lý sau khi nấu cơm xong.
Nhiều người dùng cho biết ngay sau khi thiết bị hoàn thành việc nấu cơm, sẽ mở nắp nồi ngay để thiết bị hạ bớt nhiệt. Số khác lại chia sẻ nồi cơm tốt nhất nên được đóng nắp cho đến khi gia đình có nhu cầu sử dụng.
Vậy đâu mới thực sự là cách làm đúng sau khi nấu cơm xong với nồi cơm điện?
Hãy đóng nắp nồi cơm điện!
Câu trả lời về cách làm đúng đó là: Tốt hơn hết sau khi nấu cơm xong, hãy giữ nắp nồi cơm điện được đóng kín. Cũng đúng như suy đoán của nhiều người dùng, việc làm này giúp đảm bảo cơm được chín một cách hoàn hảo nhất và được ủ ấm cho đến khi gia đình có nhu cầu sử dụng.
Hiện nay đa phần mọi loại nồi cơm điện đều được trang bị tính năng ủ ấm, bên cạnh các tính năng nấu thông thường. Sau khi kết thúc chu trình nấu, cơm đã được làm chín sẽ tự động được chuyển sang chế độ ủ ấm (keep warm).
Bởi vậy việc đóng nắp nồi cơm điện trong suốt thời gian này cũng góp phần giúp tính năng này hoạt động hiệu quả, tối ưu hơn. Nếu muốn mở nắp nồi cơm để kiểm tra, hãy đợi khoảng 10 – 15 phút, kể từ sau khi thiết bị thông báo đã nấu cơm xong.
Không chỉ đóng kín sau khi hoàn thành việc nấu cơm, trong suốt quá trình thiết bị hoạt động, tốt hơn hết người dùng cũng nên hạn chế việc mở nắp nồi cơm điện ra. Đặc biệt với những chiếc nồi đã cũ, sử dụng công nghệ cũ, việc mở ra liên tục để đảo, xới thậm chí còn khiến cơm có thể không được nấu chín hoàn toàn như mong muốn của người dùng hoặc chín không đều.
Ngay từ bước đầu, hãy đảm bảo nồi cơm đã được đóng nắp kín và thật kỹ. Đây là bước quan trọng quyết định chất lượng cơm, không để nhiệt hay hơi nóng thoát ra ngoài, vô tình gây bỏng hơi cho con người.
Một số lưu ý khác khi dùng nồi cơm điện
Bên cạnh lưu ý về phần nắp trước, trong và sau khi hoàn thành việc nấu cơm, sau đây cũng là một số lưu ý khác để việc sử dụng nồi cơm điện được hiệu quả, an toàn.
1. Lau khô lòng nồi trước khi cắm điện
Nhiều gia đình thường có thói quen sử dụng trực tiếp lòng nồi cơm điện để thực hiện công đoạn vo gạo. Ngay sau đó sẽ đặt ngay lòng nồi đó vào nồi cơm và cắm điện, nhấn nút khởi động.
Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá, nếu bỏ qua một thao tác, hành động này có thể tiềm ẩn nguy hiểm cho chính thiết bị cũng như người dùng. Cụ thể, người dùng nên đảm bảo lau khô lòng nồi trước khi đặt vào thiết bị và khởi động. Việc vẫn để nước tồn đọng có thể dẫn đến những vết cháy xém, làm cho vỏ của lòng nồi bị đen, ảnh hưởng tới độ bền của mâm nhiệt, thậm chí xảy ra chập cháy.
2. Không ấn nút “Nấu” quá nhiều lần
Tưởng như hành động vô hại, chỉ góp phần nấu cơm đi nấu cơm lại nhiều lần, nhưng việc ấn nút “Nấu” (Cook) nhiều lần lại khiến thiết bị nhanh hỏng hơn. Các chuyên gia giải thích, nguyên nhân là bởi khi ấn quá nhiều lần, rơ le nồi sẽ dễ bị nhờn và hỏng. Việc làm này cũng tương tự với nút “Làm ấm” (Keep Warm).
Chính vì vậy, người dùng không nên lạm dụng, ấn bất kỳ nút nào trên nồi cơm quá nhiều lần. Thay vào đó hãy cân đối sử dụng hợp lý, đúng mục đích.
3. Dùng cả 2 tay khi đặt lòng nồi vào nồi nấu
Khi đặt lòng nồi vào nồi nấu, người dùng tốt hơn hết hãy dùng cả 2 tay, đồng thời xoay nhẹ đáy nồi để tiếp xúc đều với bộ phận rơ le. Việc làm này sẽ giúp hạn chế tổn hạn đến rơ le nhiệt và giúp cơm chín đều, thơm ngon, không lo bị sống.
4. Vệ sinh nồi cơm điện thường xuyên
Đừng lười biếng để nồi cơm điện vài ngày mới rửa mà hãy rửa, vệ sinh thật kỹ sau mỗi ngày hoặc mỗi lần sử dụng thì càng tốt. Toàn bộ các bộ phận của nồi như lòng nồi, vỏ nồi, van thoát hơi và khay hứng nước thừa… đều cần được vệ sinh, loại bỏ kịp thời các chất bẩn.
Nồi cơm điện tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm con người ăn hàng ngày, vì vậy việc để bẩn sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người cũng như tuổi thọ của thiết bị.
Cuối cùng khi sử dụng, người dùng nên đặt nồi cơm điện ở vị trí thoáng mát, khô ráo, tránh những vị trí có nguồn nhiệt cao hay độ ẩm quá lớn như gần vòi nước, bồn rửa, gần bếp gas…