Khủng hoảng tâm lý tuổi tam thập ở phụ nữ được xem là giai đoạn phổ biến mà bất cứ ai cũng phải trải qua và nhận ra, đây là một trong những thời kỳ đỉnh điểm của khó khăn. Nhưng, cuộc sống còn rất nhiều điều lý thú đang chờ bạn khám phá, thế nên hãy cố gắng thoát khỏi và tiến tới một tương lai với rất nhiều cơ hội đang chờ phía trước.
Bước sang tuổi 30 là một cột mốc quan trọng trong cuộc sống của bất kỳ người phụ nữ nào và nó có thể là nguồn gốc của sự lo lắng. Sự thay đổi này có thể gây ra cuộc khủng hoảng về tâm lý khi người phụ nữ bất ngờ từ tuổi 20 trẻ trung và vô tư chạm “ngưỡng cửa” của tuổi trưởng thành mặc dù họ là người tự tin và luôn lạc quan.
Giống như cuộc khủng hoảng giữa cuộc đời, cuộc khủng hoảng tuổi 30 dường như xuất phát từ quan niệm sai lầm rằng bạn phải tìm ra mọi thứ ở một độ tuổi nhất định, gây ra sự nhầm lẫn, lo lắng và bất an về cuộc sống của bạn. Từ việc theo dõi bạn bè và đồng nghiệp trải qua điều này, chúng tôi đưa ra các dấu hiệu nổi bật của một cuộc khủng hoảng ở những người tại thời điểm cuối độ tuổi 20, chuẩn bị bước sang tuổi 30, và lời khuyên giúp bạn bớt căng thẳng hơn, nhận ra mình cần làm những gì để vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Số 1: Mất định hướng
Bạn chính thức bước vào một cuộc sống trưởng thành và có thể cảm thấy bản thân cần phải hoàn thành nhiều mục tiêu hay mong muốn một cách nhanh chóng. Đột nhiên, bạn muốn kết hôn và có con giống những điều mẹ bạn làm ở tuổi 30. Vào cuối độ tuổi 20, áp lực đè nặng lên vai khi bạn luôn phải lo lắng về những thứ mình cần phải có trước 30 tuổi, thậm chí lúc này, bạn hoang mang không biết thực sự mình muốn trở thành ai, điều đó khiến cho cuộc sống của bạn trở nên mất phương hướng và đầy lo lắng. Cornia Marie Howell, người sáng lập Dự án 30 chia sẻ: “Cố gắng đừng căng thẳng về việc hoàn thành liên tiếp mọi mục tiêu trước ngưỡng cửa 30, điều quan trọng nhất vào thời điểm này trong cuộc sống của bạn là tìm ra những gì bạn muốn và sống hết mình vì nó chứ không phải là ước mơ có tất cả”.
Số 2: Đặt câu hỏi về giá trị của những thành tựu trong quá khứ
Đối với một số phụ nữ, sự bất an của một cuộc khủng hoảng trước 30 khiến người ta nghi ngờ về những thành tựu trong quá khứ của họ. Bạn cũng vậy, cũng có những thành tích trong công việc và chiến thắng cá nhân từng rất tự hào nhưng không nhiều vì bạn ít khi tập trung vào định nghĩa của sự thành công trong cuộc sống. Đối với nhà văn Jen Kim, bước sang tuổi 30 liên quan đến việc xác định lại tầm quan trọng và ý nghĩa thực sự của thành công. Kim viết trên blog Psychology Today (Tâm lý học Hôm nay): “Tôi từng nghĩ mình đã thành công vì tôi có một công việc với mức lương ổn định và rất đang tự hào, thậm chí có thể nuôi được gia đình. Nhưng khi đã có tất cả những điều đó thì tôi không cảm thấy thành công vì đáng nhẽ ra tôi cần phải có nhiều hơn là mức lương.”
Số 3: Tăng sự bất an về việc hẹn hò và các mối quan hệ
Theo chuyên gia về Thế hệ Y Christine Hassler, nỗi buồn và sự căng thẳng khi chia tay người yêu hay lo lắng về mối quan hệ là triệu chứng phổ biến của một cuộc khủng hoảng cuối độ tuổi 20. Không quan trọng bạn độc thân, kết hôn, hẹn hò dưới bất kỳ hình thức nào, tình trạng mối quan hệ của bạn trở thành nguồn gốc của sự căng thẳng và lo lắng hàng ngày trong cuộc khủng hoảng. Bạn có thể thấy mình đột nhiên không hài lòng với một mối quan hệ lâu dài hoặc lo lắng về việc không có đủ kinh nghiệm hẹn hò. Ngay lúc này, việc cần làm là hít thở sâu, thật bình tĩnh, từ từ lấy lại niềm tin về những người xung quanh và chọn ra cho mình những người bạn thật sự tốt để chia sẻ.
Số 4: Lo lắng về tiền bạc
“Bức tranh” về tuổi trưởng thành có lẽ không cần đến “họa tiết” chi nhiều hơn số tiền kiếm được và lối sống lương tháng nào xài hết luôn tháng đó chờ đến lần lãnh lương sau, không dư ra một đồng nào và không có tiền tiết kiệm như nhiều người độ tuổi 20. Nhưng đột nhiên, bạn cảm thấy tình hình tài chính không ổn định và trông thảm hại hơn nhiều so với trước đây. Theo Learnvest, ở tuổi 30, mọi phụ nữ nên học cách thành thạo một số kỹ năng cơ bản về tài chính nhất định, như tra cứu tín dụng, có ngân quỹ riêng và kiểm soát được nó, sẽ giúp bạn tiến tới sự ổn định tài chính trong tương lai.
Số 5: Đặt câu hỏi về con đường sự nghiệp
Khi bạn bước qua tuổi 20, thật bình thường khi nhận ra rằng giấc mơ của bạn không hoàn toàn giống với những gì khi còn trẻ. Và khi bước sang tuổi 30, đánh giá lại con đường sự nghiệp, bạn có thể đang cân nhắc bỏ công việc và thay đổi hoàn toàn hướng phát triển của bản thân. Nhà trị liệu tâm lý, Tiến sĩ Paul Cullen đã quan sát thấy rằng nhiều khách hàng của ông ở độ tuổi 28-32 lo ngại rằng cuộc sống của họ dần trở nên vô nghĩa và một số người đã rời bỏ công việc công ty cao cấp để theo đuổi con đường sự nghiệp riêng, có ý nghĩa hơn. Cullen nói với Fox News: “Những câu hỏi mà mọi người gặp phải có thể là ‘Tôi ở trong lĩnh vực thẩm mỹ kiếm được 130.000 đô la mỗi năm nhưng tại sao tôi lại làm điều này? Tôi sẽ sớm 40 tuổi, cuộc sống của tôi sẽ như thế nào?’”.
Và đó thực sự là một câu hỏi đáng để hỏi. Nếu bạn cảm thấy không hoàn thành công việc hoặc không chắc chắn về con đường sự nghiệp bạn đã chọn dựa trên mức lương, có lẽ đã đến lúc bạn nhìn vào tương lai của mình trong đó. Bạn có đam mê công việc của bạn không? Hay, bạn có thực sự có thể tìm thấy sự hoàn thành trong công việc lâu dài không? Nếu bạn đang xem xét một thay đổi lớn, hãy tìm đến những câu chuyện truyền cảm hứng về những doanh nhân thành đạt nổi tiếng trên khắp thế giới đã từng chọn bỏ công việc với thu nhập sáu con số để theo đuổi đam mê của họ.
Số 6: Mắc phải “Hội chứng kẻ mạo danh”
Bạn đang chuẩn bị bước sang tuổi 30 và bạn thực sự đã cố gắng để trở nên xuất sắc trong sự nghiệp nhưng bỗng dưng lại nghi ngờ bản thân hơn bao giờ hết, rụt rè về các kỹ năng và thành tích của chính mình. Đó chính là lúc bạn mắc phải “Hội chứng kẻ mạo danh” – nỗi sợ hãi của rất nhiều phụ nữ thành công. Hiểu đơn giản, đây là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả những người luôn có cảm giác tự ti, nhút nhát, tự cho mình là kém cỏi. Người mắc phải hội chứng này không nhận thức được giá trị bản thân và những thành công mà họ gặt hái được. Họ thường nghĩ những thứ mình đạt được là do may mắn chứ không phải nhờ thực lực. Sự bất an và nghi ngờ bản thân của một cuộc khủng hoảng trước 30 có thể làm tăng nỗi sợ hãi này. Không những vậy, hội chứng kẻ mao danh thường khiến cho phụ nữ dễ bị kích động, lo lắng, trầm cảm.
Vượt qua hội chứng này, hãy nhận thức được là hội chứng này tồn tại. Mỗi khi nhận được lời khen, hãy tiếp thu một cách thật khách quan. Mỗi lần bạn từ chối một lời khen là làm tổn thương người khen bạn rất nhiều. Giữ một cuốn sổ, ghi lại những trường hợp thành công hay thất bại của mình, mỗi khi đọc lại sẽ nghĩ về cả 2 thứ một cách thật công bằng và nhắc nhở bản thân hàng ngày rằng bạn xứng đáng được công nhận và thành công, sớm thôi, bạn sẽ thực sự bắt đầu tin vào điều đó.
Số 7: Có những mong muốn mới cho sự cân bằng và hạnh phúc
Theo một khảo sát năm 2017, 35% phụ nữ trong độ tuổi 25 – 35 cảm thấy những yêu cầu công việc đang cản trở cuộc sống cá nhân của họ. Có thể thấy, áp lực công việc và mối quan hệ kết hợp với sự bất an và nghi ngờ bản thân của cuộc khủng hoảng trước 30 tuổi có thể khiến bạn mong muốn tìm đến sự cân bằng và ổn định trong cuộc sống.
Mong muốn này đáng được chú ý vì nó được cho là dấu hiệu tích cực nhất của một sự thay đổi cuộc sống đầy bất ngờ và “ngợp thở”. Xóa tan mọi lo lắng và sự bất ổn về cảm xúc bằng cách tích cực chăm sóc bản thân. Dành thời gian cho những thứ bạn thích. Cố gắng nhận ra và vứt bỏ những thứ bạn thực sự không quan tâm. Những điều này sẽ đưa bạn đến một tương lai ít căng thẳng hơn và đặc biệt sẽ tránh được tối đa cuộc khủng hoảng trước 30 tuổi.