Có không ít trường hợp người trẻ trước đó rất khỏe mạnh, khi cảm thấy mệt, phù đi khám thì phát hiện thận đã suy teo ở giai đoạn cuối.
Vì sao người trẻ phát hiện suy thận muộn?
Trong quá trình thăm khám, TS. BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đã gặp rất nhiều bệnh nhân mới sinh năm 1995-1990 tới khám đã suy thận giai đoạn cuối.
Điển hình là trường hợp T.H (27 tuổi, tại Long An) làm nghề cắt tóc. H thường bị chóng mặt, váng đầu, đi khám đã biết bị huyết áp cao. Bác sĩ tại địa phương có kê thuốc tăng huyết áp. Thời gian đầu, H uống đều. Sau khoảng 3 tháng uống thuốc, H thấy sức khỏe tốt nên dừng thuốc và quên luôn việc bị tăng huyết áp.
Thời gian gần đây, mọi người nói H béo ra. H thấy mệt nhiều, làm việc không có sức. H đi khám, nhận kết quả suy thận mạn giai đoạn cuối và có chỉ định lọc máu. Không tin vào kết quả này, H đã lên TP.HCM khám lại. Kết quả cũng không thay đổi.
Bệnh suy thận diễn biến rất chậm. Do vậy, các triệu chứng của bệnh diễn ra cũng rất âm thầm. Người ta vẫn nói bệnh thận là “kẻ sát thủ thầm lặng”. Bệnh lý suy thận mạn khi có triệu chứng thường ở đã ở giai đoạn cuối, việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn.
Một trong những lý do khiến người trẻ thường phát hiện suy thận khi đã ở giai đoạn muộn là do sự chủ quan. Người trẻ nghĩ mình có sức khỏe tốt, có mệt cũng không nghĩ tới sẽ mắc bệnh nặng. Bác sĩ Thảo đã gặp một số bạn trẻ có triệu chứng tăng huyết áp nhưng bỏ qua vì vẫn sinh hoạt bình thường. Tới khi triệu chứng chóng mặt, mệt xuất hiện dày, họ mới vào viện, lúc này thận đã suy độ 5.
Bác sĩ Thảo cho biết suy thận ở người trẻ có những điểm khác biệt so với độ tuổi trung niên:
-Người trẻ mắc bệnh tự miễn nếu phát hiện sớm, điều trị kịp sẽ tránh được suy thận.
-Người trẻ không có yếu tố tích tuổi học (tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh thận mạn cũng cao) nên nếu phát hiện sớm, thận chưa có sẹo, tổn thương thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
-Ở người trẻ, ít mắc thêm các bệnh kèm theo nên việc điều trị bệnh thận sẽ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, bệnh thận ở người trẻ thường phát hiện ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình, học tập.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh thận mạn ở người trẻ
Bác sĩ Phương Thảo cho hay dù bệnh thận mạn diễn biến rất âm thầm ở người trẻ nhưng cũng có dấu hiệu cảnh báo, cụ thể:
– Tăng huyết áp: Tăng huyết áp ở người trẻ trong khoảng từ 20 đến 30 tuổi có thể liên quan tới bệnh lý của thận. Do vậy, người trẻ bị tăng huyết áp nên được kiểm tra chức năng thận, phát hiện sớm bệnh.
– Đi tiểu có nhiều bọt, bọt sủi lên như xà phòng do có nhiều chất đạm trong nước tiểu.
– Bị phù kín đáo, ví dụ như mang giày chật hơn, mang nhẫn chật hơn.
– Đau lưng, mệt mỏi, buồn ngủ nhiều…
Theo bác sĩ Phương Thảo, ở một số người bệnh không có triệu chứng, phải khám mới phát hiện suy thận. Bác sĩ lưu ý chị em phụ nữ thường rất hay có tính chịu đựng, ít đi khám sớm. vô tình làm chậm quá trình điều trị. Với những chị em có tiền sử tiền sản giật, sản giật, sau khi sinh xong nên khi khám chức năng thận vì có thể để lại dị chứng.
Cách phòng tránh bệnh thận mạn
1. Cần có lối sống lành mạnh, tránh các bệnh chuyển hóa như: béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng acid uric…
2. Dùng thuốc đúng chỉ định, không lạm dụng thuốc giảm đau…
3. Uống nhiều nước.
4. Đi khám sức khỏe mỗi năm, tầm soát bệnh thận bằng ít nhất 3 loại xét nghiệm: thử nước tiểu, thử máu đánh giá chức năng thận, siêu âm hệ niệu.
Đối với người trẻ, khi có dấu hiệu tăng huyết áp cần phải đi khám để loại trừ nguy cơ mắc bệnh thận sớm. Trường hợp đã mắc bệnh thận mạn không nên quá bi quan vì hiện nay với các biện pháp chạy thận nhân tạo hiện đại, kê toa chính xác… sẽ giúp bệnh nhân duy trì chất lượng sống cao nhất.