Bột nghệ được nhiều người coi là “thần dược” trị bệnh viêm dạ dày, viêm loét dạ dày… Nhưng hóa ra đây lại là quan niệm sai lầm có thể khiến bệnh nặng thêm, thậm chí thủng dạ dày.
Nhiều trường hợp thủng dạ dày vì thiếu hiểu biết
PGS.TS Phùng Hoà Bình – Nguyên Trưởng bộ môn Dược học Cổ truyền, ĐH Dược Hà Nội cho biết, ông vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân bị viêm loét dạ dày ở tình trạng khá nặng.
Bệnh nhân là chị L quê Nam Định đã bị viêm loét dạ dày được hơn 2 năm. Sau khi khám và phát hiện bệnh, thời gian đầu chị L sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sỹ. Hết thuốc, chị đã sử dụng bột nghệ để điều trị bệnh theo lời mách bảo của một số người.
Sau khoảng hơn 2 tháng, chị L thấy mình không còn bị nhiều cơn đau dữ dội như trước. Và chị L nghĩ mình đã khỏi được bệnh viêm dạ dày do sử dụng bột nghệ pha mật ong. Từ đó, chị chỉ dùng bột nghệ để điều trị bệnh của mình mà không cần đến thuốc kê đơn của bác sỹ.
PGS.TS Phùng Hoà Bình
Tuy nhiên, vừa qua chị L bị đau trở lại và đau hơn những lần trước. Khi đi xét nghiệm thì bác sỹ đã chẩn đoán chị ở tình trạng viêm loét nghiêm trọng, chậm chút nữa sẽ dẫn đến bị thủng dạ dày.
Theo PGS.TS Phùng Hoà Bình, đây không phải là ca hiếm gặp tại phòng khám của ông.
“Nhiều bệnh nhân chia sẻ, trước đây đau nhiều nhưng uống được một đợt thuốc thì chỉ đau nhẹ và tự cắt thuốc. Điều này rất nguy hiểm, bởi vùng dạ dày là vùng không có dây thần kinh cảm giác.
Tức là người bệnh vẫn đau mà không biết là đau. Vì vậy, thực tế có nhiều bệnh nhân không hề biết đau cho đến khi bị thủng dạ dày.
Đối với dạ dày, không có khái niệm đau nhẹ hay đau mạnh mà khi bị bệnh có nghĩa phải chữa đến hết, đến khi khỏi, và kiểm tra bằng các kỹ thuật hiện đại, tất cả thành sẹo rồi thì lúc đó mới khỏi bệnh” – ông Bình cho biết thêm.
Hiểu sai về vai trò của bột nghệ và tinh chất nghệ
Lướt qua các trang mạng, chúng ta dễ dàng thấy những trang rao bán sản phẩm bột nghệ để làm đẹp da, chữa bệnh dạ dày… Tuy nhiên, hầu hết những người bán hàng đều rao là “tinh bột nghệ” mà không hề hay biết (hoặc cố tình nói sai) ý nghĩa và cái tên thật sản phẩm mình bán là gì?
Còn với những người mua thì cứ nghe đến “tinh bột nghệ” là bị mê hoặc, coi như một thứ “thần dược” chữa bách bệnh viêm, nhất là các loại viêm trong đường tiêu hóa.
Thế nhưng, theo PGS.TS Phùng Hoà Bình, trong Đông y không có thảo dược nào là “tinh bột nghệ”, mà chỉ có bột nghệ và tinh nghệ.
Tinh chất nghệ chính là hợp chất Curcumin. Các cơ sở ngành dược thường chiết xuất từ nghệ lấy ra 1 chất Curcumin để tạo ra sản phẩm tinh chất. Đây là chất có tác dụng tăng cường miễn dịch cho cơ thể, phòng chống tế bào ung thư, có thể làm lành các vết loét. Vì vậy, trong trường hợp người bị dạ dày thì có thể dùng tinh nghệ này để hỗ trợ điều trị bệnh.
Còn bột nghệ là củ nghệ được chế biến, tán thành bột. Nhưng khi chế biến bột nghệ phải rất cẩn thận. Nếu bột nghệ vẫn còn tinh dầu thì người bệnh sử dụng sẽ bị kích ứng dạ dày, không tốt cho việc điều trị bệnh.
Theo PGS.TS Phùng Hoà Bình, một trong những tác nhân chủ yếu gây bệnh viêm dạ dày, viêm loét dạ dày là vi khuẩn HP. Vì vậy, muốn điều trị bệnh thì cần phải dùng thuốc kháng sinh diệt khuẩn HP. Phương thức điều trị bệnh là vừa giệt vi khuẩn vừa bao vết loét, tái tạo tổ chức loét để làm liền vết thương, đồng thời giảm axít của dịch vị dạ dày.
Còn bột nghệ có tính kháng khuẩn, chống viêm rất ít và không có tác dụng giảm tiết dịch vị dạ dày. Hơn nữa, bột nghệ chỉ là sản phẩm hỗ trợ điều trị chứ không phải là thuốc. Vì vậy, người bệnh chỉ dùng đơn độc bột nghệ thì hiệu quả sẽ rất thấp mà cần phải phối hợp với các loại thuốc khác đặc trị bệnh.
Chữa viêm dạ dày, viêm loét dạ dày đúng cách
TS.BS Nguyễn Công Long – Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tại Hà Nội, cứ 1.000 người viêm dạ dày có tới 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại TP.HCM có tới 90% người bị viêm dạ dày có xuất hiện loại vi khuẩn này”.
Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò sinh bệnh của HP trong các bệnh về dạ dày – tá tràng và những trường hợp nào mới thật sự cần thiết phải làm xét nghiệm chẩn đoán HP và điều trị triệt để.
Để phát hiện vi khuẩn HP gây bệnh viêm dạ dày, viêm loét dạ dày, có rất nhiều phương pháp, nhưng cách thường dùng trong lâm sàng là: Urease test, test hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân. Mỗi phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao tùy vào từng bệnh nhân cụ thể.
(Ảnh minh hoạ)
TS. BS Nguyễn Công Long cũng cho biết: “Theo Tây y, diệt trừ vi khuẩn HP thường sử dụng phác đồ điều trị ba thuốc, trong đó có hai loại kháng sinh và một loại ức chế tiết acid nhóm PPI. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào sự tuân thủ, cơ địa của người bệnh và tính kháng thuốc của vi khuẩn. Vì vậy, có trường hợp cần phải điều trị nhiều lần bằng những phác đồ khác nhau”.
TS.BS Nguyễn Công Long khuyến cáo, chúng ta không nên tự ý sử dụng thuốc dù là đông y hay tây y. Hơn nữa, người bệnh cũng như người thân cần phải tìm hiểu kỹ về bệnh để biết cách phòng tránh, điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất.
Hiện nay y học chỉ ra có 2 con đường lây nhiễm vi khuẩn HP khá rõ nét là qua đường ăn uống và qua phân. Do đó cách phòng ngừa tốt nhất là nên cách ly không dùng chung đồ ăn khi biết trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP; thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Để giảm các triệu chứng gây ra của viêm loét dạ dày nên thực hiện việc ăn uống điều độ, không quá no, không quá đói, không nên ăn đồ mặn, không thức khuya, giảm stress do công việc cũng như cuộc sống riêng, năng tập thể dục, yoga, thiền để có tâm trạng thư thái, ngủ đủ giấc rất quan trọng giúp niêm mạc dạ dày kịp thời phục hồi.
Bên cạnh đó, cần tránh ăn quá nóng, quá lạnh, đồ ăn khó tiêu hoặc quá cứng cũng như có nồng độ axit quá cao, tránh rượu bia…bởi nếu không tuân thủ các phương pháp trên thì rất có thể khi đã chữa khỏi vi khuẩn HP vẫn bị tái phát. Ngoài ra, nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ test và diệt HP khi có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.