Ung thư tinh hoàn có triệu chứng rõ ràng nhưng nhiều trường hợp, bệnh không có bất cứ dấu hiệu nào, cho đến khi phát hiện bệnh đã di căn nhiều cơ quan khác.
Nam thanh niên ho nhẹ đau ngực đi khám phát hiện ung thư di căn
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa khám cho nam thanh niên 25 tuổi với triệu chứng ho nhẹ, ho kéo dài. Tại đây, bệnh nhân được tiến hành Xquang phổi thất, kết quả phát hiện có các nốt nhỏ trên phim, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân trên mắc ung thư di căn phổi.
Bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, với các dấu hiệu trên bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư di căn. Thông thường, các bộ phận bị ung thư di căn đến phổi là vú (ở phụ nữ), tinh hoàn (nam giới), đại tràng, thận, vòm hầu, xương, tuyến giáp…
Xét nghiệm tổng quát của bệnh nhân bao gồm xét nghiệm máu, siêu âm bụng, xét nghiệm nước tiểu đều cho kết quả hoàn toàn bình thường.
Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân cũng tương đối tốt nên các bác sĩ lưu ý đến các cơ quan thường bị bỏ sót trong quá trình khám và xét nghiệm tổng quát là tinh hoàn. Khi bác sĩ hỏi về các triệu chứng ở tinh hoàn, người bệnh cho biết không có gì bất thường, ngoại trừ trước đó vài tháng từng bị sưng tinh hoàn phải, sau đó tự hết.
(Ảnh minh họa)
Khi khám tinh hoàn cho bệnh nhân, bác sĩ Vinh phát hiện có khối u cứng, không sưng đau. Vì không đau nên người bệnh chủ quan không đi khám, đây chính là lý do ung thư tinh hoàn có thời gian di căn lên phổi.
Tại trung tâm ung bướu và y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cũng từng gặp bệnh nhân ung thư tinh hoàn tại trung thất. Em Nguyễn Việt H 17 tuổi được chẩn đoán ung thư tinh hoàn di căn xa.
Trước đó, bệnh nhân thấy đau ngực trái nên đã đến khám tại một bệnh viện tại Hà Nội, bệnh nhân được chẩn đoán: U trung thất, và đã được chỉ định phẫu thuật lấy u, nhưng do khối u quá lớn, xâm lấn ngay sát các mạch máu lớn nên chỉ phẫu thuật sinh thiết u mà không phẫu thuật lấy u được.
Sau đó bệnh nhân được đưa về nhà. Lúc đó bệnh nhân và gia đình rất buồn, lo lắng vì nghĩ rằng cơ hội sống không còn.
Bệnh ngày càng tiến triển với các triệu chứng đau ngực trái tăng dần, bệnh nhân xuất hiện thêm triệu chứng khó thở. Gia đình đã đưa bệnh nhân đến Trung Tâm Y học hạt nhân và Ung Bướu – Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, các bác sĩ khám thấy bệnh nhân có khối u thành ngực trái kích thước 5x6cm, mật độ mềm, ranh giới không rõ. Tim bị đẩy sang phải (mỏm tim ở cạnh xương ức trái); hội chứng ba giảm toàn bộ phổi trái. Tinh hoàn hai bên đủ, không thấy tổn thương u.
Bệnh nhân được làm thêm một số xét nghiệm đánh giá tình trạng tổn thương u và tình trạng di căn xa. Bệnh nhân được chẩn đoán tràn dịch màng phổi trái/Ung thư tinh hoàn biểu hiện tại trung thất, phúc mạc.
Sau đó bệnh nhân đã được điều trị hoá chất phác đồ VIP 04 đợt. Sau đợt điều trị hoá chất đầu tiên, khối u thành ngực thu nhỏ dần dần và sau 20 ngày truyền hoá chất tổn thương tại thành ngực đã tan.
(Ảnh minh họa)
Trường hợp của anh Phạm Văn K. sinh năm 1986 trú tại Hòa Bình, điều trị tại Bệnh viện K trung ương cũng tương tự. Anh K bị sưng đau tinh hoàn đã khám ở bệnh viện huyện và lấy thuốc về uống nên khỏi.
Từ đó anh không đi khám bệnh nữa vì thấy sức khỏe hoàn toàn bình thường. Chỉ đến khi anh K thấy đau ở ngực kèm theo ho mới đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ chụp thấy phổi mờ nên giới thiệu lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện K trung ương, bác sĩ phát hiện ung thư tinh hoàn di căn phổi. Anh K cho biết, trước đó anh không có biểu hiện gì, tinh hoàn không đau và cũng chẳng biết khối rắn đanh ở tinh hoàn kia chính là ung thư ác tính.
Sau phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn và hóa trị, sức khỏe của anh K khá hơn. Tuy nhiên, vì là ung thư đã di căn nên việc điều trị vẫn khó khăn hơn nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.
4 dấu hiệu ung thư tinh toàn nam giới cần đi khám ngay
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi – nguyên bác sĩ Ngoại tiết niệu – Bệnh viện E trung ương – Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, ung thư tinh hoàn là một trong những ung thư hay gặp nhất ở nam giới từ 15 đến 35 tuổi, chiếm khoảng 1% tổng các loại ung thư ở nam giới ở mọi lứa tuổi.
Bệnh diễn tiến thầm lặng nên khó phát hiện, đến khi phát hiện đa số bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối, khối u ác tính ngày một to và xâm lấn toàn bộ tinh hoàn.
Cũng giống như các bệnh ung thư khác, ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì cơ hội khỏi bệnh rất cao. Tuy nhiên, nam giới vẫn còn rất e ngại khi đi khám nam khoa đặc biệt là những trục trặc ở cậu nhỏ mọi người còn xem thường.
Ung thư tinh hoàn ở giai đoạn đầu bệnh không có dấu hiệu đặc biệt, một số trường hợp thường thấy các khối u nhỏ không đau ở vùng tinh hoàn, tinh hoàn to lệch, ngực và núm vú to hơn, đi lại di chuyển có cảm giác nặng vùng bìu.
Bác sĩ Lợi cho biết để phát hiện sớm ung thư tinh hoàn, giống ung thư vú ở nữ giới, mày râu có thể tự kiểm tra để phát hiện sớm bệnh. Cách tự khám tinh hoàn cũng rất đơn giản.
Thứ nhất: Nam giới nên chú ý đến tinh hoàn của mình, theo dõi độ lớn của tinh hoàn, nếu thấy to bất thường hãy đi kiểm tra ngay lập tức.
Thứ hai: Dùng tay nhẹ nhàng kiểm tra tinh nết có cục u, sưng, cứng không đau hoặc đau khu vực này đều có thể là dấu hiệu của ung thư.
Thứ ba: Đau âm ỉ ở bụng hay dưới bẹn; có thể sưng, đau trong một tinh hoàn hay bìu.
Thứ tư: Cảm giác nằng nặng ở bìu, gai sốt và hơi đau ở vú.