Theo VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan tin tưởng rằng hành vi phạm tội của bị cáo không thể bị phát hiện và cơ quan chức năng không có căn cứ để xử lý bị cáo.
Sáng 1-4, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử đối với 86 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB). Bắt đầu ngày làm việc thứ 19, đại diện VKSND TP HCM đối đáp nội dung bào chữa cho các bị cáo của các luật sư.
VKS tổng hợp các nội dung bào chữa thành các nhóm vấn đề: Đánh giá thiệt hại vụ án; Áp dụng pháp luật về khởi tố hành vi của các bị cáo; Việc bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) không thừa nhận hành vi phạm tội; Vấn đề liên quan số liệu tài sản đảm bảo; Nhóm vấn đề liên quan tội danh đưa và nhận hối lộ cùng đồng phạm; Nhóm vấn đề liên quan hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Cao Trí và hành chiếm đoạt tiền cho vay của bị cáo Chu Lập Cơ; Nhóm vấn đề về áp dụng tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.
Để xác định vì sao bị cáo Trương Mỹ Lan có quyền hạn quyết định, điều hành, chi phối mọi hoạt động của SCB, trong đó có cả hoạt động cho vay, VKS dẫn chứng nhiều tài liệu.
VKS chứng minh bị cáo Lan thâu tóm, sở hữu tới 91,5% vốn điều lệ của SCB. VKS cho biết tại bảng kê biến động cổ đông do bị cáo Tạ Chiêu Trung lập (ghi nhận thời điểm 5-6-2022) và lời khai của bị cáo Tạ Chiêu Trung đều thể hiện bị cáo Trương Mỹ Lan giao cho Tạ Chiêu Trung theo dõi cổ phần SCB do bị cáo Lan sở hữu từ thời điểm hợp nhất cho đến trước khi khởi tố vụ án. Trong đó, mọi biến động của SCB đều theo ý của bị cáo Trương Mỹ Lan, bao gồm cổ phần của Công ty Việt Vĩnh Phú và cổ phần đứng tên 5 cổ đông là công ty nước ngoài.
Từ sau khi SCB hợp nhất (năm 2012), số cổ phần tại SCB mà bị cáo Tạ Chiêu Trung theo dõi là 85%. Đến tháng 10-2022 là trên 91%, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên; trong đó, có cả 5 cổ đông nước ngoài. Việc mua thêm cổ phần SCB là do bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo, lấy tiền từ bị cáo Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Cạnh đó, ngày 22-12-2022, Phó Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc hành chính nhân sự của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã giao nộp cho cơ quan điều tra 6 sổ chứng nhận hợp đồng bản gốc của Công ty Việt Vĩnh Phú và 5 công ty nước ngoài tìm thấy trong phòng làm việc của bà Trương Mỹ Lan (tại trụ sở thuộc phường Cô Giang, quận 1, TP HCM).
Lời khai của các cá nhân đứng tên cổ phần tại SCB đều thể hiện đứng tên hộ bị cáo Trương Mỹ Lan. Tại các biên bản hỏi cung, bị cáo Trương Mỹ Lan xác nhận bị cáo vận động người thân, bạn bè mua cổ phần 3 ngân hàng từ trước khi sáp nhập để đạt tỉ lệ trên 65%. Sau sáp nhập bị cáo tiếp tục nhờ người thân, bạn bè, pháp nhân đứng tên 85% cổ phần. Sau đó, tiếp tục thu mua cổ phần đến tháng 10-2022.
Về nguồn tài chính của 5 công ty nước ngoài sở hữu cổ phần mà bị cáo Lan khai là bạn thì bị cáo không nêu được cụ thể danh tính. VKS khẳng định 5 pháp nhân này cũng là đứng tên hộ bị cáo Lan để đầu tư tài chính.
Theo VKS, từ 1-1-2012 đến 7-10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ cho vay, giải ngân 2.527 khoản vay với tổng số tiền trên 1 triệu tỉ đồng.
Ngoài ra, còn rất nhiều tài liệu chứng cứ chứng minh bị cáo Trương Mỹ Lan nắm giữ cổ phần, giữ quyền cao nhất tại SCB.
Các luật sư của bị cáo Lan cho rằng HĐQT mới có quyền quyết định mọi hoạt động của SCB trong khi bị cáo Lan không phải thành viên HĐQT. VKS cho rằng nhận định này là không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng, không đúng với các tài liệu, chứng cứ đã được điều tra, thu thập khách quan trong hồ sơ vụ án cũng như cũng không phù hợp với kết quả thẩm tra công khai tại toà.
VKS dẫn chứng theo quy định, việc bầu thành viên HĐQT chỉ cần 51% trên tổng số biểu quyết của các cổ đông. Cổ đông, nhóm cổ đông giữ trên 65% được đề cử đủ số thành viên HĐQT. Về việc bị cáo Trương Mỹ Lan và một số luật sư cho rằng việc quyết định HĐQT do Ngân hàng Nhà nước quyết định là chưa đúng quy định. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ xem xét, chấp thuận danh sách những người bổ nhiệm làm thành viên HĐQT, thành viên HĐTV, thành viên ban kiểm soát của tổ chức tín dụng chứ không ra quyết định, bầu hay quyết định chấp nhận.
Từ phân tích trên, VKS khẳng định bị cáo Trương Mỹ Lan không trực tiếp quản lý tài sản của SCB nhưng thâu tóm, sở hữu, chi phối phần lớn cổ phần, chiếm tới trên 91% vốn điều lệ của SCB, mục đích để nắm quyền hạn đại hội đồng cổ đông – cơ quan có quyền quyết định cao nhất của Ngân hàng SCB.
Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan quyết định, bố trí nhân sự lãnh đạo chủ chốt của SCB, quyết định mọi hoạt động điều hành của SCB, cho vay, rút tiền để bị cáo sử dụng.
“Bị cáoTrương Mỹ Lan nắm quyền hành đại hội đồng cổ đông, là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy các đối tượng có chức vụ tại SCB, bị cáo coi SCB như công cụ tài chính, nơi giữ tiền để bất cứ lúc nào cần dùng là rút…” – kiểm sát viên đánh giá.
VKS nhận định bị cáo Lan là chủ thể thực hiện hành vi phạm tội “Tham ô tài sản”.
Theo VKS, việc bị cáo và các luật sư đề nghị xem xét chứng minh 5 công ty nước ngoài chuyển tiền mua cổ phần của SCB không thay đổi được việc chứng minh bị cáo Trương Mỹ Lan chi phối, quyết định đối với số cổ phần tại SCB.
Kiểm sát viên cũng nêu căn cứ thể hiện bị cáo Trương Mỹ Lan không chỉ quyết định cho các bị cáo giữ chức vụ chủ chốt mà khi các bị cáo này nghỉ việc cũng phải báo cáo bị cáo Lan để sắp xếp vị trí khác.
“Mặc dù bị cáo Trương Mỹ Lan không nhận tội nhưng khi hỏi về các nội dung, bị cáo trình bày rõ từng nhân sự được sắp xết, bố trí tại thời điểm này, thậm chí còn nêu rõ lý do sắp xếp nhân sự. Bị cáo thừa nhận thời điểm các cán bộ chủ chốt SCB xin nghỉ công tác đều thông qua bị cáo. Như vậy, có đủ tài liệu chứng cứ chứng minh bị cáo là người sắp xếp nhân sự chủ chốt tại SCB. Đây là phương thức, thủ đoạn để bị cáo sử dụng chiếm đoạt tiền của SCB” – kiểm sát viên nêu quan điểm.
Về các công ty “ma” liên quan vụ án, VKS cho rằng lập luận của luật sư và bị cáo Lan cho rằng vì người đứng tên các công ty này không phải bị cáo, không phải người nhà bị cáo nên cáo buộc của VKS là không có căn cứ. VKS dẫn chứng toàn bộ công ty “ma” do các cá nhân thân tín của bị cáo Lan, trong đó có bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm… phối hợp Nguyễn Phương Anh thành lập theo chỉ đạo của bị cáo Lan.
Càng về sau, số lượng công ty ngày càng nhiều nhưng không đáp ứng được yêu cầu rút tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan và việc giải quỹ. Do đó, bị cáo Lan tiếp tục sử dụng nhóm công ty có liên quan khác như nhóm Công ty Đông Phương, nhóm Công ty Tường Việt…
“Thủ đoạn của bị cáo Lan là chỉ đạo miệng, tất cả chỉ đạo trong chuỗi hành vi phạm tội đều không để lại bút tích, bị cáo không đứng tên khoản vay, tài sản công ty nên bị cáo tin tưởng rằng hành vi phạm tội của bị cáo không thể bị phát hiện và cơ quan chức năng không có căn cứ để xử lý bị cáo. Chính vì vậy, bị cáo và luật sư đề nghị xác minh người đứng tên, số tài khoản người đứng tên công ty để chứng minh không liên quan bị cáo.
Toàn bộ hồ sơ tố tụng, lời khai của các đồng phạm, cũng như chính bị cáo Trương Mỹ Lan đã chứng minh các công ty “ma” được thành lập theo chỉ đạo của bị cáo để phục vụ việc rút tiền của SCB” – kiểm sát viên đánh giá.