Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định nâng thuế lên cao nữa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 10/5, và sẽ chưa dừng lại ở đó. Từ cuộc chiến thương mại giữa 2 bên đang gây ra một “cuộc chiến nông sản” trên toàn cầu.
Ngành nông nghiệp Mỹ?
Nông dân Mỹ đang bị “tấn công” trên cả hai “mặt trận”. Vừa đúng lúc các vùng sản xuất ngô bắt đầu vào mùa gieo trồng. Nông dân nước này có thể sẽ phải cân nhắc nên giảm hay tăng diện tích trồng ngô và đậu tương. Trung Quốc thường chiếm tỷ lệ lớn trong tổng khối lượng đậu tương xuất khẩu của Mỹ (năm 2017 là 60%). Nhưng thị trường này đang trở nên “xa vời” sau khi Tổng thống Donald Trump thực hiện chiến dịch tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh cũng trả đũa bằng hành động tương tự.
Năm vừa qua, nhiều giai đoạn Trung Quốc đã ngừng mua đậu tương Mỹ. Việc giao thương mặt hàng này đã được nối lại, song xuất khẩu đậu tương Mỹ sang Trung Quốc đang rất chậm chạp. Nông dân Mỹ trở nên rất khó khăn trong việc lựa chọn việc trồng ngô hay đậu tương vào lúc này. Nhiều khả năng có nhiều diện tích đất sẽ không được trồng cả 2 loại cây này. Và như vậy, dự đoán về sản lượng nông nghiệp vụ tới của Mỹ trở nên thiếu chắc chắn.
Chưa hết, nông dân Mỹ còn phải chịu tổn thất do chi phí cho việc bảo vệ cây trồng tăng lên vì Mỹ tăng thuế khiến mọi thứ nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường này trở nên đắt đỏ hơn, và chi phí tăng đó sẽ chuyển sang “vai” người nông dân.
Ngành nông nghiệp Trung Quốc?
Tương tự như nông dân Mỹ, nông dân Trung Quốc cũng bị tổn thất nhiều mặt. Vốn đang phải “quay cuồng” với “Chương trình Bầu trời xanh” (chiến dịch chống ô nhiễm môi trường do Chính phủ triển khai) từ năm 2018, người nông dân Trung Quốc cũng phải chứng kiến giá các sản phẩm bảo vệ cây trồng đều gia tăng. Không chỉ giá tăng mà nhiều mặt hàng trong danh mục này còn trở nên khan hiếm. Thêm nhiều thuế đánh vào các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ khiến cho tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Vậy nhưng điều tồi tệ nhất là Trung Quốc đã “nghiện” nhập khẩu đậu tương Mỹ từ nhiều năm gần đây nên cuộc chiến giữa 2 bên leo thang khiến cho nông dân Mỹ phải chịu áp lực rất lớn trong việc làm sao để “lấp đầy” khoảng thiếu hụt về nguồn cung.
Dĩ nhiên là Chính phủ và nông dân nước này nỗ lực để nâng cao sản lượng, nhưng thực tế là Trung Quốc không phải là nơi phù hợp nhất cho việc trồng đậu tương, do đó hiệu quả trồng loại cây này không cao. Ngoài ra, việc tập trung cho cây đậu tương sẽ làm gia tăng áp lực cho những người trồng các loại cây khác như lúa gạo, ngũ cố, ngô…
Sự bùng phát dịch tả lợn Châu Phi làm giảm sút khoảng 20% số lợn nuôi trong năm 2018/19, giúp giảm bớt áp lực về nguồn cung thức ăn cahwn nuôi trong năm 2019. Tuy nhiên, khi dịch bệnh qua đi, đàn lợn sẽ được khôi phục, khi đó chắc chắn sẽ thiếu nghiêm trọng đậu tương trong chăn nuôi lợn, giữa bối cảnh nhu cầu thịt lợn ở Trung Quốc không ngừng gia tăng.
Ngành nông nghiệp toàn cầu?
Các “dòng chảy” thương mại trên toàn cầu đã bị thay đổi đáng kể. Trung Quốc hiện vẫn đang nhập khẩu đậu tương Mỹ, và chỉ chuyển sang nhập từ Argentina để sản xuất dầu thực vật. Nhưng chừng ấy cũng đủ gây áp lực nên người nông dân Argentina. Trong khi đó thì EU phải đối mặt với việc nhu cầu nhập khẩu dầu đậu tương gia tăng, giữa bối cảnh sản lượng hạt cải sụt giảm do mất mùa. Còn nông sản Mỹ thì tìm tới những thị trường mới như Pakistan, gây sức ép lên mối quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ cũng như chính sách “Made in India” của Ấn Độ.
Tại Nga cũng đã “bùng nổ” làn sóng trồng đậu tương ở vùng Viễn Đông bởi lợi nhuận tăng cao, nhưng chính điều đó ảnh hưởng đến sản lượng lúa mì, gây ảnh hưởng tới xuất khẩu mặt hàng này, và làm cho người trồng lúa mì Pháp được hưởng lợi khi giành được một số thị phần của Nga trên thị trường thế giới, chẳng hạn như trong các cuộc mua đấu giá của Ai Cập. Các kịch bản kiểu này có vẻ nhiều “vô tận”. Do đó nông dân khắp nơi trên thế giới chỉ mong những thông điệp mà ông Trump viết trên Twitter về việc đe dọa Trung Quốc thực sự chỉ là lời đe dọa, rồi hai bên sẽ thu xếp ổn thỏa để thị trường nông sản toàn cầu bớt dậy sóng.
Ngành nông sản Việt Nam
Trong danh sách các mặt hàng nông sản Mỹ mà Trung Quốc áp thuế trả đũa có đậu tương, thịt lợn, trái cây, hạt vỏ cứng, đa số đều không phải là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Đậu tương thì Việt Nam vẫn đang rất thiếu cho nhu cầu trong nước và đang phải nhập khẩu khá nhiều. Thịt lợn Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được về giá thành và chất lượng so với các nước khác. Trái cây mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ là các loại trái cây ôn đới như anh đào, táo…, đều là những sản phẩm mà Việt Nam không có để xuất khẩu.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại có thể khiến 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới tăng trưởng chậm lại, kéo kinh tế toàn cầu chậm theo, ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng các nước, nhất là Mỹ và Trung Quốc – hai bạn hàng lớn của Việt Nam, từ đó tác động ít nhiều tới hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2019 đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các mặt hàng gạo, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cũng trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính khoảng 8,1 tỷ USD, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân xuất khẩu nông sản giảm sút được nhận định là bởi những khó khăn khi kinh tế toàn cầu được dự báo hạ mức tăng trưởng, căng thẳng thương mại còn hiện hữu, giá cả hàng hoá thế giới diễn biến phức tạp, thương mại toàn cầu có dấu hiệu sụt giảm rõ nét…; thách thức từ dịch bệnh, nhất là dịch bệnh tả lợn châu Phi…