Bỏ giấc mơ du học để… trồng nấm

TTO – Khởi nghiệp với nghề làm phôi nấm trên vùng đất thép Củ Chi, chàng trai trẻ Bùi Minh Thắng (29 tuổi) đặt trọn tâm huyết với sự lựa chọn tương lai gắn với nông nghiệp.

Bỏ giấc mơ du học để... trồng nấm - Ảnh 1.

Anh Bùi Minh Thắng là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2017, đoạt giải thưởng “Lương Định Của” của Trung ương Đoàn trao cho những nhà nông trẻ tiêu biểu cả nước. Dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”. Hiện anh là phó chủ tịch Hội LHTN VN xã Hòa Phú, huyện Củ Chi.

Anh chia sẻ câu chuyện từ bỏ giấc mơ du học, theo con đường phát triển nghề trồng nấm của gia đình.

Tôi luôn muốn làm chủ cuộc đời mình. Những thất bại chỉ làm tôi thêm mạnh mẽ nhờ vào sự bền chí.

Bùi Minh Thắng

* Cơ duyên nào khiến anh quyết định như vậy?

– Tốt nghiệp THPT năm 2009, tôi được bố mẹ cho đi học tiếng Nhật để chuẩn bị du học. Thời gian này tôi dần nhận ra mình có niềm đam mê đặc biệt với nghề trồng nấm nên quyết định từ bỏ việc du học, tập trung cho việc phát triển nghề trồng nấm.

Khi đó gia đình tôi phản đối quyết liệt, bởi bố mẹ quá hiểu những vất vả của làm nông nên không muốn tôi theo. Nhưng mình “trót yêu” rồi! Vả lại nhà có hai chị em, chị đã định cư ở Nhật mà tôi đi nữa thì không còn ai chăm sóc bố mẹ. Vì vậy tôi kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, bố mẹ cũng chấp nhận.

Thật ra, thời đi học tôi đã dành thời gian phụ giúp bố mẹ những công việc làm nấm như: tưới nấm, thu hoạch, có khi phải đi đến 20 cây số để giao nấm vừa thu hoạch cho thương lái…

* Lúc đầu chỉ là trồng nấm thành phẩm, về sau anh lựa chọn việc cung cấp phôi nấm cho thị trường…

– Sau quãng thời gian trồng nấm ấy, tôi nhận ra rằng để nấm phát triển tốt nhất, cho năng suất cao, ít sâu bệnh… phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng phôi nấm. Từ đó tôi nhen nhóm ý định tự mình làm phôi nấm.

Năm 2012, tôi khởi nghiệp với mô hình trồng nấm và tạo phôi nấm của riêng mình. Hàng loạt câu hỏi đặt ra với một người vừa “chân ướt chân ráo” vào nghề như tôi. Làm gì để mở rộng diện tích vườn nấm? Cách nào để sản lượng, chất lượng nấm của gia đình cạnh tranh được với nấm nhập khẩu, thu hút người tiêu dùng?…

Với những kinh nghiệm từ việc phụ giúp bố mẹ, cộng với sự tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu từ Internet, cuối cùng tôi cũng tìm ra câu trả lời: phải đổi mới công nghệ làm nấm. Nhưng để thay đổi một dây chuyền, yếu tố đầu tiên là vốn. Sau khi tính toán kỹ các phương án, tôi mạnh dạn xây dựng hệ thống làm nấm bằng công nghệ hiện đại. Mặt khác, thay vì làm nấm mèo như trước đây, tôi bắt tay vào sản xuất phôi nấm bào ngư, nấm linh chi…

Bỏ giấc mơ du học để... trồng nấm - Ảnh 3.

Bùi Minh Thắng, ông chủ trẻ của trang trại nấm tại huyện Củ Chi, TP.HCM – Ảnh: C.K.

* Mọi việc suôn sẻ vào thời điểm ban đầu chứ?

– Không hẳn vậy. Dù đã tính toán, đầu tư kỹ lưỡng nhưng mẻ nấm đầu tiên với hơn 5.000 phôi nấm mang theo bao tâm huyết đã không thể phát triển. Mất trắng, tôi gần như sụp đổ!

Được sự động viên của bố mẹ, tôi tiếp tục nghiên cứu để khắc phục các sai sót trước đó. Những phôi nấm tiếp theo của dây chuyền làm nấm mới đã cho ra đời sản phẩm chất lượng hơn so với cách làm thủ công, truyền thống trước đây của gia đình. Tuy nhiên, sản lượng dù có tăng nhưng không đạt so với mục đích đặt ra. Doanh thu vẫn không đủ để khấu trừ vào chi phí đầu tư, bảo dưỡng lò hơi, máy phun sương, trả lương nhân công…

Nguồn thu từ trại nấm giảm sút, tôi lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn chồng chất tưởng chừng như dập tắt đam mê của mình.

Và rồi tôi tự đứng lên với sự kiên trì “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền”. Tôi tiếp tục vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Những mẻ phôi sau đó dần ổn định, sản lượng thu được ngày càng gia tăng. Nấm trồng ra phát triển đều hơn, ngọt hơn, khách hàng tìm đến mua mỗi lúc thêm đông.

Tháng 11-2017, tôi may mắn được sự hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Hội Liên hiệp thanh niên TP.HCM với số vốn 300 triệu đồng. Tôi đã tăng diện tích từ 700m2 lên 2.000m2. Từ việc trồng nấm thành phẩm, cung cấp cho chợ đầu mối, siêu thị, tôi dành ra phần lớn diện tích để nuôi cấy và cung cấp phôi giống chất lượng cho trại nấm ở nhiều địa phương khác.

Cùng với năm nhân công hiện tại, mỗi ngày chúng tôi cho ra lò hơn 3.000 túi phôi với 10 loại nấm khác nhau, lợi nhuận mỗi tháng sau khi khấu trừ chi phí đạt hơn 80 triệu đồng.

* Trang trại nấm của anh trở thành nơi đón tiếp, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều bạn trẻ…

– Tôi đã tạo điều kiện và tự tổ chức các buổi giao lưu với các bạn thanh niên cùng chung sở thích trồng nấm, chia sẻ những vướng mắc trong quá trình sản xuất… Mỗi dịp hè về, trang trại lại đón các bạn nhỏ từ nhiều quận huyện, tỉnh thành khác đến tham quan, trải nghiệm chương trình “Một ngày làm nông dân”. Tôi hi vọng mai này sẽ có những em chọn nghề nông để có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

* Anh từng ấp ủ ý tưởng mang nấm sạch đến từng nhà ở đô thị?

– Tương lai, trang trại sẽ “mang” nấm đến với đô thị thông qua việc người dân tự trồng nấm sạch tại nhà. Mỗi gia đình sẽ là những nhà nông thực thụ, tự tay chăm sóc, thu hoạch và chế biến các món ăn từ nấm cho gia đình mình. Cùng với đó là dự tính xây dựng các cửa hàng nấm sạch, rau sạch đầu tiên của mình, cung cấp các loại nấm thành phẩm đạt tiêu chuẩn, an toàn, giá phải chăng cho tất cả mọi người.

Bài học khởi nghiệp: Chưa thất bại là… thất bại lớn nhất Bài học khởi nghiệp: Chưa thất bại là… thất bại lớn nhất

TTO – Đây là ý kiến của một giáo sư ĐH Stanford nói với những học viên chương trình cao học của mình khi không ai nói mình đã từng thất bại.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin