Bạn có thể dùng vòi xịt với áp lực nước vừa phải để rửa trôi chất thải, sau đó lau nhẹ nhàng bằng giấy vệ sinh.
Vòi xịt vệ sinh là vật dụng phổ biến trong nhà vệ sinh của nhiều gia đình hiện nay. Tuy nhiên, theo thói quen của từng người và theo văn hóa của nhiều quốc gia mà cuộc tranh cãi nên dùng vòi xịt hay giấy vệ sinh đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết.
Vậy, về phía các chuyên gia có ý kiến ra sao?
Theo tiến sĩ Evan Goldstein, bác sĩ phẫu thuật trực tràng ở New York (Mỹ), sử dụng vòi rửa vệ sinh là cách lý tưởng để làm sạch sau khi đi vệ sinh, theo tờ Business Insider.
Nên dùng giấy vệ sinh hay vòi xịt rửa?
Lau bằng giấy vệ sinh về cơ bản dây bẩn phân xung quanh mà không thực sự làm sạch. Theo tiến sĩ Goldstein, nó giống như giẫm phải phân và chỉ lau bằng giấy chứ không phải rửa sạch giày.
Lau bằng giấy vệ sinh có thể gây rách hậu môn
Tiến sĩ Goldstein phân tích, giấy vệ sinh không những không làm sạch tốt, mà còn có thể dẫn đến thương tích.
Giấy vệ sinh khô gây cọ xát, vì vậy nếu lau quá mạnh hoặc quá nhiều lần, lớp da mỏng ở hậu môn có thể bị rách, gây chảy máu hoặc đau đớn.
Giải pháp, theo tiến sĩ Goldstein, là sử dụng vòi rửa vệ sinh, nếu có thể.
Tuy nhiên, tiến sĩ Goldstein cho biết, nếu bạn không thể sử dụng vòi rửa vệ sinh, hãy dùng giấy vỗ nhẹ thay vì lau mạnh để tránh tạo ra quá nhiều ma sát và gây rách hậu môn.
Một quan niệm sai lầm phổ biến khi vệ sinh cho trẻ em là sử dụng khăn ướt thay vì giấy vệ sinh thông thường. Khăn ướt sẽ loại bỏ các vi khuẩn có lợi bảo vệ hậu môn của trẻ khỏi nhiễm trùng, vi khuẩn và nấm, từ đó trẻ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn hơn.
Nên kết hợp cả hai
Các chuyên gia cho rằng dùng vòi xịt gắn vào bồn cầu là cách tuyệt vời nhất để vệ sinh
Tiến sĩ Evan Goldstein, bác sĩ phẫu thuật hậu môn nổi tiếng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật hậu môn Bespoke (Mỹ), khuyên nên dùng vòi rửa thay cho lau chùi bằng giấy vì nhiều lý do. Ông thường khuyên bệnh nhân của mình sử dụng vòi rửa, vì vòi rửa có thể loại bỏ bất kỳ chất bẩn còn sót lại nào. Vòi rửa là cách tốt nhất để vệ sinh hậu môn, tuyệt vời nhất là hệ thống phun gắn trực tiếp vào bồn ngồi vệ sinh, theo nhật báo Mỹ The Washington Post.
Tuy nhiên, tiến sĩ Goldstein lưu ý rằng vẫn cần phải lau nhẹ bằng giấy sau khi rửa bằng vòi, nếu không, độ ẩm còn lại có thể dẫn đến nhiễm khuẩn.
Tiến sĩ Christine Lee, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ), cho biết, vòi rửa rất hữu ích cho những người có vấn đề về vận động, như người bị viêm khớp, béo phì hoặc bệnh Parkinson.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Gerontologist cho thấy vòi rửa là cách vệ sinh thoải mái và sạch sẽ nhất đối với cư dân viện dưỡng lão từ 75 tuổi trở lên.
Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng vòi rửa có thể giúp ích cho người bệnh trĩ và nứt hậu môn, vì nó làm giảm áp lực trong trực tràng và nhẹ nhàng. Và những người bị ngứa hậu môn, thường thận trọng để tránh giấy vệ sinh, mà dùng vòi rửa.
Dùng vòi xịt ra sao để an toàn?
Trước khi sử dụng vòi xịt, người dùng nên thử phun vòi xịt ra sàn nhà vệ sinh để kiểm tra áp lực và lượng nước lớn ra sao. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, trước khi sử dụng vòi xịt, người dùng nên dùng giấy vệ sinh lao sơ qua phần đầu của dụng cụ.
Hãy kiểm tra áp lực nước trước khi sử dụng vòi xịt để tránh bị thương
Khi sử dụng vòi xịt, hãy đảm bảo rằng các vật dụng của bạn như quần áo, tư trang đã được đặt ở một khoảng cách thích hợp để tránh nước từ vòi xịt làm ảnh hưởng đến các vật dụng này.
Trong quá trình sử dụng, người dùng nên hướng vòi xịt theo góc nghiêng lên trên để chất bẩn rơi xuống bồn cầu. Người dùng nên điều chỉnh áp lực nước một cách chậm rãi, tránh sử dụng theo hướng thẳng đứng với áp lực nước cao.
Một nghiên cứu đã ghi nhận nhiều trường hợp nứt hậu môn do sử dụng vòi xịt với áp lực mạnh từ 1 đến 5 phút. Do đó, người dùng nên sử dụng vòi xịt rửa vệ sinh với áp lực nước bình thường.
Theo các đánh giá, vòi xịt là công cụ thay thế lý tưởng cho giấy vệ sinh. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc dụng cụ này không có nhược điểm hoặc rủi ro khi sử dụng. Theo Healthline, nếu bạn có hệ thống miễn dịch yếu, hãy cân nhắc khi sử dụng vòi xịt. Chẳng hạn, phụ nữ lạm dụng vòi vệ sinh có thể làm mất cân bằng pH âm đạo, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại phát triển, dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa.