Vấn đề đã bị các chuyên gia sửa chữa điện thoại tại iFixit đưa ra ánh sáng.
iPhone đã “dễ sửa chữa hơn”?
Vào tháng 4/2022, Apple đã chính thức khai trương Self Service Repair Store (Cửa hàng sửa chữa tự phục vụ) đặt nền móng cho việc người dùng tự sửa chữa những chiếc iPhone nổi tiếng khó sửa.
5 tháng sau, các chuyên gia sửa chữa tại iFixit đã tiến hành tháo dỡ chiếc iPhone mới nhất như thường lệ – khi đó là iPhone 14 – và vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng “Apple đã thiết kế lại hoàn toàn các bộ phận bên trong của iPhone 14 để dễ dàng sửa chữa hơn”.
Bạn sẽ không nhận ra thay đổi này nếu chỉ nhìn vào bên ngoài của thiết bị và nó cũng không phải là một tính năng được Apple quảng bá khi đó.
Nhưng trong sự kiện ra mắt iPhone 15 gần đây, Apple đã giới thiệu việc họ thay đổi thiết kế của iPhone 15 Pro và 15 Pro Max theo cách họ đã làm với iPhone 14 khiến việc thay thế linh kiện nhanh chóng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên bạn đừng vội nghĩ rằng “cải tiến” này sẽ giúp ích nhiều cho các hoạt động sửa chữa không phải chính hãng vì Apple đã chuẩn bị sẵn một bất ngờ không mấy thú vị.
Bất ngờ không mấy thú vị
Mặc dù những chiếc iPhone từ phiên bản 14 trở đi đã dễ dàng sửa chữa hơn nhiều nhưng các chuyên gia của iFixit cũng đã phát hiện ra một vấn đề:
“Chúng tôi nhận được báo cáo rằng Apple đang tiếp tục lối đi nghịch hướng, cụ thể là trong việc ghép nối các linh kiện với điện thoại. Bạn thậm chí cần phải kích hoạt kính mặt sau sau khi thay thế.
Thực sự bạn không cần tới sự cho phép của Apple để lắp một tấm kính vào chiếc điện thoại mà bạn đã sở hữu”.
Phát hiện này sau đó đã được chứng minh là điềm báo cho một bất ngờ không mấy thú vị đến từ Apple.
Cụ thể iFixit gần đây đã phải thay đổi điểm đánh giá về khả năng sửa chữa của iPhone 14 từ 7/10 (cao nhất kể từ iPhone 7) thành 4/10 và lý do lớn nhất là vì những hạn chế trong việc thay thế linh kiện.
Vậy cụ thể Apple đã làm gì?
iFixit giải thích rằng từ trước tới nay việc chấm điểm khả năng sửa chữa của họ chủ yếu là về các hành động vật lý. Chúng bao gồm việc tháo vỏ điện thoại, tháo bộ phận bị lỗi, lắp bộ phận thay thế và đóng nó lại dễ hay khó.
Nhưng họ chưa tính đến việc phần mềm của Apple can thiệp vào việc ghép nối.
Hiểu một cách đơn giản đó là khi bạn thay thế một linh kiện trong iPhone 14, điện thoại sẽ gửi báo cáo tới các máy chủ của Apple để xem liệu linh kiện đó có phải được mua từ hãng thông qua các chương trình sửa chữa hay không.
Nếu linh kiện đó không được đặt hàng từ Apple thì nó sẽ không được phần mềm xác thực. Và điều này xảy ra ngay cả với các linh kiện chính hãng nhưng đến từ một chiếc iPhone khác (còn gọi là linh kiện bóc máy).
Một nghề nghiệp sắp “thất truyền”
Điều gì xảy đến với linh kiện không được xác thực? Điều đó phụ thuộc việc nó là linh kiện gì.
Vào tháng 10/2022, iFixit cho biết màn hình thay thế không được xác thực vẫn sẽ hoạt động nhưng bị tắt True Tone và Auto-Brightness – tính năng tự động theo dõi ánh sáng môi trường và sau đó điều chỉnh màu sắc và cường độ sáng để màn hình phù hợp hơn với ánh sáng xung quanh.
Ngoài ra bạn cũng sẽ nhận được cảnh báo về màn hình có thể không phải hàng chính hãng.
Với pin, bạn sẽ không chỉ nhận được cảnh báo mà đồng thời menu thống kê về tình trạng pin cũng bị tắt.
Nếu linh kiện là camera trước, nó sẽ không thể hoạt động còn các camera sau vẫn hoạt động nhưng cảnh báo sẽ được hiển thị khi bạn khởi động điện thoại. Với bảng logic, do số serial không khớp với các bộ phận khác nên bạn cũng sẽ nhận được cảnh báo.
Theo iFixit, Apple đã chọn “lối đi nghịch hướng” này từ lâu, bắt đầu từ cảm biến vân tay của iPhone 5s (2013), Dot projector (máy chiếu chấm hồng ngoại) trong FaceID của iPhone X (2017).
Từ đó tới nay mọi chuyện chỉ trở nên tồi tệ hơn, việc yêu cầu xác thực linh kiện ngày càng nổi bật hơn trên iPhone. Cây viết Kyle Wiens của iFixit nhấn mạnh:
“Từng bước một, chúng sẽ tạo nên một chiến lược rộng lớn, một kế hoạch có hệ thống nhằm yêu cầu sự cho phép của Apple để (người dùng và các bên thứ ba) thực hiện bất kỳ sửa chữa nào trên iPhone”.
Nhận định trên có nghĩa là trong tương lai gần – ngoài việc đặt linh kiện chính hãng về tự sửa chữa – chúng ta sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc mang iPhone tới trung tâm bảo hành của Apple hoặc một đối tác được họ ủy quyền để sửa chữa. Những cửa hàng sửa chữa điện thoại nhỏ lẻ sẽ không có cơ hội tồn tại.
Quay trở lại với việc chấm điểm các mẫu iPhone mới, iFixit cho biết họ đã đánh giá lại hệ thống tính điểm để cho điểm sát hơn với các mẫu từ iPhone 15 trở đi. Việc xét lại các iPhone cũ sẽ không được tính tới nhưng họ cũng lưu ý rằng “nếu chúng tôi làm vậy, điểm số của chúng sẽ giảm”.