Mặc dù mới có 7 tuổi nhưng cô bé Linh đã cùng mẹ mình chinh phục núi Lảo Thẩn, Lào Cai. Hai mẹ con đã có những khoảnh khắc tuyệt vời khi săn mây tại nóc nhà của Y Tý.
Núi Lảo Thẩn (thuộc thị xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) được biết đến là nóc nhà Y Tý, là sự hòa quyện trọn vẹn của sự hoang sơ, hùng vĩ núi rừng thiên nhiên và sự mộng ảo, rực rỡ của mây mù đất trời. Lảo Thẩn xếp thứ 11 trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Ngọn núi này được đánh giá là có độ khó trung bình nhưng mang lại nhiều trải nghiệm tuyệt vời cho những ai chinh phục nó. Mới đây, chị Lê Hiền (32 tuổi, là giám định viên kỹ thuật sinh học công tác tại Viện khoa học hình sự) đã cùng cô con gái 7 tuổi của mình chinh phục núi Lảo Thẩn. Hai mẹ con đã có những khoảnh khắc tuyệt vời khi cùng nhau leo núi đường dài. Bên cạnh đó là sự mãn nhãn khi chứng kiến cảnh núi rừng hùng vĩ , khi cùng nhau săn mây tại Lảo Thẩn.
Theo chị Hiền, hành trình leo núi 3 ngày 2 đêm phù hợp với khả năng của con chị.
Chị Lê Hiền chia sẻ: “Cuối tuần vừa rồi, mình và con gái có trải nghiệm trekking Lảo Thẩn – Săn mây tuyệt vời. Lảo Thẩn là 1 trong 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, được đánh giá là ngọn núi mà ai cũng có thể đặt chân tới. Những người leo núi chuyên nghiệp gọi Lảo Thẩn là leo núi dưỡng sinh. Đúng là leo núi Lảo Thẩn không phải thử thách quá khó khăn, nhưng điều đó không có nghĩa bạn chỉ cần “xách ba lô lên và đi”. Leo núi hai ngày cho dù địa hình đẹp cũng đòi hỏi bạn phải có sức khỏe, lộ trình rõ ràng, tỉ mỉ và hơn cả là sự chuẩn bị vật dụng đầy đủ.
Đặc biệt, mình tham khảo tổng thời gian leo núi là khoảng 6-7 tiếng trong hai ngày thì sức con gái cũng chạm được ngưỡng đó. Bé nhà mình 7 tuổi đã cùng mẹ đi nhiều nơi, trước đây mình đã cho bạn ấy trải nghiệm leo đèo, lội suối, leo Hang Múa… Con có thời gian rèn thể lực như chạy bộ, bạn có thể vừa đi và chạy được khoảng 10km. Đi bộ thì dù bao xa cũng không thấy kêu mệt, luôn hào hứng và hợp tác nên mình cũng không phải lo nghĩ về năng lực leo núi của con”.
Hành trình chinh phục núi Lảo Thẩn của mẹ con chị Lê Hiền kéo dài 2 ngày 3 đêm. Mẹ Hà thành cho rằng, khung thời gian này phù hợp khi cho con gái đi trekking. Chị Lê Hiền chọn đi tour có người dẫn đường nhiều kinh nghiệm, lộ trình rõ ràng, giúp 2 mẹ con có chuyến đi an toàn. Những hướng dẫn viên sẽ chuẩn bị đủ đồ cần thiết cho việc leo núi, giúp mình tiết kiệm được công sức, thời gian và ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng. Đoàn của chị Hiền có 3 người lớn, 1 trẻ em, 2 tour guide, khi đến Y Tý thì có thêm 1 anh dẫn đường nữa.
Đoàn chinh phục núi Lảo Thẩn của mẹ con chị Lê Hiền.
Dưới đây là những kinh nghiệm chinh phục núi Lảo Thẩn của mẹ con chị Lê Hiền:
1. Nên leo núi Lảo Thẩn vào mùa nào?
Thời điểm lý tưởng để khám phá Lảo Thẩn là từ tháng 10 – tháng 12 và tháng 3 – tháng 5. Bởi lúc này thời tiết không mưa, đảm bảo an toàn và thời gian lý tưởng để bạn có thể khám phá hết vẻ đẹp của “nóc nhà Y Tý”. Và mỗi thời gian đều có những đặc trưng riêng:
+ Tháng 3 – tháng 5: Thời điểm săn mây lý tưởng
+ Tháng 9 – tháng 11: Trải nghiệm ruộng bậc thang vàng chói
+ Tháng 11 – tháng 2 (năm sau): Săn mây và cánh rừng cỏ cháy vàng.
2. Chuẩn bị hành lý chinh phục núi Lảo Thẩn thế nào?
– 1 chiếc balo thật chắc chắn để đựng tất cả đồ đạc của bạn và 1 chiếc balo nhỏ gọn để đựng đồ dùng thiết yếu cho việc leo núi.
– Quần áo: Quần áo cá nhân đủ mặc trong hai ngày. Đêm ở trên Lảo Thẩn nhiệt độ rất thấp khoảng 8-10 độ và trên núi gió lộng, buốt giá, nên bạn hãy chuẩn bị đủ quần áo ấm, tất, khăn, mũ len, găng tay, khẩu trang để phòng lạnh khi ở bên ngoài. Mọi người nên mang theo 1 mũ vải che nắng khi leo núi và mặc một áo gió mỏng sáng màu bên ngoài thì lên hình chụp ảnh sẽ đẹp hơn.
– Đồ sơ cứu y tế: Khi leo núi dễ gặp chấn thương vì thế bạn nên mang một số loại thuốc cơ bản như: thuốc sốt, say nắng, cảm cúm, tiêu chảy, băng gạc,…
– Một số đồ dùng cá nhân: Sạc dự phòng, máy ảnh, có thể đem thêm loa mini nếu muốn bật nhạc lúc cắm trại hay dọc đường đi.
– Kính râm, nước rửa tay khô (trên núi có thể gặp cảnh mất nước, vệ sinh bất tiện), băng vệ sinh (để lót giày không bị đau ngón chân khi di chuyển xuống núi, để đệm vai nếu bạn phải mang vác nặng).
Theo chị Hiền, hành lý mang theo vừa đủ, chủ yếu là đồ giữ nhiệt cho bản thân khi qua đêm tại núi Lảo Thẩn.
3. Lịch trình chinh phục núi Lảo Thẩn trong 3 ngày 2 đêm
Để khám phá, trải nghiệm được hết vẻ đẹp của “nóc nhà Y Tý” thì bạn nên lên lịch trình ít nhất trong 2 ngày 1 đêm (nhà chị Lê Hiền có chuyến đi kéo dài 2 ngày 3 đêm). Dưới đây là lịch trình chi tiết của gia đình chị Hiền để bạn có thể tham khảo:
+ Bắt đầu từ đêm thứ 6, 2 mẹ con khởi hành từ Hà Nội, sáng sớm thứ 7 có mặt tại Sapa để di chuyển đi Y Tý. Khoảng 13h ngày thứ 7 bắt đầu leo núi đến 18h đến lán trại. Sáng hôm sau hơn 4h lại dậy leo tiếp. Khoảng 6h sáng chủ nhật leo tới đỉnh. Sau đó xuống núi và di chuyển về Hà Nội.
“Quãng đường Hà Nội – Sapa khoảng 315km. Quãng đường từ Sapa lên Y Tý khoảng 80km. Đoạn đường trekking 16km cả lượt lên và lượt xuống. Tổng quãng đường di chuyển khoảng 816km liên tục trong 2 ngày 3 đêm.
Bạn Chíp hôm đầu tiên leo núi rất hăng say, luôn dẫn đầu đoàn. Nhận được nhiều sự khen ngợi của mọi người nên con càng hào hứng. Sang ngày thứ hai, do phải dậy sớm từ 4h30 để leo núi, con nghỉ ngơi chưa đủ và không ăn sáng, thời tiết lại khắc nghiệt gió rét, sương mù nên con mệt mỏi, buồn nôn. Được mọi người động viên, chia sẻ đồ ăn, con vẫn vừa đi, vừa nghỉ. Khi lên tới đỉnh, bạn bổ sung năng lượng nên phục hồi rất nhanh. Đoạn đường xuống lại nhiều sức lực và năng lượng dẫn đầu” – mẹ trẻ cho hay.
4. Ăn uống khi chinh phục núi Lảo Thẩn thế nào?
Do đi theo tour nên phần ăn uống, nghỉ ngơi đã có 2 tour guide và 1 dẫn đường lo, mẹ con chị Hiền chỉ tập trung sức lực cho chuyến đi.
“Anh dẫn đường là người mang đồ ăn và các đồ đạc cần thiết cho việc trekking cũng là người chuẩn bị bữa tối thứ 7, bữa sáng và bữa trưa chủ nhật. Bữa tối thứ 7 thì đoàn ăn lẩu cay cho ấm người. Bữa sáng chủ nhật ăn mì gói có kèm rau rừng, trứng, thịt bò kèm cà phê hoặc trà gừng nóng. Bữa trưa thì anh dẫn đường nấu bữa cơm gia đình thường ngày canh sườn khoai tây, thịt rang, canh rau cho cả đoàn”.
5. Núi Lảo Thẩn có gì hấp dẫn?
Săn mây trên đỉnh Lảo Thẩn là một nét đặc trưng tạo nên “thương hiệu” dành cho vùng đất Tây Bắc này. Leo lên đỉnh núi ở độ cao 2.860m vào lúc 6 giờ sáng, mọi người sẽ được trải nghiệm sự hoang sơ, hùng vĩ mà cũng không kém phần mơ mộng ở đây.
Những tầng mây nối tiếp nhau dày đặc, di chuyển chầm chậm, phủ kín cả ngọn núi. Và khi mặt trời lên, từng tia nắng dần xuyên qua các lớp mây dày đặc ấy chiếu rọi xuống từng chiếc lá còn đẫm sương mai. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh bình minh trên ngọn núi vùng Tây Bắc vừa đẹp, vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ mà cũng vừa thơ mộng, ảo diệu.
Ngoài ra, ban đêm trên núi có đốt lửa trại và múa hát. Cả đoàn chị Hiền đều tham gia, bạn nhỏ cũng thích thú tham gia múa cùng các cô gái dân tộc. Về đến nhà, con gái chị Hiền còn vẽ lại cảnh các cô gái dân tộc xoè ô múa bên đốm lửa. Đây là lần đầu tiên cô bé có trải nghiệm hay ho tại đây.
“Hành trình leo núi mất khoảng 7 tiếng thời gian nên trong quá trình di chuyển sẽ có nhiều cảm xúc và khoảnh khắc khác nhau. Khi leo đến đỉnh núi, mọi sự mệt mỏi của mình như tan biến hết cùng mây gió Lảo Thẩn, xen vào đó chỉ còn niềm vui và tự hào vì mình đã chinh phục được cột mốc mới” – chị Lê Hiền cho hay.