Việc giữ cho pH máu luôn kiềm không đồng nghĩa với việc ung thư không phát triển được, cũng như việc để pH máu xuống mức axit cũng không phải là nguyên nhân gây ung thư, theo bằng chứng khoa học đến thời điểm này.
LGT: Vài năm gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhan nhản các nhóm “thực dưỡng chữa ung thư” hoạt động mạnh mẽ cả trong tuyên truyền và bán sản phẩm. Họ quy nguyên nhân ung thư là do ăn thức ăn quá a xít, khuyên người ta phòng và chữa ung thư bằng cách ăn uống các thực phẩm “kiềm hóa” hay “dương” hơn. Không tin y học hiện đại các bác sĩ, họ khuyên người bệnh ung thư không đến bệnh viện điều trị mà hãy chăm chỉ dùng các sản phẩm cụ thể từ gạo lức, nước giàu kiềm đến các loại ngũ cốc chế biến, hay nước mơ muối, tương tamari thay thế cho các loại gia vị truyền thống của người Việt với giá cao hơn thực tế rất nhiều
Dưới góc nhìn khoa học, lý thuyết nói trên đúng hay sai?
Bài viết dưới đây của một nhà khoa học trẻ từ tổ chức Ruy băng tím-tổ chức phi lợi nhuận phòng chống ung thư tại Việt Nam sẽ tập trung làm rõ hai bí ẩn nổi tiếng: “thực phẩm kiềm – thực pm axit”, và “môi trường axit sinh ung thư”, bằng các bằng chứng khoa học.
Khái niệm axit bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại, từ oxein, để chỉ về tính chua của thực phẩm. Sau đó nó biến thành acetum trong tiếng Latin, và dần dần thành từ acid ngày nay. Trong Đông phương học cũng có khái niệm tương đương; từ Hán Việt gọi tính chua là toan. Sau này khái niệm axit còn được hiểu là loại chất có tính ăn mòn kim loại.
Ngược lại, kiềm không phải nguồn từ vị giác, mà ý chỉ những chất có tính ngược lại, làm trung hòa tính axit, ngày nay gọi là base, hay trong sách giáo khoa hay gọi là ba-zơ. Trong Đông phương học dùng từ kiềm để chỉ những chất này.
Ở Việt Nam ta hiện nay, để chỉ 2 tính chất đối nghịch này, ta hay dùng cụm từ axit/ba-zơ hay axit/kiềm, đôi khi bạn sẽ nghe từ toan/kiềm. Chúng đều chỉ chung khái niệm này.
Ngày nay, để xác định một chất (hay chính xác hơn là một môi trường) có tính axit hay kiềm, người ta thống nhất dùng chỉ số pH làm thước đo.
pH từ 0 đến <7 là axit
pH = 7 là trung tính, tức là không axit không kiềm.
pH >7 đến 14 là kiềm.
pH cũng có thể âm hoặc lớn hơn 14, đó là những dung dịch axit hoặc kiềm có nồng độ cao. Nhưng thường chúng ta chỉ xét trong khoảng pH từ 0 đến 14.
Một cách không chính xác để xác định tính axit hoặc kiềm của một môi trường là dùng quỳ tím hoặc giấy pH. Nhúng loại giấy tẩm quỳ tím hoặc giấy pH vào một môi trường, nếu giấy chuyển màu sang đỏ thì môi trường mang tính axit, chuyển sang xanh là môi trường kiềm.
Tại nhà bạn cũng có thể tạo cho mình một thuốc thử axit/kiềm bằng nước cải tím. Lấy một lá cải tím ra, dằm lấy nước, và bạn đã có thuốc thử cho mình rồi đấy. Bạn có thể thử tính axit hay kiềm của những thứ xung quanh bạn như nước chanh (nhỏ nước chanh vào nước cải tím sẽ biến nó từ tím sang đỏ) hoặc nước rửa chén (biến nó từ tím sang xanh).
Màu của nước cải tím thay đổi theo pH. Từ trái sang phải là các ống nghiệm chứa nước cải tím trong các pH từ 2 đến 11, tương ứng từ axit sang kiềm. Bạn hoàn toàn có thể làm điều này tại nhà một cách an toàn. Thử xem!
Huyền thoại thực phẩm kiềm – thực phẩm axit
Giả thiết này bắt đầu từ khoảng giữa thế kỷ 19, khi các nhà nghiên cứu cho thấy khi thỏ được cho ăn đa số là thịt thì nước tiểu của chúng có tính axit hơn, và ngược lại, khi chúng được cho ăn đa số là thực vật thì nước tiểu có tính kiềm hơn. Kết quả của thí nghiệm này đến nay vẫn được nghiệm đúng, và vẫn được dùng trong nghiên cứu tác dụng của thực phẩm lên cân bằng axit/kiềm trong cơ thể.
Những người đi đầu của giả thiết thực phẩm axit/kiềm cho rằng tất cả thực phẩm sau khi được tiêu hóa sẽ để lại “tro”. Họ cho rằng tùy vào loại thực phẩm mà tro này có tính axit, kiềm hay trung tính, và tro được đào thải qua nước tiểu nên làm thay đổi pH của nước tiểu.
Theo một số tài liệu không chính thống, giả thiết này bắt nguồn từ thí nghiệm của nhà khoa học Marcellin Berthelot. Khoảng những năm 1870, khi làm thí nghiệm tìm hiểu việc đốt cháy các loại thực phẩm khác nhau, ông lấy tro sau khi đốt hòa vào nước và đo pH. Ông phát hiện ra là tro của các thực phẩm có nguồn gốc thực vật cho pH cao hơn (kiềm hơn) tro của các thực phẩm có nguồn gốc động vât. Giả thiết này sau này còn được gọi là “giả thiết tro thực phẩm”.
Một số thực phẩm tiêu biểu được phân loại theo giả thiết này là:
● Nhóm Axit: thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, sữa, trứng, ngũ cốc và rượu.
● Nhóm Trung tính: chất béo tự nhiên, tinh bột và đường.
● Nhóm Kiềm: Trái cây, các loại hạt, các loại đậu và rau.
Trái mơ, một loại thực phẩm rất chua, nhưng lại được những người thuộc trường phái “tro thực phẩm” cho rằng là một siêu kiềm, và giúp tăng pH máu. (Nguồn thucduong.vn)
Từ giả thiết Tro thực phẩm, kết hợp với kiến thức y học đương thời, giả thiết này cho ra 2 kết luận cơ bản:
1/ Ăn thực phẩm có tính nào thì sẽ làm tăng tính đó trong máu.
2/ Máu càng axit thì càng dễ bệnh, máu càng kiềm thì càng khó bệnh.
Một trong những bệnh mà giả thiết này quan tâm nhất là loãng xương. Một cách gần đúng, giả thiết này coi xương giống như đá vôi, và cho rằng axit trong máu sẽ làm tan xương như làm tan đá vôi, từ đó dẫn tới loãng xương.
Khoảng vài thập kỷ gần đây, những người theo giả thiết này bắt đầu quan tâm tới ung thư khi cho rằng ung thư là do cơ thể mang môi trường axit và mạnh trong môi trường này, trong khi nó sẽ chết trong môi trường kiềm. Các nhóm theo hướng này thường viện dẫn cố giáo sư Otto Heinrich Warburg,và cho rằng ông được nhận giải Nobel vì công trình tìm ra nguồn gốc của ung thư. Họ này trích dẫn lời của giáo sư Warburg rằng ung thư là do tế bào bị thiếu oxy và sống trong môi trường axit lâu ngày mà thành. Từ đó, họ kết luận rằng ăn uống nhiều thực phẩm kiềm là một phương pháp dinh dưỡng quan trọng để trị ung thư.
Hình ảnh giáo sư Otto Heinrich Warburg, người hay bị các nhóm “thực dưỡng chữa ung thư” gán ghép vô tội vạ vào các lý thuyết bậy bạ của họ nhằm… bán hàng.
Đầu tiên, cần phải đính chính rằng Giáo sư Otto H. Warburg được trao giải Nobel (năm 1931) không phải vì công trình tìm ra nguồn gốc của ung thư, mà nhờ “phát hiện tính chất tự nhiên” và cách thức hoạt động của enzyme liên quan đến hô hấp trong tế bào”. Ông có được đề cử giải Nobel lần 2 (năm 1944), nhưng cũng không phải về ung thư mà cho các công trình liên quan đến sự lên men kỵ khí, tuy nhiên ông đã không nhận giải, theo một số nguồn tin không chính thống thì là do Hitler cấm ông đi nhận giải.
Tiếp theo, bằng chứng khoa học nói gì?
Thức ăn có thể thay đổi pH máu tức thời, nhưng không thể thay đổi pH máu dài hạn
Một quảng cáo nước kiềm phòng và chữa ung thư được đăng trên báo chính thống, khiến nhiều người hiểu sai.
pH của máu là một yếu tố sống còn với cơ thể. Tự Nhiên cho cơ thể con người nhiều cơ chế để giữ pH máu ổn định, bao gồm nhiều hệ đệm và các cơ chế tăng giảm nồng độ ion đệm chủ động.
pH máu (hay pH của môi trường ngoài tế bào (ngoại bào) nói chung) luôn được giữ ổn định trong khoảng 7,36 – 7,44.
Khi pH máu vượt qua khoảng này, lập tức cơ thể sẽ chủ động cân bằng lại. Một trong 2 nơi chính để cân bằng pH máu chủ động là thận. Khi máu dư axit hay kiềm, thận sẽ chủ động thải axit hay kiềm dư vào nước tiểu, hoặc ngược lại, hấp thu kiềm hay axit vào máu để trung hòa lượng dư.
Hoạt động này diễn ra gần như tức thì sau khi pH máu vượt qua ngưỡng bình thường. Kết quả của hoạt động này là pH của nước tiểu thay đổi, tùy theo tình trạng tức thời trước đó.
Do đó, về mặt lý thuyết, thức ăn không thể thay đổi pH máu của bạn trong dài hạn.
Chúng có thể thay đổi pH máu trong tích tắc, nhưng lượng axit hay kiềm dư này sẽ bị đào thải hoặc trung hòa gần như ngay lập tức ở thận (và phổi, cơ quan thứ hai có khả năng ảnh hưởng lên pH máu), trừ khi bạn bị các chứng bệnh liên quan đến khả năng giữ cân bằng pH.
Trong trường hợp bạn bị các chứng bệnh liên quan đến khả năng giữ cân bằng pH, hoặc bằng cách nào đó bạn làm pH máu vượt ngưỡng 7,36 – 7,44, bạn sẽ bị tình trạng nhiễm axit/kiềm, và đây là tình trạng cấp tính, cần xử lý gấp, nếu không có thể dẫn tới tử vong.
Trong trường hợp nhiễm kiềm, chỉ cần pH máu lên 7,55, bạn có 45% nguy cơ tử vong, và nguy cơ này lên đến 80% nếu pH máu lên trên 7,65, với các triệu chứng cấp tính như nôn mửa, khó thở, mất ý thức… và có thể để lại di chứng rất nặng nề cho hệ thần kinh.
Giả thiết thực phẩm axit/kiềm là một giả thiết… chết
Trong khoa học, một giả thiết được đặt ra để giải thích một hiện tượng nào đó. Chúng cần được chứng minh bằng thực nghiệm, hoặc từ đó đề xuất được một (vài) dự đoán và các dự đoán này phải được thực nghiệm kiểm chứng là đúng. Chừng nào thực nghiệm còn chứng minh giả thiết đó đúng, chừng đó giả thiết đó vẫn còn tồn tại và được coi là lý thuyết.
Giả thiết axit/kiềm xây dựng dựa trên 2 điều:
1. Mối liên hệ giữa thực phẩm và pH nước tiểu, cái mà như đã giải thích ở trên là không biểu hiện cho pH máu.
2. Giả thiết Tro hóa thực phẩm, mà giả thiết này hầu như không thể chứng minh trực tiếp bằng thực nghiệm.
Tro là khái niệm chỉ lượng muối vô cơ còn sót lại sau khi đốt cháy một chất sản phẩm hữu cơ nào đó. Trong khi, trong tế bào, sự “đốt” chất dinh dưỡng không đơn giản chỉ là sự cháy ngoài không khí, và sản phẩm của quá trình “đốt” này cũng không để riêng ra một chỗ để có thể xét xem “tro” mang tính axit hay kiềm.
Tuy nhiên, có một kết luận từ giả thiết axit/kiềm là axit sinh ra do tiêu thụ “thực phẩm axit” sẽ gây loãng xương. Nguyên lý của hiện tượng này có thể hiểu nôm na là do xương có thành phần chính là muối canxi phốtphát, một dạng muối khoáng có một tính chất gần giống như đá vôi đó là sẽ bị tan ra trong môi trường axit như đá vôi, do đó ăn thực phẩm axit hóa cơ thể sẽ làm tan xương, gây loãng xương.
Nhiều thí nghiệm lâm sàng đã được thực hiện để kiểm chứng giả thiết kể trên, từ những năm 1970 đến nay. Các nghiên cứu đoàn hệ (dựa trên số lượng lớn người tham gia một cách ngẫu nhiên có kiểm soát, theo dõi thời gian dài, có nhóm đối chứng) cũng như một nghiên cứu phân tích chuyên sâu (meta-analysis, năm 2009, với 5 nghiên cứu trên 133 người thỏa mãn điều kiện tổng hợp, cùng 77 nghiên cứu khác để so sánh) đều không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc ăn thường xuyên “thực phẩm axit hóa” hay “thực phẩm kiềm hóa” với bệnh loãng xương.
Cụ thể, việc ăn thực phẩm axit không làm tăng khả năng bị loãng xương, và ngược lại, ăn thực phẩm kiềm hóa cũng không làm giảm khả năng bị loãng xương. Đặc biệt, thực phẩm kiềm hóa này dù từ rau củ hay từ thực phẩm chức năng đều không có tác dụng gì.
Ăn nhiều rau quả tươi luôn tốt cho sức khỏe của bạn, nhưng đừng tin vào việc nó sẽ phòng và chữa ung thư.
Về mặt khoa học, chỉ cần một trong những kết luận của giả thiết này bị chứng minh là sai, giả thiết đó sẽ bị loại bỏ hoặc phải sửa đổi, cho dù tất cả các kết luận khác của nó được chứng minh là đúng. Do đó, về lý thuyết, giả thiết thực phẩm axit/kiềm cũng cần phải bị loại bỏ hoặc sửa đổi. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy một sự sửa chữa nào từ các nhóm ủng hộ giả thiết này, nên đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn kết luận đây là một giả thiết chết.
Tế bào ung thư không sống được trong môi trường kiềm, tế bào thường cũng vậy
Thuyết thực phẩm kiềm/axit lấy một sự thật đã được chứng minh là môi trường vi mô quanh khối ung thư (ung thư dạng rắn) là môi trường axit, và một sự thật khác là tế bào ung thư không sống được trong môi trường quá kiềm (pH trên 7,5). Từ đó, thuyết này cho rằng nếu ăn thực phẩm kiềm sẽ kiềm hóa máu từ đó làm ung thư tự chết.
Tuy nhiên, thuyết này đã không đề cập đến việc tế bào thường cũng sẽ chết trong môi trường quá kiềm. pH máu vượt qua ngưỡng 7,5 sẽ gây ra tình trạng khẩn cấp, nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong, do tế bào thường cũng không thể sống trong môi trường này.
Ngoài ra, cần phải biết là tế bào ung thư vẫn sống được ở pH máu bình thường, tức hơi kiềm. Bằng chứng là bệnh nhân ung thư máu không thể tự khỏi, mặc dù pH máu của họ vẫn giữ ổn định trong khoảng 7,36 – 7,44. Tế bào ung thư nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm cũng vẫn sống trong môi trường nuôi cấy cơ bản với pH 7.4.
Do đó, việc kiềm hóa máu (bằng cách nào đi nữa) cũng không thể là một phương pháp trị ung thư.
Việc kiềm hóa máu, thực tế vẫn được dùng trong điều trị ung thư, nhưng không phải như một liệu pháp đặc trị, mà như một phương pháp hỗ trợ các liệu pháp khác. Ví du, việc tiêm bicarbonate (với nồng độ có kiểm soát) để kiềm hóa máu trực tiếp cho thấy có hỗ trợ nâng cao hiệu quả của liệu pháp miễn dịch dùng các chất ức chế PD-1 hay CTLA-4, có tác dụng chặn tín hiệu báo “đừng tấn công” của tế bào ung thư, từ đó tế bào miễn dịch có thể thoải mái tấn công ung thư.
Môi trường axit quanh tế bào ung thư bắt nguồn từ đâu?
Quay lại với giáo sư Ottto H. Warburg. Các nhóm “thực dưỡng chữa ung thư” luôn gán ông vào với các lý thuyết của họ, nhưng nên nhớ, ông chỉ đưa ra giả thiết (chưa được minh chứng bằng thực nghiệm) về nguồn gốc của ung thư từ những năm 1960. Hơn nữa, ông chỉ cho rằng nguyên nhân của ung thư là do có sự chuyển đổi trong tế bào từ hô hấp hiếu khí thành hô hấp kị khí và không hề nhắc tới môi trường axit hay không.
Và đó là chuyện của những năm 1960. Hơn 50 năm nghiên cứu, rất nhiều kiến thức mới về ung thư đã được phát hiện, và theo góc nhìn của khoa học hiện đại, môi trường axit xung quanh khối u được xem là kết quả hơn là nguyên nhân sinh bệnh.
Ths. Tế bào học Nguyễn Cao Luân
Có thể hiểu một cách đơn giản là do ung thư có tính phân chia nhanh, do đó nó tiêu thụ năng lượng nhanh, mà quá trình hô hấp hiếu khí bình thường của tế bào không đủ cung cấp năng lượng cho nó, hơn nữa chính các mạch máu hình thành một cách bất thường ở gần nó (cũng là một kết quả của quá trình sinh ung) mà oxy không thể cung cấp kịp, tình trạng mà khoa học gọi là hypoxia (chúng tôi sẽ có bài chuyên sâu về hypoxia sau). Do đó nếu muốn tồn tại, ung thư phải tích trữ những đột biến khiến nó chuyển cơ chế lấy năng lượng từ hô hấp hiếu khí sang lên men kỵ khí. Sản phẩm của quá trình lên men là axit lactic, bị đào thải ra ngoài tế bào, từ đó khiến môi trường ngoại bào trở nên axit.
Một bằng chứng khác cho thấy môi trường axit không phải là điều kiện cần và đủ để sinh ung thư, đó là vẫn có những nơi trong cơ thể mà môi trường ngoại bào là axit một cách tự nhiên.
Một số ví dụ điển hình có thể kể đến như dạ dày (pH khoảng 1,5 đến 3,5), âm đạo của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (pH khoảng 3,8 – 4,5), nước bọt (pH khoảng 6,2 – 7,6, thường là 6,7), hay bề mặt da (pH khoảng 4,0 – 7,0, thường là 5.
Do đó, việc giữ cho pH máu luôn kiềm không đồng nghĩa với việc ung thư không phát triển được, cũng như việc để pH máu xuống mức axit cũng không phải là nguyên nhân gây ung thư, theo bằng chứng khoa học đến thời điểm này.
Ruy Băng Tím khuyên mọi người vẫn nên áp dụng 6 nguyên tắc cơ bản trong dinh dưỡng phòng ung thư , kết hợp tập luyện thể chất thường xuyên và tầm soát đúng tuổi, đúng kỳ hạn, đó vẫn là cách phòng ung thư một cách khoa học nhất đến thời điểm này. Ngoài ra, cần trang bị cho bản thân và gia đình, bạn bè kỹ năng kiểm chứng thông tin, để biết được đâu là nguồn tin có thể tin cậy được, nhất là khi tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Chịu trách nhiệm thông tin: Nguyễn Cao Luân, thạc sĩ Tế bào học, Nghiên cứu sinh ngành Liệu pháp miễn dịch ung thư, Trung tâm nghiên cứu ung thư Lowy, Đại học New South Wales, Sydney, Úc. Đồng sáng lập, Thành viên Ban Khoa học Ruy Băng Tím.
Cố vấn khoa học: TS. Nguyễn Hồng Vũ & TS. Lê Anh Phương.
Ruy Băng Tímlà tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/12/2015 với sự tham gia của các bác sĩ ung bướu, các nhà khoa học nghiên cứu về ung thư trong và ngoài nước. Ruy Băng Tím đã và đang xây dựng một website khoa học đáng tin cậy, chuyên cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về ung thư. Các bài viết đều được các tác giả tra cứu kỹ lưỡng trước khi viết, có dẫn nguồn đầy đủ để người đọc có thể tham khảo.
Website: ruybangtim.com
Tài liệu tham khảo
1. General Chemistry: Principles, Patterns, and Applications, v. 1.0.1. [cited 2015 December 28th]; Available from: http://catalog.flatworldknowledge.com/bookhub/reader/26669?e=averill_1.0-ch16_s05 .
2. Kiwull-Schone, H., et al., Food mineral composition and acid-base balance in rabbits. Eur J Nutr, 2005. 44(8): p. 499-508.
3. Kalhoff, H., et al., Food mineral composition and acid-base balance in preterm infants. Eur J Nutr, 2007. 46(4): p. 188-95.
4. Kiwull-Schone, H., et al., Food composition and acid-base balance: alimentary alkali depletion and acid load in herbivores. J Nutr, 2008. 138(2): p. 431S-434S.
5. Dwyer, J., et al., Acid/alkaline ash diets: time for assessment and change. J Am Diet Assoc, 1985. 85(7): p. 841-5.
6. Jacob Schor, N. Acid Alkaline Diets and Cancer, an ethical question. 2007 [cited 2017 May 12th]; Available from: http://www.denvernaturopathic.com/alkalineash.htm .
7. The Alkaline Diet Myth: An Evidence-Based Review. [cited 2015 December 28th]; Available from: http://authoritynutrition.com/the-alkaline-diet-myth/ .
8. Tại sao cần kiềm hóa cơ thể để chống ung thư. [cited 2017 May 17th]; Available from: http://www.vienungthu.com/tai-sao-can-kiem-hoa-co-the-de-chong-ung-thu.html .
9. Xuân, T.t.y.k.Q.t.V. Kết hợp điều trị ung thư bằng kiềm hóa tế bào. [cited 2017 May 17th]; Available from: https:// www.facebook.com/vietxuan.vn/posts/705983219534746 .
10. Một chế độ ăn giàu kiềm có thể đẩy lùi ung thư cùng vô vàn lợi ích khác. [cited 2017 May 17th]; Available from: http://cafebiz.vn/mot-che-do-an-giau-kiem-co-the-day-lui-ung-thu-cung-vo-van-loi-ich-khac-20160421212913002.chn .
11. Warburg, O. The Prime Cause and Prevention of Cancer. [cited 2016 August 18th]; Available from: http://healingtools.tripod.com/primecause1.html/ .
12. Lena, L.H. GỐC RỄ CỦA UNG THƯ. [cited 2017 May 23rd]; Available from: http://hayanchaydiban.blogspot.com/2016/12/goc-re-cua-ung-thu.html .
13. Tập khí công tăng cường oxi cho tế bào thì sẽ không bị ung thư. [cited 2017 May 23rd]; Available from: http://khicongydaotoronto.com/forum/viewtopic.php?f=14&t=5845 .
14. Hamm, L.L., N. Nakhoul, and K.S. Hering-Smith, Acid-Base Homeostasis. Clin J Am Soc Nephrol, 2015. 10(12): p. 2232-42.
15. Anderson, L.E. and W.L. Henrich, Alkalemia-associated morbidity and mortality in medical and surgical patients. South Med J, 1987. 80(6): p. 729-33.
16. Tripathy, S., Extreme metabolic alkalosis in intensive care. Indian J Crit Care Med, 2009. 13(4): p. 217-20.
17. Yee, A.H. and A.A. Rabinstein, Neurologic presentations of acid-base imbalance, electrolyte abnormalities, and endocrine emergencies. Neurol Clin, 2010. 28(1): p. 1-16.
18. Pochet, J.M., et al., Metabolic alkalosis in the intensive care unit. Acta Clin Belg, 2001. 56(1): p. 2-9.
19. Khanna, A. and N.A. Kurtzman, Metabolic alkalosis. Respir Care, 2001. 46(4): p. 354-65.
20. Dargent-Molina, P., et al., Proteins, dietary acid load, and calcium and risk of postmenopausal fractures in the E3N French women prospective study. J Bone Miner Res, 2008. 23(12): p. 1915-22.
21. Thorpe, D.L., et al., Effects of meat consumption and vegetarian diet on risk of wrist fracture over 25 years in a cohort of peri- and postmenopausal women. Public Health Nutr, 2008. 11(6): p. 564-72.
22. Macdonald, H.M., et al., Effect of potassium citrate supplementation or increased fruit and vegetable intake on bone metabolism in healthy postmenopausal women: a randomized controlled trial. Am J Clin Nutr, 2008. 88(2): p. 465-74.
23. Fenton, T.R., et al., Meta-analysis of the effect of the acid-ash hypothesis of osteoporosis on calcium balance. J Bone Miner Res, 2009. 24(11): p. 1835-40.
24. Pilon-Thomas, S., et al., Neutralization of Tumor Acidity Improves Antitumor Responses to Immunotherapy. Cancer Res, 2016. 76(6): p. 1381-90.
25. Brand, R.A., Biographical sketch: Otto Heinrich Warburg, PhD, MD. Clin Orthop Relat Res, 2010. 468(11): p. 2831-2.
26. Swietach, P., R.D. Vaughan-Jones, and A.L. Harris, Regulation of tumor pH and the role of carbonic anhydrase 9. Cancer Metastasis Rev, 2007. 26(2): p. 299-310.
27. Essentials of Human Anatomy and Physiology, 3rd edition Essentials of Human Anatomy and Physiology, 3rd edition Marieb E N Cummings 480pp pound29.95 0-8053-4804-2 [Formula: see text]. Nurs Stand, 1991. 6(2): p. 48.
28. Fontenot, H.B. and H. Collins Fantasia, Women’s health, pharmacology, and aging. J Obstet Gynecol Neonatal Nurs, 2014. 43(2): p. 224-5.
29. Baliga, S., S. Muglikar, and R. Kale, Salivary pH: A diagnostic biomarker. J Indian Soc Periodontol, 2013. 17(4): p. 461-5.
30. Lambers, H., et al., Natural skin surface pH is on average below 5, which is beneficial for its resident flora. Int J Cosmet Sci, 2006. 28(5): p. 359-70.
31. Fenton, T.R. and T. Huang, Systematic review of the association between dietary acid load, alkaline water and cancer. BMJ Open, 2016. 6(6): p. e010438.