Nhiều người vẫn gọi loại cây này là “Atiso đỏ” vì cho rằng nó tốt cho gan, bổ máu, thận và tim…
Theo Đại tá Lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cây bụp giấm được ví như atiso đỏ là một loại thảo dược quý tốt cho sức khoẻ. Cây bụp giấm còn có tên gọi khác như: rau chua, quý mẩu.
Theo y học cổ truyền, bụp giấm có vị hơi chua, mùi thơm nhẹ, tính mát. Vào 2 kinh can và đại trường. Đài hoa bụp dấm có tác dụng bổ huyết, sạch máu, tốt cho gan, thận, tim, trị ho, viêm họng…
Cây bụp giấm có gốc ở Châu Phi hiện được trồng tại Việt Nam làm dược liệu. Y học hiện đại đã phân tích trong hoa và cây bụp giấm có chứa nhiều polysaccharides. Chất này có khả năng ức chế tế bào ung thư, giảm mỡ máu (sạch máu) ngăn ngừa béo phì.
Hoa bụp giấm dược liệu làm thuốc, ảnh minh hoạ.
Lương y Bùi Hồng Minh giải thích thêm: “Cây bụp giấm có nhiều chất chống oxy hoá, bảo vệ thành mạch như: Vitamin C,A, vitaminnhóm B và nhiều axit hữu cơ khác đã đượcxác định có tác dụng chống co thắt, hạ huyết áp, kháng khuẩn (bụp giấm có chất giống kháng sinh), hạn chế hình thành sỏi đường tiết niệu (tốt cho thận), chống lão hoá, mệt mỏi“.
Vị Lương y này cho biết, qua những tài liệu nghiên cứu dược lý hoa bụp giấm có tác dụng tăng co bóp tử cung rõ rệt, khi dùng liều nhỏ giúp tử cung co đều. Đối với cơ trơn có tác dụng hưng phấn thời gian ngắn.
Bụp giấm còn có tác dụng hạ huyết áp, tăng lưu lượng máu, tăng cường dinh dưỡng, mạch máu lưu thông… khi được thử nghiệm với chó.
Các thử nghiệm còn cho thấy bụp giấm có tác dụng ức chế ngưng tụ của tiểu cầu, làm tan máu ngưng tụ tiểu cầu, bảo vệ chống nhồi máu cơ tim.
Theo Lương y Bùi Hồng Minh, bụp giấm cũng có tác dụng hạ khí, hoạt huyết, chống nhồi máu cơ tim, chống co thắt động mạch vành, chống co thắt và thư giãn cơ trơn, hạ tuyết áp.
Đài hoa bụp giấm có tác dụng lợi gan, lợi tiểu. Qua thí nghiệm dịch chiết xuất đài cây bục giấm tiêm vào mèo có tác dụng hạ huyết áp.
Đối với phụ nữ bụp giấm có tác dụng trị bệnh phụ khoa, rối loạn kinh nguyệt, hành kinh đau bụng, sau sinh máu xấu.
– Lá bụp giấm có vị chua làm rau ăn lợi máu, an thần. Cách dùng làm thuốc: lá non kết hợp với cá, thịt lợn nấu thành canh chua ăn bổ dưỡng có tác dụng sạch máu, giúp ngủ ngon.
– Lá sấy khô làm trà uống hàng ngày có tác dụng hành khí, hoạt huyết, hạ men gan. Lưu ý lá khô tối đa không dùng quá 4g/ngày, đài hoa tươi 8-12g. Trà chia liều uống trong ngày
– Hoa bụp giấm dùng làm mứt, ngâm nước thành siro uống ngừa ho, tốt cho tiêu hóa, lợi mật, nhuận tràng.
Vị Phó chủ tịch Hội Đông Y khuyến cáo, bụp giấm không chế biến nhiệt độ cao và thời gian dài khiến cho hoạt chất bị phân huỷ. Phụ nữ mang thai cho con bú không nên dùng. Khi dùng bụp giấm là thuốc điều trị nên tham khảo của thầy thuốc Đông y để có liều lượng dùng phù hợp với từng thể trạng.