Căn cước công dân (CCCD) gắn chip là một trong những loại giấy tờ tùy thân quan trọng của công dân Việt Nam. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, CCCD gắn chip cũng có thể bị tạm giữ, thu hồi.
Chứng minh nhân dân (CMND), Căn cước công dân (CCCD) gắn chip được xem là “vật bất ly thân” của mỗi cá nhân.
Giấy tuỳ thân này được sử dụng trong hầu hết trường hợp giao dịch và khi làm thủ tục hành chính đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, CMND và CCCD gắn chip cũng có thể bị tạm giữ, thu hồi.
Trường hợp bị tạm giữ, thu hồi CCCD gắn chip
Theo quy định tại điều Điều 28 Luật CCCD 2014, thẻ CCCD bị thu hồi, tạm giữ trong các trường hợp sau:
Chỉ cơ quan quản lý CCCD và cơ quan thực thi pháp luật mới có thẩm quyền thu hồi hoặc tạm giữ thẻ CCCD (Ảnh minh hoạ)
Thẻ CCCD bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Thẻ CCCD bị tạm giữ trong trường hợp sau đây:
– Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
Trong thời gian bị tạm giữ thẻ CCCD, công dân được cơ quan tạm giữ thẻ CCCD cho phép sử dụng thẻ CCCD của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.
Công dân được trả lại thẻ CCCD khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Về thẩm quyền thu hồi, tạm giữ thẻ CCCD được quy định như sau:
– Cơ quan quản lý CCCD có thẩm quyền thu hồi thẻ CCCD trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
– Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ CCCD trong trường hợp bị tạm giữ thẻ nêu trên.
Như vậy, công dân cần lưu ý rằng thẻ CCCD chỉ bị thu hồi, tạm giữ trong các trường hợp trên. Ngoài ra, các trường hợp giao dịch khác như thuê phòng khách sạn, xin việc làm,… thì chỉ được phép yêu cầu xuất trình CCCD để kiểm tra đối chiếu thông tin.
Giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân gắn chip
Căn cứ vào Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân như sau:
Căn cước công dân (CCCD) là một trong những loại giấy tờ tùy thân quan trọng của công dân Việt Nam (Ảnh minh hoạ)
– Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
– Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 Luật Căn cước công dân 2014; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 và khoản 3 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014.
– Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.