Dùng điều hòa đã lâu song không phải ai cũng biết câu trả lời đúng cho câu hỏi này.
Vào mùa hè hay những ngày nắng nóng cao điểm, điều hòa là một trong những thiết bị làm mát được nhiều gia đình sử dụng với công suất gần như tối đa. Để làm mát được nhanh hơn, sâu hơn, chắc chắn bên cạnh nhiệt độ không thể bỏ qua chế độ quạt gió của thiết bị.
Trên một chiếc điều hòa thông thường sẽ có 3-5 mức gió. Vậy bật mức gió mạnh hay mức gió nhẹ thì tốn điện hơn? Dùng điều hòa đã lâu song không phải người dùng nào cũng trả lời đúng câu hỏi này. Thậm chí còn rất nhiều người hiểu sai. Dưới đây là phân tích của một thợ sửa chữa chuyên nghiệp.
Thợ sửa chữa chuyên nghiệp đưa ra phân tích
Theo một người thợ sửa chữa điều hòa lâu năm, chế độ gió ở điều hòa càng mạnh, hay càng cao, đồng nghĩa với việc hơi lạnh từ điều hòa được tỏa ra trong không gian càng nhanh hơn. Sau đó, cảm biến trên điều hòa sẽ tự động nhận biết rằng nhiệt độ căn phòng đã đạt được mức mong muốn như người dùng cài đặt thông qua điều khiển.
Lúc này, điều hòa sẽ bắt đầu giảm công suất và hoạt động chậm lại. “Như vậy có thể nói, sử dụng mức quạt gió trên điều hòa càng mạnh thì thời gian đạt tới nhiệt độ người dùng mong muốn lại càng ngắn lại. Điều này giúp gia đình tiết kiệm điện năng tốt hơn”, người thợ nói. Ngược lại, bật quạt gió ở chế độ thấp, gió nhẹ sẽ đưa khí lạnh từ thiết bị phả ra lan tỏa ra cả căn phòng trong thời gian dài, chậm hơn, từ đó tốn nhiều điện hơn.
Thợ sửa chữa nhấn mạnh tác dụng của việc bật quạt gió điều hòa ở mức cao
“Khi bật quạt gió ở mức mạnh, người dùng nên điều chỉnh hướng quạt gió sao cho không hướng thẳng vào cơ thể con người. Điều này sẽ giúp hạn chế khả năng gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là với trẻ em hay người có sức đề kháng kém”, người thợ nói thêm.
Thêm vào đó, nhiều người khác cũng chỉ ra một nhược điểm khi bật quạt gió điều hòa ở mức mạnh, đó là thiết bị sẽ vô tình phát ra tiếng ồn lớn.
Bởi vậy có thể kết luận, bật quạt gió điều hòa ở mức gió mạnh hay mức cao, là một phương pháp tiết kiệm điện khi người dùng mới bắt đầu khởi động điều hòa. Khi cảm nhận không gian đã được làm mát một cách tương đối, đồng đều, người dùng có thể cân nhắc chỉnh quạt gió về mức thấp hơn, gió thổi nhẹ hơn để bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Vì những lý do trên, tùy từng thời điểm mà người dùng nên có phương pháp điều chỉnh mức quạt gió sao cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu. Hiện nay trên thị trường, một vài dòng điều hòa còn cho phép người dùng tắt hẳn chế độ quạt gió này đi.
Các chế độ giúp tiết kiệm điện khi dùng điều hòa
Bên cạnh quạt gió, để tiết kiệm điện khi dùng điều hòa vào những ngày nắng nóng cao điểm, các gia đình cũng có thể tham khảo thêm những chế độ thông minh sau đây, có sẵn trên thiết bị.
1. Chế độ Sleep
Chế độ Sleep hay còn được gọi là chế độ ngủ đêm. Theo giải thích từ các nhà sản xuất và phân phối điều hòa, khi kích hoạt chế độ này, trung bình sau mỗi giờ hoặc nửa giờ, điều hòa sẽ tự động tăng thêm 1 độ C so với nhiệt độ cài đặt ban đầu. Khi đến mức nhiệt lý tưởng nhất theo cài đặt sẵn trong máy, việc tăng nhiệt độ sẽ được dừng lại. Mức nhiệt lý tưởng sẽ được duy trì suốt cả đêm.
Nhờ có điều chỉnh nhiệt độ hợp lý, chế độ Sleep sẽ giúp điều hòa được giảm công suất hoạt động liên tục, từ đó giúp tiết kiệm điện năng. Ngoài ra, các chuyên gia còn đánh giá chế độ Sleep còn giúp bảo vệ sức khỏe người dùng và đảm bảo một giấc ngủ ngon.
Bởi lẽ về ban đêm khi đi ngủ, thân nhiệt con người cũng sẽ tự động giảm. Việc tăng từ từ nhiệt độ của điều hòa giúp hạn chế tình trạng bị quá lạnh khi ngủ, cân bằng giữa thân nhiệt con người và căn phòng.
Ở từng dòng điều hòa khác nhau, chế độ Sleep lại được gọi tên và ký hiệu khác nhau trên điều khiển. Ví dụ như Comfort Sleep trên điều hòa Toshiba, Sweet Dreams trên điều hòa Midea hay Best Sleep trên điều hòa Sharp…
2. Chế độ hẹn giờ
Chế độ hẹn giờ là chế độ cho phép người dùng quản lý thời gian hoạt động của điều hòa. Cụ thể, người dùng sẽ thiết lập khoảng thời gian bật điều hòa mong muốn. Ví dụ như 2 giờ, 3 giờ hay 4 giờ. Sau khi kết thúc thời gian hẹn giờ này, điều hòa sẽ tự động tắt.
Ở một số dòng điều hòa còn cho phép người dùng thiết lập thời gian tắt (Timer off) và thời gian bật (Timer on) riêng biệt. Người dùng chỉ cần chọn chế độ tương ứng trên điều khiển rồi chọn mức hoặc khoảng thời gian sao cho phù hợp với nhu cầu và được.
Chế độ hẹn giờ không chỉ giúp tiết kiệm điện mà còn giúp người dùng chủ động hơn trong việc sử dụng và điều khiển điều hòa từ xa. Ngoài ra việc cài đặt thời gian bật, tắt hợp lý cũng giúp bảo vệ thiết bị khỏi tình trạng quá tải, duy trì tuổi thọ thiết bị cũng như tránh khỏi việc người dùng quên tắt thiết bị khi ra ngoài.
3. Chế độ tiết kiệm năng lượng
Chế độ thứ 3 mang cái tên nói ngay lên công dụng của nó – chế độ tiết kiệm năng lượng hay chế độ ECO. Không chỉ ở điều hòa, mọi thiết bị gia dụng ngày nay trong gia đình đều được thiết kế với chế độ này, như máy giặt, tủ lạnh, ti vi.
Khi kích hoạt chế độ này, máy nén sẽ tự động thiết lập tất cả các hoạt động của điều hòa sao cho về chế độ tiết kiệm kiệm nhất. Dù tiết kiệm song nó vẫn đảm bảo việc hoạt động của thiết bị được hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu của người dùng.
4. Chế độ “chỉ dùng quạt”
Một chế độ có mặt trên chiếc điều hòa của nhiều gia đình song thường xuyên bị “ngó lơ”, đó là chế độ Only Fan, hay dịch ra là “chỉ dùng quạt”.
Khi kích hoạt chế độ này, chiếc điều hòa sẽ chỉ sử dụng công suất và điện năng để chạy bộ phận quạt gió. Còn phần hơi lạnh điều hòa sẽ tỏa ra rất hạn chế, hoặc không tỏa ra. Bởi vậy, điện năng sẽ được tiết kiệm hơn. Tuy nhiên chế độ này “Fan only” này chỉ thích hợp sử dụng vào hững ngày thời tiết tương đối mát mẻ, không gian không quá nóng, oi bức.