Dùng đã lâu song không phải ai cũng nắm rõ về những thứ bên trong lò vi sóng khi thiết bị hoạt động.
Nội dung chính
- Những thứ được cho vào lò vi sóng cũng cần được kiểm tra kỹ
- Nếu lò vi sóng đã xuất hiện hỏng hóc, tốt nhất không nên tiếp tục sử dụng
- Để lò vi sóng quá bẩn cũng có thể khiến thiết bị suy giảm hiệu quả
Nhắc tới những thiết bị quen thuộc trong các gia đình hiện nay, giúp hỗ trợ các công việc của con người, chắc chắn không thể bỏ qua cái tên lò vi sóng. Lò vi sóng sử dụng sóng vi ba để hâm nóng thực phẩm, thậm chí là nước uống, trong thời gian nhanh chóng và bằng các thao tác dễ dàng.
Quen thuộc là vậy tuy nhiên trên thực tế không phải người dùng nào cũng nắm rõ các lưu ý khi sử dụng lò vi sóng, tiêu biểu là bên trong lò khi thiết bị hoạt động. Một băn khoăn được nhiều người dùng quan tâm đó là: Bật lò vi sóng khi bên trong không có gì liệu có sao không?
Dưới đây là lời giải đáp từ các chuyên gia.
Chuyên gia đưa ra lời khuyên
Theo Lone Star Appliance Repair, một đơn vị chuyên về sửa chữa đồ dùng, thiết bị nhà bếp tại Mỹ, việc bật lò vi sóng khi bên trong thiết bị không có gì được xếp vào danh sách những hành động không được làm với lò vi sóng. Các thợ kỹ thuật từ đơn vị này nhấn mạnh, người dùng không bao giờ được để lò vi sóng hoạt động trong trạng thái trống rỗng hoàn toàn.
Điều này cũng được nhiều chuyên gia khác về lò vi sóng nói riêng hay các thiết bị điện đồng tình. Nguyên nhân là bởi bật lò vi sóng khi không có gì bên trong có thể gây tốn điện, lãng phí không cần thiết. Nghiêm trọng hơn là tiềm ẩn nguy cơ thiết bị xảy ra chập cháy nguy hiểm.
Các chuyên gia giải thích, lò vi sóng khi hoạt động sẽ phát ra các tia bức xạ nhiệt. Khi không có thực phẩm bên trong lò, các tia này không được hấp thụ mà sẽ phản xạ qua lại trong lò. Từ đó nhiệt độ khoang chứa của lò vi sóng sẽ tăng lên rất cao, gây hư hỏng, thậm chí chập, cháy nguy hiểm.
Chính bởi vậy, tốt nhất người dùng nên đảm bảo kiểm tra kỹ trước khi thiết bị hoạt động. Những thứ được cho vào lò vi sóng cũng cần là các loại thực phẩm, đựng cho bao bì hay bát, đĩa, hộp phù hợp. Có như vậy thiết bị mới hoạt động hiệu quả, an toàn và được lâu bền.
Các loại thực phẩm hay hộp đựng thực phẩm cho vào lò vi sóng cũng cần là loại phù hợp (Ảnh minh hoạ)
Những trường hợp không nên bật lò vi sóng
1. Khi lò vi sóng chưa được đóng kín
Về cơ bản, hiện nay mọi loại lò vi sóng đều tự động ngưng hoạt động khi cửa không được đóng kín hay bất chợt bị mở ra. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp cửa lò ví sóng bị hở 1 khe nhỏ nhưng thiết bị vẫn chạy chu trình của mình.
Điều này khiến thực phẩm bên trong không thể được làm nóng tối ưu. Thậm chí nhiều chuyên gia còn khuyến cáo, nó còn có thể khiến nhiệt lượng cũng như bức xạ bên trong rò rỉ ra môi trường, không gian bên ngoài.
2. Khi lò vi sóng đang gặp hỏng hóc
Nhiều người dùng nghĩ rằng một số vấn đề hỏng hóc nhỏ với lò vi sóng không quá đáng lo ngại. Ví dụ như việc dây điện thiết bị bị hở, khay đựng trực phẩm bên trong đang bị nứt, vỡ hay bộ phận tản nhiệt đang không ở trạng thái tốt nhất.
Tuy nhiên, các vấn đề như trên lại ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả cũng như độ an toàn khi hoạt động của lò vi sóng. Bởi vậy tốt nhất người dùng cần dừng sử dụng ngay khi lò vi sóng ở bất cứ bộ phận nào đang gặp vấn đề. Thay vào đó cần nhờ tới sự giúp đỡ của các thợ kỹ thuật để thiết bị được kiểm tra và xử lý kịp thời.
3. Khi lò vi sóng đang quá tải
Ngược lại với bên trong lò vi sóng không có gì đó là khi lò vi sóng đang bị quá tải, người dùng cũng không nên để thiết bị hoạt động. Sóng vi ba lúc này sẽ không thể được lưu thông tốt, từ đó không thể hâm nóng toàn bộ thực phẩm bên trong lò. Lâu ngày, chính thiết bị sẽ bị suy giảm tuổi thọ do luôn phải hoạt động trong tình trạng quá tải.
Tốt nhất người dùng chỉ nên sắp xếp thức ăn sao cho đủ phần khay chứa trong lò, không nên chồng các loại bát, hộp lên quá cao.
4. Khi lò vi sóng quá bẩn
Để lò vi sóng quá bẩn thực hiện công việc hâm nóng thức ăn có thể khiến ảnh hưởng tới chính tính vệ sinh của thực phẩm. Người dùng hãy tiến hành vệ sinh bên trong lòng thiết bị sau mỗi lần sử dụng, đặc biệt khi hâm nóng chất lỏng. Và vệ sinh toàn bộ lò vi sóng, đặc biệt là khu vực tản nhiệt khoảng 1-2 tuần/lần.