Thủy triều đỏ là hiện tượng chưa từng có trong 30 năm qua, kể từ ngày tái lập xã đảo Thổ Châu (1993) đến nay.
Mặt biển Phú Quốc xuất hiện hiện tượng lạ
Theo UBND xã Thổ Châu, vào ngày 12/6, mặt biển bãi Mun, phía Tây Nam đảo Thổ Châu, TP Phú Quốc, xuất hiện hiện tượng đặc biệt khi nước biển chuyển từ màu xanh thông thường sang màu đỏ, sau đó lan rộng dần. Đến 15h cùng ngày, diện tích khu vực nước biển có màu đỏ lên đến khoảng gần 1.000m2.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là hiện tượng thủy triều đỏ.
Chia sẻ với báo Lao động, ông Đỗ Văn Dừng, Bí thư xã Thổ Châu cho biết, đây là hiện tượng chưa từng có trong 30 năm qua, kể từ ngày tái lập xã đảo Thổ Châu (1993) đến nay.
Ghi nhận từ người dân địa phương, chỉ sau thời gian ngắn nước biển chuyển sang màu đỏ, xuất hiện hiện tượng nhiều loại cá nhỏ đột ngột chết, xác dạt lên bờ. Tuy nhiên, đến sáng 13/6, vùng biển nhạt màu hơn, thu hẹp diện tích và tan dần.
Cũng theo ông Dừng, bãi Mun không có tàu thuyền đánh bắt thủy sản, ít người dân lui tới. Địa phương chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể nào do thủy triều đỏ gây ra.
Nguyên nhân xuất hiện hiện tượng thủy triều đỏ
Thủy triều đỏ còn được gọi là tảo nở hoa, bởi đây chính là hiện tượng tảo sinh sản với số lượng lớn trong nước đến mức làm mất màu nước ven biển. Khi tảo ở cửa sông, biển hoặc nước ngọt tích tụ nhiều sẽ khiến mặt nước đục hoặc chuyển sang màu hồng, xám, tím, đỏ, đen hoặc xanh. Vì thế, các hiện tượng này được đặt tên là thủy triều đen, thủy triều xanh… nhưng chúng không hề liên quan đến hoạt động của thủy triều.
LiveScience cho hay, không phải tất cả tảo nở hoa đều có hại. Nhưng có một số loài tảo độc hại gắn với thủy triều đỏ như tảo Karenia Brevia, tảo Alexandrium Fundyense và tảo Alexandrium Catenella.
Theo Ủy ban bảo tồn cá và động vật hoang dã Florida, thủy triều đỏ có thể kéo dài vài tuần hoặc lâu hơn 1 năm. Chúng đôi khi có thể giảm dần sau đó tái xuất hiện. Quá trình tảo nở hoa phụ thuộc vào các điều kiện vật chất và sinh học có ảnh hưởng đến sự phát triển của nó, gồm ánh sáng mặt trời, các chất dinh dưỡng và độ mặn, cũng như tốc độ và hướng của gió và dòng chảy.
Một số yếu tố gây ra một đợt tảo nở hoa là độ mặn thấp, hàm lượng dinh dưỡng cao trong nước (nitơ và phốt pho), nhiệt độ nước bề mặt ấm hơn bình thường và dòng chảy chậm.
Theo Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ NOAA, thủy triều đỏ có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là do hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến cho nhiệt độ đại dương nóng lên làm thay đổi thời điểm và tần suất tảo độc hại nở hoa.
Báo Dân trí cảnh báo, hiện tượng thủy triều đỏ gây hại ở mức độ nhẹ cho con người nhưng nguy hiểm với sinh vật biển.
Tuy nhiên, tùy từng loại tảo khác nhau mà thủy triều đỏ có thể sản sinh ra độc tố nhiều hay ít. Chúng làm suy giảm oxy và khiến các loài động vật ở biển và các loài sống ven biển như cá, chim, động vật có vú biển, và các sinh vật khác chết hàng loạt.
Những lần thủy triều đỏ gây tác hại
Tại vùng vịnh Mexico (Mỹ), hàng năm tảo Karenia brevis trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 1 thường nở hoa. Mặc dù, việc tảo nở hoa không phải là điều bất thường nhưng vào năm 2021, hiện tượng này đã khiến khu vực thành phố St. Petersburg của bang Florida (Mỹ) điêu đứng với hàng trăm tấn cá chết dạt vào bãi biển.
Từ năm 1793, hiện tượng thủy triều đỏ lần đầu được ghi nhận ở British Columbia, Canada.
Năm 1840, hiện tượng tảo nở hoa xuất hiện dọc theo bờ biển Florida và gió phát tán đi những chất độc lơ lửng trong không khí của chúng vào bầu không khí. Không có trường hợp tử vong nào của con người nhưng một số người xuất hiện tình trạng kích ứng da, cháy da khi bơi ở khu vực tập trung cao hiện tượng này.
Năm 1972, thủy triều đỏ xuất hiện ở New England bởi một loài tảo độc có tên Alexandrium (Gonyaulax) tamarense. Tác hại của loại tảo khá nghiệm trọng bởi sinh vật này tạo saxitoxin và gonyautoxins sẽ tích tụ trong động vật có vỏ và nếu ăn vào có thể dẫn đến ngộ độc gây liệt cơ (PSP) và cuối cùng dẫn đến tử vong.
Năm 1976, khu vực Sabah, Borneo báo cáo có 202 nạn nhân có biểu hiện ngộ độc liệt cơ, 7 người tử vong sau khi nơi này xuất hiện thủy triều đỏ.
Tháng 1 năm 2013, một đợt thủy triều đỏ xảy ra một lần nữa tại bờ biển Đông thuộc bang Sabah nằm trên đảo Borneo của Malaysia. Hai trường hợp tử vong đã được báo cáo sau khi họ tiêu thụ một dạng động vật có vỏ đã bị nhiễm độc tố từ thủy triều đỏ.
Cùng thời điểm đó tại bãi biển Sarasota, Florida, một đợt thủy triều đỏ gây ra hiện tượng cá chết và khiến nhiều du khách gặp vấn đề về đường hô hấp.
Tháng 8 năm 2014, một đợt thủy triều đỏ không lồ xảy ra tại Florida có độ dài khoảng 145 km và rộng khoảng 96 km.
Đợt thủy triều đỏ bùng phát năm 2005 tại bang New England (Mỹ) đã giết chết 30 con lợn biển dọc theo bờ biển bang Florida trong mùa xuân và làm ngành công nghiệp chế biến sò của New England thiệt hại hàng triệu USD.
Tháng 6 năm 2015, 12 người nhập viện ở Bohol do ngộ độc thủy triều đỏ.
Các nhà khoa học Mỹ nhấn mạnh rẳng rất khó dự báo khi nào xảy ra thủy triều đỏ. Hiện tại, họ chỉ có thể dự báo động thái của nó bằng cách sử dụng dữ liệu gió và dòng chảy khi định vị được tảo độc nở hoa. Các nhà khoa học NOAA cũng giám sát mật độ của sinh vật thuỷ triều đỏ bằng cách thu thập mẫu nước thường xuyên.
Tổng hợp