Chuyên gia kinh tế của Citigroup nhận định rằng giấc mơ “hạ cánh mềm” của kinh tế Mỹ đã kết thúc.
Andrew Hollenhorst, nhà kinh tế trưởng của Citi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC: “Mọi người có thể thấy những câu chuyện ‘hấp dẫn’ xung quanh việc hạ cánh mềm, tuy nhiên chúng tôi lại không thấy điều đó trong những dữ liệu thực tế”.
Nhìn bề ngoài, dữ liệu có vẻ tích cực khi nền kinh tế đang được hưởng lợi từ tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng GDP mạnh mẽ.
Nhưng có nhiều điều đang diễn ra với những con số hơn là những gì mọi người thấy. Ông Hollenhorst nói: “Câu hỏi đặt ra là những chỉ số hướng tới tương lai này cho thấy rằng chúng ta sẽ đi đến đâu”.
Nền kinh tế Mỹ đang lộ một điểm yếu là thị trường lao động. Báo cáo việc làm tháng 1/2024 bùng nổ, đã có 353.000 việc làm được tạo thêm cho nền kinh tế. Nhưng nếu đào sâu hơn, số giờ làm việc, số lượng nhân viên toàn thời gian cùng giảm và các lĩnh vực như nhà hàng cũng đã ngừng tuyển dụng.
Hollenhorst lưu ý: “Đó là chìa khóa của nền kinh tế – những điều xảy ra trên thị trường lao động. Nếu tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, mọi người tiếp tục chi tiêu, nền kinh tế sẽ phát triển. Nhưng nếu tỷ lệ thất nghiệp đó bắt đầu tăng, đó là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể sắp suy giảm nghiêm trọng hơn”.
Ông cũng cho rằng lạm phát vẫn ở mức quá cao. Dữ liệu CPI tuần này cho thấy lạm phát hàng tháng tăng cao hơn dự kiến, khiến cổ phiếu giảm giá mạnh trong phiên ngay sau đó (ngày 13/2).
Chưa hết, vào tối ngày 16/2 (theo giờ Việt Nam), Bộ Lao động Mỹ cũng vừa công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) – một chỉ số lạm phát quan trọng. Cụ thể, PPI đã tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 0,1% của các chuyên gia kinh tế và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2023. PPI siêu lõi tăng 0,6%, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1 năm ngoái.
Một báo cáo gần đây của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ của nước này đã giảm 0,8% trong tháng 1, phần lớn do sự sụt giảm tại các đại lý ô tô và trạm xăng
Tỷ lệ quá hạn thẻ tín dụng cũng đang tăng lên. Nhà kinh tế hàng đầu David Rosenberg cho biết một chu kỳ vỡ nợ tín dụng tiêu dùng đã đến – cứ 12 chủ thẻ tín dụng thì có một người mất khả năng thanh toán.
Nhà kinh tế trưởng của Citigroup không phải người duy nhất tỏ ra bi quan. Gần đây, Torsten Sløk của Apollo Management cũng đã lặp lại quan điểm rằng việc hạ cánh mềm hiện là kịch bản “ít có khả năng xảy ra nhất”.
Tham khảo BI