6 thói quen xấu đang âm thầm “tàn phá” thận nhưng rất nhiều người làm mỗi ngày mà không hề hay biết

Không ít người có quan niệm sai lầm khi cho rằng thận chỉ quan trọng đối với nam giới. Trên thực tế, thận giữ nhiều chức năng đảm bảo sự sống và hoạt động bình thường của cơ thể người dù ở lứa tuổi hay giới tính nào.

TIN MỚI

Giáo sư Liu Bicheng thuộc Khoa Thận của Bệnh viện Zhongda trực thuộc Đại học Đông Nam (Trung Quốc) cho biết, nhắc đến chức năng chính của thận thì không thể bỏ qua lọc máu và chất thải. Tiếp theo, thận giúp điều hòa thể tích máu, bài tiết nước tiểu. Cuối cùng là chức năng nội tiết để giúp cơ thể điều hòa huyết áp, tăng sản xuất hồng cầu ở tủy xương khi oxy mô giảm. Thận cũng tham gia vào chuyển hóa vitamin D3, glucose trong một số trường hợp.

Nắm giữ nhiều vai trò quan trọng như vậy nhưng thận cũng là cơ quan rất dễ bị tổn thương. Giáo sư Liu liệt kê những căn bệnh về thận phổ biến nhất bao gồm: suy thận, sỏi thận, viêm cầu thận, hội chứng thận hư, viêm bể thận cấp và ung thư thận.

Ông nhắc nhở, mặc dù đời sống vật chất và tiến bộ trong lĩnh vực y học ngày càng cao hơn nhưng các bệnh này vẫn khó để chữa trị. Khi mắc bệnh thận, nhất là suy thận thì bệnh nhân sẽ phải sống cả đời với nhiều đau đớn, bất tiện và không thể sống thiếu các can thiệp y tế. Vì vậy, cách tốt nhất là nên bảo vệ sớm và phòng ngừa các bệnh về thận. Đặc biệt là tránh xa những thói quen xấu âm thầm “tàn phá” thận sau đây:

1. Chế độ ăn uống mất cân bằng

Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của thận. Nhất là nếu ăn quá nhiều đạm, thực phẩm có hàm lượng purin cao hoặc tiêu thụ quá nhiều muối, nhiều đường thì khó tránh khỏi bệnh thận.

6 thói quen xấu đang âm thầm “tàn phá” thận nhưng rất nhiều người làm mỗi ngày mà không hề hay biết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bởi vì chế độ ăn nhiều thức ăn giàu đạm có thể tạo ra nhiều đạm urê sau quá trình chuyển hóa và gây gánh nặng, tổn thương cho thận. Những người thích ăn các món nhiều purin như hải sản, nội tạng động vật… cũng sẽ có nguy cơ tăng axit uric máu cao và dễ mắc bệnh về thận hơn.

Theo WHO, mỗi năm có khoảng 4,1 triệu ca tử vong trên toàn thế giới xuất phát từ nguyên nhân ăn thừa muối. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới các bệnh về thận. Vì khi chúng ta ăn thừa muối thì cân bằng điện giải của cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng do hấp thụ quá nhiều natri. Lúc này, thận sẽ phải làm việc quá sức, dẫn đến suy giảm chức năng và nhanh chóng tổn thương, suy yếu.

Tương tự, đường chứa đầy fructose, nếu hấp thụ quá nhiều sẽ hình thành axit uric, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thận. Phổ biến nhất là gây ra suy thận.

2. Thường xuyên nhịn tiểu

Rất nhiều người biết rằng nhịn tiểu có hại cho thận nhưng lại khó bỏ thói xấu này. Nhất là những người trẻ tuổi, bận rộn, dân văn phòng phải ngồi lâu một chỗ.

Nước tiểu bị giữ lại thường xuyên sẽ làm tăng áp lực cho thận, đồng thời làm chậm trễ quá trình đào thải chất độc cho cơ thể. Tác hại trực tiếp nhất của việc này là làm tổn thương bàng quang và mất khả năng kiểm soát việc đi tiểu.

Nếu lặp lại lâu ngày khó tránh khỏi suy thận, sỏi thận và các rối loạn tiểu tiện nghiêm trọng khác như viêm thận mãn tính hoặc nhiễm độc niệu.

3. Uống nước sai cách

Chúng ta thường được khuyên uống nhiều nước, tuy nhiên Giáo sư Liu nhắc nhở rằng uống quá ít hay quá nhiều nước đều không tốt cho thận.

Theo các nghiên cứu khoa học, một ngày một người bình thường nên bổ sung từ 1,5 – 2 lít nước, không bao gồm cả các loại chất lỏng khác. Nếu không được cung cấp đủ nước sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất bình thường của thận. Lâu dần sẽ khiến chất độc và rác tích tụ trong thận, làm tăng gánh nặng chuyển hóa của thận và làm suy giảm chức năng của thận.

Nhưng cũng đừng uống thừa nước vì nó dễ khiến hạ natri máu, tạo gánh nặng cho thận. Từ đó có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, bệnh thận… thậm chí là tổn thương não, co giật hoặc hôn mê.

6 thói quen xấu đang âm thầm “tàn phá” thận nhưng rất nhiều người làm mỗi ngày mà không hề hay biết - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, hãy học cách uống nước đúng cách và đúng lúc. Bao gồm uống nước chủ động và rải rác trong ngày thay vì chờ khi khát mới uống. Không nên uống nhiều nước trong khoảng 30 phút trước khi đi ngủ ban đêm, ngay sau khi tập thể dục hay vận động mạnh. Đồng thời, cũng không nên uống nước quá nhanh và quá nhiều cùng lúc mà nên uống từ tốn từng ngụm nhỏ và chia làm nhiều lần uống mỗi ngày.

4. Lạm dụng thuốc

Không ít người, nhất là người trẻ tuổi có thói quen sử dụng thuốc bừa bãi, đặc biệt là thuốc giảm đau. Bởi vì thuốc giảm đau phần lớn có thể dễ dàng mua ở bất kỳ hiệu thuốc nào, không cần sự kê đơn của bác sĩ. Nhưng người sử dụng lại không hề biết đến những tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc, bao gồm cả suy thận cấp.

Lạm dụng thuốc, bao gồm cả uống sai thuốc hoặc uống quá liều lượng ảnh hưởng trực tiếp đến thận bằng cách gây viêm hoặc phá hủy các cấu trúc giải phẫu của thận. Cũng có thể gây độc gián tiếp bằng cách làm thay đổi lưu lượng máu đến thận hoặc tạo ra các chất độc nội sinh đối với thận.

5. Thường xuyên thức khuya

Giáo sư Liu cho biết, ban đêm là thời gian tốt nhất để thận được nghỉ ngơi, điều chỉnh và sửa chữa. Nên nếu bạn không nghỉ ngơi vào thời gian này mà lại thức khuya vì công việc hoặc giải trí thì thận sẽ phải làm việc quá sức, giảm khả năng tự sửa chữa. Lặp lại thói quen xấu này lâu ngày sẽ khiến thận bị tổn thương, chức năng bị suy giảm.

Chưa kể, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thức khuya sẽ làm cho hệ nội tiết và hệ miễn dịch mất cân bằng. Từ đó gây rối loạn môi trường bên trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả thận. Thường xuyên thức khuya cũng làm dễ dẫn tới bệnh cao huyết áp, do vậy cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.

6 thói quen xấu đang âm thầm “tàn phá” thận nhưng rất nhiều người làm mỗi ngày mà không hề hay biết - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, thức khuya lâu ngày còn khiến làm cơ thể bị suy kiệt, trở nên uể oải vào sáng hôm sau, hệ miễn dịch bị suy giảm. Từ đó chức năng gan và thận hoạt động kém hiệu quả hơn, dễ mắc bệnh tật hơn.

6. Hút thuốc và uống rượu nhiều

Nếu cho rằng hút thuốc chỉ gây hại cho phổi hay uống rượu bia chỉ tác động xấu đến gan thì bạn đã lầm. Hai thói quen xấu này còn âm thầm “tàn phá” thận của bạn.

Hút thuốc có mối liên hệ trực tiếp với việc tăng protein trong nước tiểu, làm teo thận. Bệnh nhân tiểu đường và huyết áp cao vốn dĩ đã là gánh nặng cho thận, nếu kết hợp thêm việc hút thuốc sẽ khiến thận càng bị tổn thương trầm trọng hơn rất nhiều.

Theo Quỹ Thận Quốc gia Mỹ, thường xuyên uống nhiều rượu bia có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính. Nguy cơ mắc bệnh còn cao hơn nữa ở những người uống vừa uống nhiều rượu bia vừa hút thuốc.

Vì khi uống nhiều rượu bia, thận phải làm việc nhiều hơn để lọc các chất độc hại ra ngoài. Trong một số trường hợp, uống quá nhiều rượu bia, khoảng 5 ly trở lên cùng lúc, có thể gây suy giảm chức năng thận đột ngột gọi là tổn thương thận cấp tính.

Chưa kể, uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tiểu đường tuýp 2. Cả hai bệnh này đều là nguyên nhân phổ biến dẫn tới bệnh thận mãn tính.

Nguồn và ảnh: Aboluowang, Sohu, Health People


Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin