Xét theo mức độ đóng góp, cổ phiếu ngân hàng BID bất ngờ tăng kịch trần 7% lên mức 42.150 đồng/cp đã trở thành “công thần” lớn nhất đóng góp 3,59 điểm tăng của VN-Index
Thị trường chứng khoán phiên 12/1 ghi nhận những diễn biến khá giằng co với những sắc thái đối lập hoàn toàn. Hiệu ứng mang tên Tân Hoàng Minh hủy cọc đấu giá đất Thủ Thiêm trở thành đòn mạnh giáng xuống nhóm cổ phiếu bất động sản khiến hàng loạt mã nằm sàn la liệt. Ngược lại, cổ đông dầu khí và ngân hàng có một phiên giao dịch đầy phấn khởi khi dòng tiền chảy vào giúp nhiều mã tăng điểm tích cực.
Đáng chú ý, càng về cuối phiên, cú đảo chiều rồi bứt tốc của nhóm vốn hóa lớn trong đó dẫn đầu là các cổ phiếu nhà băng đã khiến thị trường nhanh chóng từ đỏ sang xanh, VN-Index tăng mạnh để kết phiên tại mức điểm cao nhất 1.510,51 điểm, tương ứng tăng hơn 18 điểm. Trong khi đó, sàn HNX và UPCoM vẫn chịu áp lực bán tháo mạnh mẽ tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tiếp tục có một phiên điều chỉnh.
Diễn biến các chỉ số trong phiên 12/1/2022
Xét theo mức độ đóng góp, cổ phiếu ngân hàng BID bất ngờ tăng kịch trần 7% lên mức 42.150 đồng/cp đã trở thành “công thần” lớn nhất đóng góp 3,59 điểm tăng của VN-Index. Xét riêng trong top 15 cổ phiếu có mức đóng góp tích cực nhất cho chỉ số chính hôm nay, 10/15 mã là cổ phiếu nhà băng. Theo đó, TCB tăng 4,02% đóng góp 1,77 điểm tăng; CTG tăng 3,48% đóng góp 1,43 điểm tăng; MBB tăng 4,66% đóng góp 1,27 điểm tăng; VPB tăng 3,21% đóng góp 1,26 điểm tăng cho VN-Index…
Trong toàn ngành, sắc xanh bao trùm khi 24/27 cổ phiếu ngân hàng đồng loạt “xanh giá” trong đó TPB, BID và STB tăng hết biên độ; chỉ có BAB đứng tham chiếu và PGB; NVB giảm hơn 1%. Nhóm chứng khoán hôm nay cũng thu hút được dòng tiền, nhiều mã tiêu biểu như SSI, HCM, VND, SHS, AGR, BSI, MBS, PSI, VCI… tăng tốt. Tính chung, cả nhóm tài chính – ngân hàng ghi nhận diễn biến tích cực nhất, chỉ số ngành tăng tới 3,8%.
Bên cạnh đó, cổ đông nhóm dầu khí cũng có một ngày giao dịch hân hoan khi dòng tiền chảy mạnh vào giúp nhiều cổ phiếu tăng điểm bứt phá. GAS đóng góp 2,23 điểm tăng cho VN-Index khi tăng 4,55%; PVD, PPY, PSH kết phiên trong sắc tím còn PVC, POS, OIL, PVS đồng loạt tăng trên 3,6%. Nhờ đà tăng tốt, chỉ số nhóm năng lượng cũng tăng ấn tượng 3,67% trong phiên hôm nay. Diễn biến leo thang của giá dầu Brent trên thị trường quốc tế đang là liều dopping hiệu quả thổi vào giá các cổ phiếu dầu khí.
Nhóm thép hôm nay chứng kiến “ông lớn” HPG tăng điểm tốt 2,4% lên mức 46.200 đồng/cp, qua đó đóng góp 1,27 điểm tăng cho chỉ số chính của thị trường. Một số cổ phiếu thép cũng có mức tăng tích cực khác như HSG, NKG, TLH, TVN…
Phía ngược lại, cổ phiếu bất động sản DIG và GEX giảm hết biên độ trở thành tội đồ khiến VN-Index giảm tổng cộng gần 2,5 điểm, tác động tiêu cực thêm còn ghi nhận đến từ sự giảm mạnh của các bluechips như VIC, NVL, PDR. Những midcaps như TCH, HNG, FLC, CII, DXG, SCR giảm mạnh thậm chí nằm sàn cũng tạo thêm sức đè lên chỉ số chính của thị trường. Cổ phiếu FLC giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp cũng trong danh sách những cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index.
Đưa ra nhận định từ cuối tuần trước, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco đã cho rằng VN-Index có thể tiếp tục tăng nhẹ vào đầu tuần trước khi bước vào điều chỉnh giảm trong ngắn hạn khi chỉ báo RSI đang có dấu hiệu phân kỳ, báo hiệu xu hướng đảo chiều có thể diễn ra. Ông Khoa đánh giá nhóm ngành bất động sản, xây dựng sẽ điều chỉnh dưới áp lực chốt lời kèm theo một vài tin tức liên quan đến đấu giá tại khu đô thị Thủ Thiêm, Bộ tài nguyên-môi trường thanh tra về tính pháp lý của một số khu đất công nghiệp,…
Trong khi đó, đối với cổ phiếu ngân hàng, Báo cáo triển vọng thị trường năm 2022 của SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể cao hơn mức trung bình thị trường, đạt 21% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ tăng trưởng tín dụng ước tính ở mức 14%. Bên cạnh đó, triển vọng nguồn thu từ phí khả quan hơn khi tăng 20% so với cùng kỳ trong khi chi phí tín dụng sẽ được kiểm soát nhờ kinh tế dần hồi phục và bộ đệm rủi ro tín dụng được tăng cường tại các ngân hàng có tiềm lực.
SSI Research dự kiến lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ phân hóa trong năm, trong đó đà tăng trưởng sẽ mạnh hơn vào nửa cuối năm; kỳ vọng kế hoạch tăng vốn của một số ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu sẽ hoàn thành trong nửa cuối năm 2022.