Thùy Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội) đang mang thai, kể, nhiều ngày qua, thông tin có người tử vong vì mắc bệnh bạch hầu tại Nghệ An khiến cô lo lắng…
Thông tin từ Bộ Y tế về việc ghi nhận trường hợp tử vong do mắc bệnh bạch hầu ở Nghệ An khiến nhiều người lo lắng. Hiện đã có ghi nhận: Người tiếp xúc gần bệnh nhân cũng nhiễm bệnh. Trước tình hình này, nhiều người quan tâm đến việc tiêm vắc xin bạch hầu để phòng tránh bệnh. Trong đó nhóm đối tượng phụ nữ mang thai, cho con bú cũng không ngoại lệ.
Muốn tiêm vắc xin bạch hầu khi đang mang bầu, cho con bú để phòng tránh bệnh cho mẹ lẫn con
Thùy Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội) đang mang thai, kể, nhiều ngày qua, thông tin có người tử vong vì mắc bệnh bạch hầu tại Nghệ An khiến cô lo lắng. Nỗi lo càng dấy lên khi sau đó, truyền thông đưa tin có người tiếp xúc gần bệnh nhân đã nhiễm căn bệnh này. Đang mang thai, Ngân lo cho mình 1 mà lo cho con 10.
“Mình từng sảy thai 1 lần nên lần này nhận tin có bầu, cả nhà vui mừng lắm, đã rất giữ gìn rồi. Vậy mà giờ nghe tin bệnh bạch hầu có nguy cơ lây lan rộng thì không thể không lo lắng. Mình lo chẳng may nhiễm bệnh thì ảnh hưởng đến con”, Ngân chia sẻ.
Lo mắc bệnh bạch hầu, mấy ngày qua Ngân liên tục cập nhật thông tin báo đài. Cô muốn đi tiêm phòng để bảo vệ chính mình cũng như em bé trong bụng. Mặc dù vậy, cô vẫn chưa biết rõ mình nên tiêm lúc nào, tiêm mấy mũi mới đủ để sinh ra kháng thể bảo vệ cơ thể bà bầu…
Chung nỗi niềm với Ngân, Mai Trang (Hà Đông, Hà Nội) có con nhỏ mới sinh được 2 tuần, cũng sốt sắng muốn đi tiêm vắc xin bạch hầu. Chị Trang kể, trước khi mang thai, chị cũng đã tiêm phòng thủy đậu, cúm… đầy đủ nhưng không nhớ tiêm vắc xin bạch hầu hay chưa.
“Không biết bây giờ mình đi tiêm vắc xin bạch hầu có được không? Đang nuôi con nhỏ mới được 2 tuần tuổi như này…”, chị Trang ngập ngừng nói.
Trước việc nên hay không nên tiêm vắc xin bạch hầu cho phụ nữ mang thai, BS Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM) đã có những chia sẻ liên quan.
Phụ nữ mang thai rất cần tiêm vắc xin bạch hầu nhưng khuyến cáo nên tiêm vào thời điểm nào?
BS Trương Hữu Khanh cho biết, phụ nữ mang thai, cho con bú đều có thể tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Vắc xin không gây ảnh hưởng gì đến thai nhi cũng như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Phụ nữ mang thai, cho con bú là nhóm người có sức đề kháng yếu, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm như bệnh bạch hầu cao. Việc tiêm phòng bạch hầu sẽ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh cho mẹ, bảo vệ sức khỏe cho em bé, bao gồm cả thai nhi lẫn trẻ sơ sinh chưa đến lịch tiêm phòng.
Một số bệnh truyền nhiễm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng trong quá trình mang thai, như sảy thai, sinh non, nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh. Lúc này, tiêm vắc xin là cách hiệu quả để phòng tránh bệnh.
Nhóm đối tượng này đảm bảo tiêm vắc xin bạch hầu góp phần tạo nên miễn dịch cộng đồng, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến cộng đồng. Phụ nữ mang thai, cho con bú rất cần tiêm vắc xin bạch hầu trong lúc này là vì thế.
Vậy, phụ nữ mang thai, cho con bú nên tiêm phòng bạch hầu vào thời điểm nào?BS Khanh cho biết, đối với phụ nữ cho con bú, bất kể là thời điểm nào bạn cũng có thể tiêm vắc xin bạch hầu. Riêng phụ nữ mang thai, chuyên gia khuyên nên tiêm vào 3 tháng cuối thai kỳ.
“Thông thường, phụ nữ mang thai sẽ được tiêm vắc-xin bạch hầu kèm những loại khác như ho gà, uốn ván… vào 3 tháng cuối thai kỳ. Chị em nên lưu ý để tránh bỏ qua mũi tiêm quan trọng”, chuyên gia nhấn mạnh.