Chuyên gia khẳng định tuân thủ 4 quy tắc này sẽ giúp bạn ổn định và phát triển tình hình tài chính của bản thân.
*Dưới đây là chia sẻ của Eric Roberge – Chuyên gia tài chính, đồng thời là nhà sáng lập dịch vụ tư vấn tài chính Beyond Your Hammock. Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, Eric Roberge luôn nhấn mạnh 4 quy tắc tiền bạc mà mọi người nên tuân theo để cải thiện tình hình tài chính. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số đó lại từ chối thực hiện 4 điều này.
Đương nhiên, tôi không thể kiểm soát cách các khách hàng của tôi thực hiện các biện pháp quản lý tài chính, dòng tiền. Tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là phân tích tình hình tài chính của họ và đưa ra lời khuyên. Việc thực hiện ra sao hoàn toàn là ở họ.
Từ kinh nghiệm tư vấn và lắng nghe phản hồi của khách hàng sau quá trình tư vấn, tôi nhận ra có 4 lời khuyên mà phần lớn mọi người đều từ chối thực hiện. Đây cũng là 4 quy tắc về tiền bạc tạo ra sự khác biệt trong tình hình tài chính của những người tôi tư vấn.
1 – Đừng cố chấp với mục tiêu mua nhà bằng mọi giá
Từ góc độ chuyên gia, cố vấn tài chính, tôi nhận thấy mua nhà dường như là quyết định/mục tiêu được đưa ra dựa theo cảm xúc. Nhiều khách hàng của tôi nói rằng họ không hài lòng với việc đi ở thuê cả đời, thế nên họ phải mua nhà bằng mọi giá, bất chấp tình hình tài chính hiện tại của bản thân có đang ổn hay không.
Tôi không khuyến khích mọi người đặt mục tiêu phải mua nhà bằng mọi giá, nhất là khi nền tảng tài chính của bạn chưa ổn định.
Dù là đi thuê nhà hay mua nhà, ngân sách an toàn và tối ưu nhất dành cho nhà ở là 20% tổng thu nhập năm. Điều này sẽ đảm bảo cho bạn khả năng duy trì sự linh hoạt và ổn định về mặt tài chính cho các mục tiêu, lĩnh vực khác trong cuộc sống.
2. Hãy cố gắng tăng tỷ lệ tiết kiệm bằng mọi cách
Là một chuyên gia, cố vấn tài chính, mục tiêu lớn nhất của tôi là giúp khách hàng của mình đạt được sự cân bằng giữa việc tận hưởng cuộc sống hiện tại và tạo dựng được sự an tâm tài chính trong tương lai.
Việc có khoản tiết kiệm và tăng tỷ lệ tiết kiệm là một yếu tố quan trọng để đạt được sự cân bằng ấy. Phần lớn các khách hàng của tôi đều có xu hướng hài lòng với thói quen tiết kiệm của bản thân. Điều này không hẳn là không tốt nhưng mặt trái của nó chính là họ cho rằng mình tiết kiệm được chừng đó là đủ rồi, và từ chối hoặc thờ ơ với lời khuyên gia tăng tỷ lệ tiết kiệm.
Khi nền kinh tế có biến động và tỷ lệ lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại, việc tăng tỷ lệ tiết kiệm là điều bắt buộc, chứ không phải thứ bạn có thể lựa chọn làm hay không làm.
3. Không ngừng duy trì quỹ dự phòng
Dù không ai muốn bản thân mình sẽ rơi vào những tình huống ngặt nghèo về sức khỏe, hoặc tài chính, nhưng nghĩ tới những trường hợp như thế vẫn là điều nên làm. Tôi luôn khuyến khích các khách hàng của mình nghĩ về kịch bản tệ nhất có thể xảy đến với họ, để từ đó vạch ra đường hướng xây dựng quỹ dự phòng – khoản tiền sẽ dùng để trang trải, hoặc giải quyết vấn đề khi kịch bản xấu xảy ra.
Phần lớn các khách hàng của tôi không từ chối xây dựng quỹ dự phòng. Tuy nhiên, họ lại lầm tưởng rằng chỉ cần có 6 tháng tiền sinh hoạt phí trong quỹ dự phòng là đủ, chẳng cần đổ thêm tiền vào khoản quỹ này nữa. Tôi cho rằng đây là lầm tưởng rất tai hại.
6 tháng tiền sinh hoạt phí là mức tối thiểu mà một người cần có trong quỹ dự phòng, hoàn toàn không phải là mức tối đa cần cần có.
4. Đừng cố gắng ‘đợi thời điểm thích hợp” để đầu tư chứng khoán
“Lúc này có phải là thời điểm thích hợp để bắt đầu đầu tư chứng khoán hay không?” là một trong những câu hỏi mà gần như tất cả các khách hàng đều dành cho tôi. Thành thật mà nói, không tồn tại khái niệm “thời điểm thích hợp” trong việc đầu tư chứng khoán.
Ngay cả những chuyên gia chứng khoán lâu năm cũng không dám đưa ra một nhận định chắc chắn 100% về diễn biến của thị trường, nên việc đợi thời điểm thích hợp để đầu tư là rất vô nghĩa, nếu xét từ góc độ chủ quan là tình hình thị trường chứng khoán.
Thời điểm thích hợp để đầu tư phải là do bạn quyết định. Yếu tố đầu tiên và cũng là quan trọng nhất mà bạn nên xem xét chính là nguồn vốn. Để an toàn, tôi khuyên bạn nên dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư,
Có 2 vấn đề mà bạn nên cân nhắc:
– Mình có thể dùng bao nhiêu % trong nguồn tiền nhàn dỗi để đầu tư?
– Trong trường hợp dùng 100% tiền nhàn rỗi để đầu tư, nếu phát sinh vấn đề cần tiền, bản thân có khả năng xoay sở hay không?
Đó mới là cách tư duy đúng để bắt đầu đầu tư.