Chuyên gia cảnh báo 3 cách làm việc phá hoại giấc ngủ: Số 1 và 3 là thói quen của nhiều dân văn phòng

Ngủ là nhu cầu cơ bản của con người. Có nhiều mối nguy sẽ đe dọa sức khỏe của bạn nếu không ngủ đủ giấc, gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức, trí nhớ và hệ tiêu hóa.

TIN MỚI

Một người trung bình sẽ dành ít nhất 20 năm cuộc đời của họ để ngủ. Tuy nhiên, đó là trong trường hợp bạn ngủ đủ giấc – điều mà nhiều người không thực hiện được.

Hiệp hội Giấc ngủ Mỹ báo cáo rằng, cứ ba người thì có một người sẽ phải vật lộn với chứng rối loạn giấc ngủ. Một đêm không ngon giấc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng theo thời gian. Thiếu ngủ có liên quan đến tăng huyết áp, bệnh tim mạch và suy giảm nhận thức, trong số các vấn đề sức khỏe khác.

Bên cạnh đó, có một thủ phạm khác đang phá hoại giấc ngủ của không ít người: Công việc. “Những gì bạn làm trong ngày, tại nơi làm việc có thể ảnh hưởng đến việc bạn ngủ ngon như thế nào vào ban đêm và cảm giác khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau”, Tiến sĩ Rachel Salas – chuyên gia y học về giấc ngủ cho biết.

Tiến sĩ Ilene Rosen – phó giáo sư y khoa tại Bệnh viện Đại học Pennsylvania, người nghiên cứu về giấc ngủ – cũng đồng tình với quan điểm trên. Tiến sĩ Rosen cho rằng giấc ngủ kém ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, khiến bạn “cáu kỉnh và kém năng suất hơn”.

Dưới đây là ba cách mà công việc đang tàn phá chất lượng giấc ngủ của chúng ta.

1. Uống caffeine vào buổi chiều

Nhiều dân văn phòng có thói quen uống cà phê (hoặc trà) vào buổi chiều muộn để tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, hành động này sẽ khiến bạn hối hận trong tương lai.

Caffeine kích thích hệ thống thần kinh trung ương của cơ thể, giữ cho bạn tỉnh táo. Những tác động như vậy có thể kéo dài trong bốn giờ hoặc lâu hơn. Đồng thời khiến bạn khó ngủ vào ban đêm.

Tiến sĩ Salas khuyên mọi người không nên tiêu thụ caffeine sau 4 giờ chiều hoặc buổi trưa (nếu bạn dễ bị khó ngủ). Bạn nên thay thế thức uống buổi chiều bằng nước có ga, nước trái cây hoặc đồ uống không chứa caffeine. Ngoài ra, bạn có thể dành vài phút đi bộ thư giãn hoặc vận động cơ thể.

Chuyên gia cảnh báo 3 cách làm việc phá hoại giấc ngủ: Số 1 và 3 là thói quen của nhiều dân văn phòng - Ảnh 1.

Ảnh: Above Average Coffee.

2. Thời gian làm việc, hoạt động không điều độ

Đôi khi, làm việc ngoài giờ là không thể tránh khỏi. Song việc lao động nhiều hơn đồng nghĩa với việc dành ít thời gian cho các hoạt động giúp bạn dễ ngủ, hoặc trì hoãn giờ đi ngủ.

Theo tiến sĩ Rosen, việc tập thể dục sát giờ đi ngủ cũng không tốt. Đó là bởi hoạt động thể chất sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể trong 1-2 giờ, ngay cả sau khi dừng tập luyện một thời gian. Đồng thời làm gián đoạn quá trình “làm mát” tự nhiên của cơ thể. Do đó, Rosen khuyên mọi người nên tránh tập thể dục trong vòng ba giờ trước khi đi ngủ.

Quy tắc tương tự cũng áp dụng cho bữa tối muộn hoặc thời gian vui vẻ ngoài giờ hành chính. Việc tiêu thụ bữa ăn quá no hoặc uống rượu trong vòng hai tiếng trước khi ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ, gây khó tiêu và trào ngược axit. Trong khi đó, rượu ngăn bạn chìm vào giấc ngủ sâu và khiến bạn cảm thấy loạng choạng vào buổi sáng.

Mặt khác, làm việc muộn có thể ảnh hưởng đến thói quen đi ngủ đúng giờ. Việc hy sinh giấc ngủ cho công việc và làm việc nhiều hơn để bù đắp cho năng suất đã mất có thể khiến bạn trở nên kiệt quệ.

Để ngủ ngon hơn vào ban đêm, bạn nên dành thời gian tập thể dục vào buổi sáng hoặc chiều, thời điểm ăn tối cách giờ đi ngủ ít nhất 2 tiếng. Tạo ra ranh giới giữa công việc và cuộc sống gia đình có thể là thử thách. Song đó là bước quan trọng để có được giấc ngủ ngon và hiệu suất công việc ổn định hơn.

Chuyên gia cảnh báo 3 cách làm việc phá hoại giấc ngủ: Số 1 và 3 là thói quen của nhiều dân văn phòng - Ảnh 2.

Ảnh: Freepik.

3. Ngủ bù vào cuối tuần

Bí quyết để có một giấc ngủ ngon không phải là bạn ngủ bao nhiêu. Đó là thời điểm trong lịch trình giấc ngủ của bạn.

Nhiều người có xu hướng ngủ bù vào ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên tiến sĩ Salas cho rằng nếu làm điều này thường xuyên, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy ngủ đủ. Đơn giản chỉ là bạn thiếu ngủ.

Việc duy trì khung giờ đi ngủ hàng ngày có thể là thách thức đối với nhiều người. Nhưng bạn càng kiên định thì chất lượng ngủ càng được nâng cao.

Bẹn nên đặt mục tiêu ngủ đủ 8 tiếng và tuân thủ nhịp sinh học của cơ thể (hình thức ngủ tự nhiên) càng chặt chẽ càng tốt. Bạn có thể tìm ra nhịp sinh học của mình bằng cách quan sát thời gian thức dậy tự nhiên của cơ thể (không dùng đến báo thức trong vài ngày).

Việc chú ý đến cách bạn ngủ giúp bạn thức dậy sảng khoái, giảm lo lắng, tăng năng suất và cải thiện sự tập trung.

Chuyên gia cảnh báo 3 cách làm việc phá hoại giấc ngủ: Số 1 và 3 là thói quen của nhiều dân văn phòng - Ảnh 3.

Ảnh: Dormeo.

Theo CNBC Make It

https://cafef.vn/chuyen-gia-canh-bao-3-cach-lam-viec-pha-hoai-giac-ngu-so-1-va-3-la-thoi-quen-cua-nhieu-dan-van-phong-20220726083234858.chn

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin