Chanh leo có thể sử dụng để làm nước giải khát tuyệt ngon trong những ngày hè nóng bức nhưng nếu sử dụng sai cách, loại trái cây này cũng có thể gây ra những nguy hại khôn lường cho sức khỏe.
Chanh leo là một loại quả vô cùng thú vị với vỏ tím, ruột vàng, khó có ai cưỡng lại được vị thơm ngon, chua ngọt rất riêng của loại quả quen thuộc này. Trong những ngày hè nắng chói chang, chanh leo càng được sử dụng nhiều hơn để làm nước giải khát, thanh nhiệt cơ thể vô cùng tuyệt vời.
Chanh leo ít calo, nhiều chất xơ nên chính là một món ăn vặt hoàn hảo cho những người đang muốn giảm cân. Ngoài ra, loại quả này còn là một nguồn vitamin C, vitamin A dồi dào, cùng các axit amin như prolin, valin, tyrosin, treonin, arginin… có tác dụng thúc đẩy hoạt động của bạch cầu, chống lại các nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn và virus, chống oxy hóa mạnh, bảo vệ hệ miễn dịch và ngăn ngừa được nhiều bệnh vặt thông thường.
Trong Đông y, chanh leo là loại quả có tính mát, vị chua ngọt. Đông y cũng tận dụng loại quả này để giải độc và bồi bổ cơ thể.
Chanh leo nói chung và nước chanh leo nói riêng rất thơm ngon và mát bổ nhưng không phải ai sử dụng cũng tốt. Theo các chuyên gia, có 5 nhóm người cần phải cẩn thận khi sử dụng chanh leo kẻo ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể.
1. Người đang đói bụng
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia) khuyên người đang đói bụng không nên uống nước chanh leo bởi loại quả này rất giàu tính axit, có thể gây ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe dạ dày.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng cho biết, thói quen ăn đồ chua, uống đồ chua khi bụng rỗng khiến dạ dày trong quá trình co bóp sẽ bị ăn mòn bởi axit, gây ra tình trạng viêm loét dạ dày, thậm chí xuất huyết dạ dày.
2. Người đang mắc bệnh dạ dày
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) khuyến cáo, bệnh nhân mắc bệnh dạ dày không được tùy tiện ăn uống những thực phẩm có tính axit.
Bệnh nhân mắc bệnh dạ dày không được tùy tiện ăn uống những thực phẩm có tính axit như chanh leo.
Trong đó, chanh leo là một trong những loại trái cây có nhiều tính axit nhất. Nếu sử dụng quá nhiều nước chanh leo một lúc có thể làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng của bệnh dạ dày như hội chứng trào ngược dạ dày, chứng ợ chua… Lương y Trung khuyên người mắc bệnh dạ dày cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống chanh leo để phù hợp tình hình sức khỏe, cơ địa của bản thân, tránh nhận về những hậu quả không mong muốn.
3. Người có cơ địa dị ứng
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, người có cơ địa dị ứng không nên dùng chanh leo bởi trong loại trái cây này có chứa các chất dễ gây ra dị ứng nổi mề đay, khó thở, phù mạch, nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng.
4. Người đang dùng thuốc an thần
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, nhóm người cần cần điều trị bệnh có sử dụng thuốc an thần thì không nên uống nước chanh leo hay sử dụng những món ăn có nguyên liệu chanh leo bởi loại trái cây này có thể làm tăng cảm giác buồn ngủ, rất nguy hiểm cho những người làm công việc yêu cầu tính chính xác cao như bác sĩ, lái xe, kĩ sư…
5. Trẻ nhỏ
Lương y Sáng khuyến cáo phụ huynh nên tránh cho trẻ nhỏ dùng chanh leo để tránh nguy cơ bị dị ứng. Với trẻ trên 2 tuổi, khi dùng chanh leo nên bỏ hạt để phòng nguy cơ bị hóc.
*Lưu ý:
Kể cả khi không thuộc nhóm người trên, khi dùng chanh leo để giải khát ngày hè bạn cũng nên sử dụng điều độ chứ không phải cứ càng uống nhiều thì càng tốt, việc lạm dụng có thể biến những thứ được coi là “tiên dược” phản tác dụng hoàn toàn.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, tốt nhất mỗi người không nên uống quá 2 cốc chanh leo mỗi ngày. Chanh leo cũng cần được pha loãng chứ không nên uống quá đặc để đảm bảo tính giải khát.