​Chọn nghề nào để khởi nghiệp?

TTO – Startup là gì? Thế nào là khởi nghiệp? Đó có phải là phong trào kinh doanh nổi lên được định nghĩa bằng thu nhập và độ bao phủ của Nguyễn Hà Đông qua Angry bird, Trần Nguyễn Lê Văn với Vexere hay Đặng Hoàng Minh sáng lập ra Foody?

Chị Đoàn Ngọc Minh Thùy (tốt nghiệp ĐH Khoa học Tự nhiên) nghiên cứu phát triển các dòng tinh dầu, xà bông từ phụ phẩm nông nghiệp (quýt, tràm, sen, bưởi) ở Đồng Tháp
Chị Đoàn Ngọc Minh Thùy (tốt nghiệp ĐH Khoa học Tự nhiên) nghiên cứu phát triển các dòng tinh dầu, xà bông từ phụ phẩm nông nghiệp (quýt, tràm, sen, bưởi) ở Đồng Tháp

Tình cờ, cả ba người trên đều từng theo học ngành công nghệ thông tin, phần mềm. Chính ý tưởng, giải pháp và tư duy phân tích đã giúp họ làm nên cơ nghiệp từ chất xám và hai bàn tay trắng.

Để giúp các bạn thí sinh có thêm hình dung về khởi nghiệp, Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, startup nhiều năm kinh nghiệm từ đó tìm ra cơ hội việc làm trong xu thế “quốc gia khởi nghiệp, thành phố khởi nghiệp”.

Không nên đi theo phong trào

Startup không có nghĩa là làm chủ theo quan niệm của nhiều người, nhưng khi dịch sang tiếng Việt là “khởi nghiệp” đã gây hiểu nhầm thành loại hình kinh doanh mà người sáng lập được làm ông chủ.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng – trưởng đại diện kiêm giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật Bản) tại Việt Nam và Thái Lan – đã chỉ ra tính chất của startup thật sự: mạo hiểm, khả năng mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh.

“Startup (tạm dịch khởi nghiệp) là mong muốn trở thành chủ doanh nghiệp nhưng phải cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mà thị trường có nhu cầu lớn. Startup có khả năng mở rộng quy mô. Nếu chỉ dừng lại quy mô vừa và nhỏ thì gọi là chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc kinh doanh cá thể” – ông Dũng giải thích.

Ông Dũng khuyên: “Chọn startup hay kinh doanh cá thể là tuỳ theo tầm nhìn, giấc mơ và khả năng thực hiện của mỗi người. Hãy sống theo ước mơ và phát huy thế mạnh của mình. Không nên đi theo phong trào. Nếu xác định sẽ khởi nghiệp, càng không nên chạy theo xu thế”.

Làm theo nhu cầu thị trường (hiểu nhu cầu và độ lớn của thị trường); hiểu mình (lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, đội ngũ nhân viên); hiểu đối thủ (đã có ai làm cùng lĩnh vực chưa, có sản phẩm thay thế không, nếu có người làm rồi mà thất bại thì vì sao…).  

Là nhà đầu tư cho một số startup như Foody, Tiki, Nhaccuatui, Vatgia, Vexere, ông Dũng cho biết thêm: “Các quỹ thật sự chỉ đầu tư vào các công ty có khả năng tăng trưởng nhanh (còn gọi là Công ty ventures – nghĩa gốc là dự án mạo hiểm).

Trong đó, lĩnh vực mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm ở VN là sử dụng công nghệ thông tin, Internet, mobile để làm nền tảng của khởi nghiệp (hay còn gọi là lĩnh vực ICTs). Ở nước ngoài, các công ty khởi nghiệp trải sang lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ sinh học và nhiều lĩnh vực công nghệ khác”.

Đổi mới sáng tạo – Innovation

Máy lọc không khí trong nhà của nhóm SV ĐH Việt Đức tham gia triển lãm khởi nghiệp, hạng mục Social Innovation Camp 2016
Máy lọc không khí trong nhà của nhóm SV ĐH Việt Đức tham gia triển lãm khởi nghiệp, hạng mục Social Innovation Camp 2016

Ở góc độ startup, anh Huỳnh Công Thắng (tốt nghiệp ngành ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) đã và đang vận hành hơn năm dự án khởi nghiệp cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết: “Mọi nghề đều có thể khởi nghiệp được. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần.

Để khởi nghiệp, người sáng lập và vận hành nhóm khởi nghiệp phải chuẩn bị nhiều yếu tố cần thiết: bản thân, nguồn lực xung quanh (nhân sự, tài chính) và quan trọng nhất là giải pháp, ý tưởng startup”.

Có thể hiểu, startup thật sự đi tìm lợi nhuận từ việc giải quyết một số vấn đề trong xã hội. Có thể kể đến các ứng dụng gọi điện, trò chuyện qua video miễn phí; ứng dụng kết nối trực tiếp tài xế ô tô, xe máy với người có nhu cầu đi lại; những kênh nghe nhạc, xem phim, chơi game miễn phí; cung cấp giải pháp, mô hình về thực phẩm sạch…

Tóm lại, là những nhu cầu của xã hội mà phương thức truyền thống chưa đáp ứng hết. Đó là mảnh đất của startup với những yếu tố đổi mới sáng tạo (innovation) thể hiện trong sản phẩm và dịch vụ.

Đang làm mentor (người hướng dẫn) tại Khu công nghệ phần mềm (ITP) thuộc ĐHQG TP.HCM, anh Thắng cho rằng lĩnh vực đang và sẽ “hot” trong thời gian tới là nông nghiệp, giáo dục và phân tích dữ liệu khách hàng.

Cụ thể, VN là nước xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng tốp đầu thế giới (như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su…) nhưng chất lượng nông sản còn hạn chế. Nếu áp dụng công nghệ, quy trình trồng trọt, bảo quản, vận chuyển tốt hơn, đa dạng hóa sản phẩm thì nông nghiệp VN sẽ thay đổi lớn, tạo ra giá trị cao hơn rất nhiều.

Ở lĩnh vực giáo dục đang nổi lên xu hướng xây dựng nền tảng, ứng dụng làm cầu nối giữa khách hàng có nhu cầu học và đối tượng có khả năng cung cấp dịch vụ dạy học, tiết kiệm chi phí, thời gian tìm kiếm.

Tương tự lĩnh vực ẩm thực, du lịch, việc làm, y tế cũng có thể phát triển hướng này. Trong tương lai, trí tuệ thông minh nhân tạo là một ẩn số mà con người đang khám phá. Một số nhóm khởi nghiệp tại TPHCM đã xây dựng cơ bản và giới thiệu sản phẩm dựa trên nền tảng này với ngôn ngữ tiếng Việt.

Ngoài ra, quảng cáo hiện tại đang thay đổi dẫn đến sự ra đời của một số startup chuyên phân tích dữ liệu khách hàng. Thông qua các ứng dụng như mạng xã hội, game, từng cú like, share của người dùng đều được ghi nhận và lưu thành hồ sơ. Dựa trên đó, hệ thống có thể dự đoán sở thích, xu hướng tiêu dùng của mỗi người để giúp các nhãn hàng tiếp cận và đạt được khách hàng một cách tập trung và hiệu quả.

Để làm được điều đó startup cần đội ngũ xây dựng dữ liệu lớn (big data) và phân tích tâm lý khách hàng. Nhận định các ngành nghề nói chung, startup nói riêng, anh Thắng cho rằng sự khác biệt tạo nên giá trị. Xu hướng trong tương lai sẽ thiên về lao động sáng tạo. “Những bạn học về công nghệ thông tin, tài chính, thiết kế, truyền thông… đều có đất sáng tạo và giải quyết một số vấn đề trong đời sống” – anh Thắng nói.

Chọn nghề không nên quá lãng mạn

Ông Nguyễn Mạnh Dũng cũng cho rằng: “Với xu thế công nghệ hoá, tự động hoá, số hoá thì những việc liên quan đến dùng nhiều sức lao động sẽ giảm dần. Với xu thế của mobile, internet, các ngân hàng sẽ dần thành ngân hàng online, lúc đó họ sẽ không cần quá nhiều nhân sự”.

Tuy nhiên, ông Dũng nhấn mạnh: “Hãy chọn nghề theo đam mê và sở thích của mình. Người yêu nghề rồi nghề sẽ yêu người. Nhưng cũng không nên quá lãng mạn mà chọn những nghề hay công việc không thực tế.

Riêng đối với các bạn sinh viên muốn theo đuổi khởi nghiệp sau này thì nên chọn lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh doanh và một số nghề chuyên môn như bác sĩ, y tá (lĩnh vực sẽ cần ở bất kỳ xã hội nào) hoặc kế toán, tài chính, online marketing đang là xu thế”.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là các kỹ sư hệ thống (system engineer) và kỹ sư phần mềm phát triển ứng dụng trên nền tảng Android, iOs, Windows đang rất nhiều.

Trong xu thế khoảng năm năm nữa, nhu cầu về kỹ sư phần mềm vẫn nhiều. Ngoài ra, nhân viên sales (trực tiếp tư vấn, thuyết phục khách hàng) và đội ngũ marketing… là những công việc mà nhiều startup đang cần và tuyển dụng quy mô lớn. Tuy nhiên, 5-10 năm nữa, mọi thứ có thể sẽ thay đổi. Dẫu vậy, các kỹ sư công nghệ thông tin cũng sẽ cần với số lượng lớn mà không sợ thất nghiệp.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin