Cả thế giới tiếc thương khi cuộc đời của một trong những chính trị gia kiệt xuất nhất trong lịch sử Nhật Bản hiện đại khép lại bằng một sự kiện thương tâm.
Ngày 8/7, thế giới rúng động trước vụ ám sát nhằm vào cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cái tên hết sức đặc biệt trong lịch sử hiện đại của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Đảm trách cương vị thủ tướng lần đầu năm 2006 rồi trở lại và nắm quyền từ năm 2012 đến 2020, ông có thời gian phục vụ nước Nhật lâu hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác.
Thủ tướng Shinzo Abe đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người dân Nhật Bản cũng như thế giới. Ông mở ra thời kỳ Nhật Bản thực hiện cải cách sâu rộng về mọi mặt, đồng thời buộc thế giới phải đánh giá lại về nền kinh tế hàng đầu châu Á sau khi áp dụng “học thuyết Abenomics”.
Trở lại nắm quyền Thủ tướng sau khi thảm họa kép động đất và sóng thần tàn phá nền kinh tế Nhật Bản, vốn cũng đã mắc kẹt trong trì trệ suốt 1-2 thập niên, ông Abe cũng chưa thể khôi phục lợi thế và sức mạnh và kinh tế của Nhật như những gì đã có trong những năm cuối thập niên 1980, những năm đầu thập niên 1990 – khi tốc độ phát triển của Nhật Bản mạnh như những gì Trung Quốc đang có ở thời điểm hiện tại.
Thế nhưng, vụ ám sát ông ở thành phố Nara hôm 8/7 chính là lời nhắc nhở rằng ông Abe vẫn cố gắng vì những gì ông tin là tốt nhất cho nước Nhật. Sau 2 lần từ chức vì căn bệnh dạ dày kinh niên, sự hiện diện của ông trong các sự kiện chính trị, dù diễn ra trên đường phố, dù chỉ có vài chục người tham dự, vẫn cũng vô cùng quan trọng với đảng Đảng Dân chủ Tự do của ông.
Cho tới giây phút cuối cùng của cuộc đời, Thủ tướng Shinzo Abe vẫn bước tiếp trên con đường, vốn đã đưa ông trở thành nhà chính trị quan trọng bậc nhất trong lịch sử Nhật Bản hậu thế chiến II.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Abe đã không thể giải quyết những bất đồng kéo dài giữa Nhật Bản với Nga và Trung Quốc. Chính bởi thế, nước Nhật tiến gần hơn tới Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương hơn bao giờ hết ngoại trừ Hàn Quốc, nơi những hận thù cũ vẫn chưa thể xóa nhòa.
Ông Abe cũng là người thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia đầu tiên của Nhật Bản và diễn giải lại gần như toàn bộ những hạn chế trong Hiến pháp hậu chiến tranh với nhiều quy định bó buộc Nhật Bản trong vai bên thua cuộc. Dưới thời ông Abe, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết bảo vệ đồng minh. Ông Abe chi cho quốc phòng số tiền nhiều hơn cái gọi là “ngưỡng khôn ngoan” mà hầu hết các chính trị gia Nhật Bản đều muốn tránh né.
Ông Abe không còn là Thủ tướng Nhật vào thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông có thể được nhìn rõ qua những động thái của Nhật Bản. Sau 10 tuần do dự, Nhật Bản tuyên bố sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu than và dầu Nga. Ông Abe thì muốn đi xa hơn, cho rằng đến lúc Nhật Bản nên thiết lập các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân với Mỹ, điều mà nhiều thập niên qua không nhà lãnh đạo nào muốn nói tới.
Khi ông Abe trở lại chiếc ghế Thủ tướng năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ ra lo lắng rằng ông ấy quá diều hâu. Tuy nhiên, theo thời gian, mối quan hệ giữa họ rất tốt. Ông Obama và Abe đã đến thăm Hiroshima để đặt vào hoa ở nơi mà Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên, một sự mạo hiểm về mặt chính trị với cả 2 người.
Khi ông Donald Trump đắc cử, ông Abe xoay trục. Không chỉ xuất hiện ở tháp Trump với cây gậy đánh golf dát vàng, ông Abe còn tới Mar-a-Lago để chúc mừng sinh nhật của Đệ nhất phu nhân Melania Trump. Đặc biệt hơn, tất cả những điều đó diễn ra khi ông Trump đe dọa rút quân đội Mỹ khỏi Nhật Bản vì Tokyo có thặng dư thương mại với Mỹ.
Ông Abe đã mỉm cười với tất cả, như thể ông ấy đang chờ một cơn bão đi qua.
Ông Abe sinh năm 1954. Mặc dù khi còn là 1 cậu bé ông từng mơ ước trở thành một nhà làm phim, con đường bước vào chính trường của ông đã được định sẵn khi sinh ra trong gia đình giàu truyền thống chính trị. Ông là con trai của cựu Ngoại trưởng Shintaro Abe, cũng là cháu ngoại của cố Thủ tướng Nobusuke Kishi. Khi đương chức Bộ trưởng Ngoại giao, cha của ông là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn ở đảng cầm quyền LDP.
Bản thân ông cũng coi việc hoàn thành những công việc dang dở của cha ông là nhiệm vụ chính trị mà mình cần theo đuổi: Khôi phục lại vị thế của Nhật Bản trên bản đồ chính trị quốc tế. Những người ủng hộ cho rằng tầm nhìn của ông chính là thứ mà nước Nhật cần đến trong thế giới đầy biến động như hiện nay.
Ông Abe theo học ngành khoa học chính trị tại ĐH Seikei ở Tokyo, sau đó có 1 năm du học tại Mỹ. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 1982, làm trợ lý cho bố sau một thời gian ngắn làm việc tại Kobe Steel. Vợ của ông, bà Akie Matsuzaki, là con gái của cựu Chủ tịch công ty Morinaga, một trong những tập đoàn thực phẩm lớn nhất Nhật Bản. Hai người kết hôn năm 1987 nhưng không có con.
Trái với xuất thân bề thế, nhiệm kỳ đầu tiên của ông chỉ kéo dài vỏn vẹn 1 năm dù có khởi đầu tràn đầy hi vọng. Thời kỳ những năm 1990 cho đến đầu những năm 2000 được người Nhật gọi là “thập kỷ mất mát” bởi nền kinh tế rơi vào trạng thái trì trệ kéo dài sau khi bong bóng chứng khoán và bất động sản vỡ tung. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản liên tục thay Thủ tướng và trung bình nhiệm kỳ của mỗi người chỉ vào khoảng 18 tháng. Vị thế của nước Nhật trên trường quốc tế cũng suy giảm nghiêm trọng.
Lên nhậm chức với vị thế là Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử, ông Abe – người không chỉ được người dân trong nước tín nhiệm mà còn rất khéo léo trong các mối quan hệ ngoại giao – thắp lên hi vọng tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết.
Năm 2007, ông Abe đột ngột từ chức vì lý do sức khỏe. Sự nghiệp chính trị tưởng chừng như chấm dứt nhưng ông đã có cú quay trở lại ngoạn mục vào năm 2012, đi kèm với lời hứa sẽ đưa nước Nhật thoát khỏi tình trạng giảm phát bằng cách nới lỏng tiền tệ và mở rộng tài khóa mạnh mẽ. “Nhật Bản đã trở lại. Nước Nhật không phải, và sẽ không bao giờ là một quốc gia hạng hai”, ông phát biểu tại Washington tháng 2/2013.
Và lần thứ 2 ngồi vào cương vị Thủ tướng, ông Abe đã liên tục được tín nhiệm qua các nhiệm kỳ, giúp ông nắm quyền liên tục từ cuối năm 2012 đến mùa hè 2020. Đây cũng là quãng thời gian mà theo các chuyên gia phân tích chính trị miêu tả là “nhiệm kỳ ngoại cỡ của một nhân vật chính trị ngoại cỡ”.
Một lần nữa ông tiếp quản nước Nhật trong muôn vàn khó khăn. Phép màu kinh tế Nhật Bản chỉ còn là câu chuyện của quá khứ, niềm lạc quan mà người tiền nhiệm Junichiro Koizumi mang đến trong đầu những năm 2000 đã không còn trong khi những tang thương sau thảm họa kép động đất sóng thần năm 2011 vẫn hằn sâu. Ông đã mang năng lượng và sự tự tin trở lại với nước Nhật.
Chính những vấn đề liên quan trực tiếp đến “cơm ăn áo mặc” hàng ngày là thứ giúp ông được công chúng kính trọng. “Abenomics” với sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ, kích cầu bằng chi tiêu công, và cải cách kinh tế đã giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng vượt trội và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Khi ông từ chức vào tháng 8/2020, chỉ số Nikkei ở mức cao gấp đôi so với thời điểm ông nhậm chức.
Khi đại dịch Covid-19 đe dọa nhấn chìm kinh tế thế giới trong đại suy thoái, nhiều nước đã học theo mô hình nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản. Nhà kinh tế học Adam Tooze nhận xét khi ông Abe từ chức năm 2020, dường như cả thế giới đã bị “Nhật Bản hóa” trên phương diện chính sách tiền tệ.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác trong chính sách đối nội của ông là “womenomics” – chính sách khuyến khích phụ nữ Nhật tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động. Ông từng phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos năm 2014 rằng Nhật Bản “phải trở thành nơi phụ nữ tỏa sáng”.
Ông hoạt động rất năng nổ và không ngại thể hiện bản thân trên mặt trận đối ngoai. Năm 2013, ông có bài phát biểu tại sàn NYSE với lời khẩn cầu “Buy my Abenomics” (tạm dịch: Hãy tin vào Abenomics và mua tài sản Nhật Bản) dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.
2 năm sau, ông đưa Nhật Bản vào hiệp định TPP, dẹp bỏ sự phản đối của ngành nông nghiệp nội địa theo cách mạnh mẽ đến nỗi những người tiền nhiệm khó có thể tưởng tượng ra.
Năm 2016, ông xuất hiện tại lễ bế mạc Olympics Rio trong bộ trang phục đóng giả làm nhân vật nổi tiếng Super Mario. Ông đích thân “nhận vai” với mong muốn thu hút sự chú ý dành cho Olympics 2020 sẽ diễn ra ở Tokyo. Tuy nhiên sau đó sự kiện đã bị hoãn tới năm 2021, khi ông đã rời ghế Thủ tướng, và còn bị phủ bóng đen bởi đại dịch Covid-19.
“Ông ấy đã tạo ra rất nhiều năng lượng tích cực sau khi nước Nhật vừa trải qua một thời kỳ khá đen tối”, Takeshi Niinami, CEO của tập đoàn đồ uống Suntory nhận xét. “Ông Abe có gây ra tranh cãi, nhưng điều đó vẫn tốt vì đó là những cuộc tranh luận lành mạnh”.
Trong những di sản của ông Abe không thể không kể đến các hiệp định thương mại và nỗ lực thúc đẩy “khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương cởi mở và tự do” trong bối cảnh toàn cầu hóa đang bị đe dọa. Tầm nhìn của ông cũng là nhân tố quan trọng đối với sự ra đời của Quad, nhóm bộ tứ gồm Nhật, Mỹ, Ấn Độ và Australia muốn kiềm chế sự bành trướng cả về quân sự và kinh tế của Trung Quốc.
Tobias Harris, người viết tiểu sử cho ông Abe năm 2020, nhận định Shinzo Abe là nhân vật độc nhất vô nhị trong chính trường Nhật Bản hiện đại. “Ông ấy nhìn thấy nước Nhật đang đi xuống và quyết tâm đảo ngược điều đó. Bằng chính sách ngoại giao của mình, ông Abe đã hoàn toàn thay đổi vị thế của Nhật Bản cũng như kỳ vọng của thế giới về những gì Nhật Bản có thể làm được”.
“Nước Nhật có thể nói không” là tựa đề của cuốn sách nổi tiếng được viết bởi chính trị gia Shintaro Ishihara , trong đó kêu gọi nước Nhật trở nên hùng mạnh để có thể trả lời “không” trước các yêu sách mà Mỹ đưa ra cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Dưới bàn tay của ông Abe, người Nhật đã có một di sản đáng tự hào hơn thế: nước Nhật có thể nói có, nước Nhật có thể làm được những điều vĩ đại khiến thế giới phải nể phục.
Theo Trí Thức Trẻ9/7/2022