Người 30 tuổi khác với người 20 tuổi ở chỗ, họ có đủ sự trầm ổn và kiên trì để vượt qua thử thách. Vậy thì tại sao không dùng thế mạnh đó để học tập và thay đổi bản thân?
Xã hội hiện đại thường có quan niệm “Chờ đến 30 tuổi mới nỗ lực phấn đấu là đã quá muộn”. Họ cho rằng người ở độ tuổi 30 đòi hỏi phải ổn định sự nghiệp và cả gia đình, nếu không đến khi quá 35 tuổi sẽ không còn kịp nữa. Người hơn 35 tuổi sẽ không còn cơ hội để thay đổi số phận.
Harland David Sanders đã xây dựng thương hiệu gà rán KFC ở độ tuổi 62. Ngày nay, KFC có hơn 18.800 cửa hàng ở 118 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Reid Hoffman thành lập mạng xã hội LinkedIn ở tuổi 35 và công ty được công bố ra công chúng vào năm ông 43 tuổi.
Leo Goodwin thành lập GEICO – hãng bảo hiểm ô tô danh tiếng thế giới ở tuổi 50.
Những nhân vật tiêu biểu trên đã chứng minh: Thay đổi không bao giờ quá muộn khi chúng ta còn hy vọng và hành động.
Một câu hỏi càng nhức nhối hơn nữa là: Hơn 30 tuổi mới chịu học hành thì liệu có kịp hay không?
Học hành là không bao giờ trễ cả. Theo đó, học hành cũng không hề bị giới hạn bởi độ tuổi. Ở mỗi giai đoạn, con người đều có những mục tiêu khác nhau. Người trẻ cắp sách đến trường để thu gom tri thức bước vào đời. Người hơn 30 tuổi bắt đầu học tập để hoàn thiện bản thân, thực hiện những nguyện vọng của riêng họ.
Học tập có thể xuất phát từ nhu cầu và cũng xuất phát từ sở thích. Học tập có thể được thông qua việc đọc sách, học tài liệu trên mạng, cũng có thể là những cuộc trò chuyện giữa người với người.
Người ở độ tuổi 30 muốn thay đổi vận mệnh bằng cách học tập thì cần phải chú ý 3 điểm sau đây:
1. Vượt qua “nỗi sợ”, thiết thực hành động
Người có giới hạn về độ tuổi không thể đột phá bản thân vì họ sợ mất mát và lo sẽ tốn công vô ích.
Muốn chuyển đổi công việc sang ngành nghề khác nhưng lại sợ công việc mới sẽ không được như xưa, mất đi sự ổn định ban đầu. Muốn làm nghề phụ nhưng lại sợ đồng nghiệp biết rồi chê cười.
Kẻ thù của ý chí đột phá bản thân chính là “suy nghĩ thì to tác nhưng hành động chẳng có bao nhiêu”, chưa kịp hành động đã bắt đầu lo xa và lo sợ thất bại.
Muốn vượt qua được sự “sợ hãi” thì hãy hình thành thói quen muốn gì thì làm đó, chứ không phải ngồi yên tự biên tự diễn những khó khăn sắp hoặc có thể xảy ra.
2. Dám bước ra khỏi vùng an toàn, tạo dựng sự tự tin
Thay đổi không thể “một bước mà có”, mà phải vượt qua nhiều gian nan thử thách, đặc biệt là đối với người muốn thay đổi số mệnh bằng con đường học tập.
Đa số tri thức cần phải trải qua quá trình tiếp thu dài lâu. Có người dừng ngay ở bước đầu tiên. Có người nản chí giữa chừng. Người có thể đi đến cuối con đường chắc chắn sẽ nhận được kết quả trân quý.
Phương pháp tốt nhất để vượt qua quá trình học tập lâu dài là thiết lập những mục tiêu nhỏ ở từng giai đoạn. Từng mục tiêu hoàn thành sẽ mang lại cho chúng ta cảm giác thỏa mãn, tự tin và thúc đẩy ý chí kiên trì.
Người 30 tuổi khác với người 20 tuổi ở chỗ, họ có đủ sự trầm ổn và kiên trì để vượt qua thử thách. Vậy thì tại sao không dùng thế mạnh đó để học tập và thay đổi bản thân?
Nên nhớ, chỉ có người dám xông pha và mạo hiểm mới có thể trở thành người đặc biệt và vượt trội hơn cả.
3. Thường xuyên đánh giá lại chính mình và không ngừng cải tiến chiến lược
Con người trong quá trình phấn đấu rất dễ nảy sinh những sự sai sót và lỗi lầm, đặc biệt là người ở độ tuổi 30, người đã nên thành gia lập thất.
Chính vì vậy, cứ qua mỗi giai đoạn nhất định, chúng ta phải nhìn lại bản thân, xem xét bản thân đã học tập và tiến bộ được bao nhiêu. Nếu như cảm thấy chính mình đang giậm chân tại chỗ hoặc thậm chí thụt lùi thì hãy thay đổi ngay phương pháp học tập để cải thiện.
Có nhìn lại, có ngẫm lại thì chúng ta mới kịp thời nhận ra những vấn đề đang tồn tại. Tìm những phương pháp phù hợp với bản thân và có tính mục tiêu rõ ràng sẽ thích hợp với người đang ở độ tuổi cần phải thay đổi số mệnh.
Cuối cùng, cho dù có thay đổi được vận mệnh hay không thì công sức học tập và đọc sách cũng không hề phí công và thừa thãi. Tích lũy tri thức càng nhiều thì tư duy và hành động cũng tự nhiên có sự chuyển biến theo.
Tuy nói 30 tuổi bắt đầu học tập để thay đổi vận mệnh vẫn còn kịp, nhưng không vì thế mà chần chừ và do dự. Muốn thay đổi thì hãy bắt đầu hành động ngay lập tức. Đời người có hạn, sức khỏe không phải bền lâu. Bắt đầu sớm chừng nào thì chúng ta sẽ có cơ hội để hưởng thụ thành quả lâu dài hơn.
(Nguồn: Zhihu)