Chuyện tiền bạc trong gia đình có nhiều yếu tố nhạy cảm, nếu vợ chồng trẻ không xử lý tốt rất dễ dẫn đến mâu thuẫn không đáng có.
Muốn ly hôn vì chồng kiếm được ít tiền hơn vợ
Đây là một chủ đề nhận được nhiều thảo luận trên nền tảng Zhihu của Trung Quốc. Ngay dưới bài đăng, đã có nhiều người bình luận sôi nổi về chủ đề này. Trong số đó, một tài khoản tên Vương Tiểu Mao đã mở đầu câu chuyện của cô với dòng trạng thái: “Chồng kiếm được ít tiền hơn và tôi hơi chán ghét anh ấy, tôi phải làm sao?”
Vương Tiểu Mao cho hay: “Thu nhập của tôi luôn cao hơn chồng từ thời điểm mới hẹn hò. Và cho đến gần đây, tiền lương của tôi đã cao gấp 2 lần chồng.
Ban đầu tôi không nghĩ đó là vấn đề lớn. Sau khi có con, chi tiêu trong gia đình đột ngột tăng lên. Tôi nhận ra tầm quan trọng của tiền bạc và điều này buộc tôi phải bắt đầu chú ý đến vấn đề thu nhập của gia đình.
Theo thời gian, do sự nghiệp của chồng và tính cách không chịu được vất vả của anh nên khoảng cách thu nhập giữa chúng tôi ngày càng rộng. Tuy nhiên các khoản chi tiêu trong gia vẫn tăng dần và giờ đây, chúng đã phụ thuộc phần lớn vào tiền lương của tôi. Tôi cảm thấy mệt mỏi và không muốn cuộc sống tiếp tục như vậy.
Chồng tôi cũng biết tâm tư của vợ. Do đó, anh ấy chủ động làm việc nhà, chăm sóc con cái. Tuy nhiên, anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện học hành để nâng cao kiến thức hay tìm kiếm cơ hội thăng tiến. Anh ấy rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Anh chưa 35 tuổi nhưng tính cách vô cùng hiền lành và không muốn tranh đấu tại công ty. Nếu công ty đang làm có vấn đề và anh ấy bị sa thải, chồng tôi thực sự sẽ không có nhiều lợi thế trên thị trường lao động.
Năm tới, con tôi sẽ đi học lớp 1, bắt đầu cần theo các lớp bồi dưỡng đặc biệt. Điều này cũng kéo theo chi phí sinh hoạt trong gia đình tăng lên. Hiện tại tôi thực sự rất lo lắng và căng thẳng. Khi tâm trạng tồi tệ, tôi sẽ thấy hối hận vì đã cưới anh ấy. Trước đây, tôi có nhiều người theo đuổi nhưng tôi đã chọn người có điều kiện kinh tế tệ nhất. Cuộc khủng hoảng tuổi 30 sắp bắt đầu và tôi cần một người hướng dẫn”.
Lời chia sẻ của Vương Tiểu Mao đã khiến dân mạng đưa ra nhiều bình luận khác nhau. Quả thật, tài chính luôn là chuyện lớn và có thể ảnh hưởng đến hôn nhân bất cứ lúc nào, nhất là khi vợ chồng có sự chênh lệch rõ rệt.
Làm sao để vợ chồng giải quyết mâu thuẫn?
Rõ ràng câu chuyện “đàn ông kiếm ít tiền hơn vợ” không mới nhưng vẫn ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhiều gia đình. Bởi tiền bạc không phải là chỉ số duy nhất để đánh giá một người, nhưng là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng sống của hôn nhân.
Hiểu được vấn đề nằm ở đâu, điều đầu tiên họ cần làm là ngồi xuống giải quyết.
1. Phân chia rõ ràng các khoản chi
Trước tiên, cặp đôi nên có sự trao đổi lại về các khoản chi phí trong nhà, từ đó phân công lại nhiệm vụ mà cá nhân cần gánh vác bằng thu nhập. Trong hôn nhân, dù tài chính cá nhân vững vàng thì cũng không nên ôm đồm hết vào một người. Vì như thế sẽ khiến đối phương (vợ/chồng) gặp áp lực kinh tế, trong khi người còn lại thấy không được tôn trọng và có giá trị trong mối quan hệ đó. Bên cạnh đó, việc cùng nhau vạch lại rõ ràng các mục tiêu tài chính trong tương lai cũng sẽ tạo động lực để cả hai cùng phấn đấu gia tăng thu nhập.
2. Hiểu rằng mỗi thành viên đều có vai trò riêng
Giống như trong một tổ chức, các thành viên của gia đình cũng có những nhiệm vụ riêng. Nếu một công ty chỉ dựa vào bộ phận R&D và bán hàng để đạt tăng trưởng doanh thu thì sẽ không vững bền nếu thiếu bộ phận quản trị nhân sự. Tương tự như vậy, gia đình muốn hoà thuận thì cần người dành nhiều công sức cho việc nội trợ.
Bên cạnh đó, người vợ cần xác định rằng công việc nhà cửa và chăm sóc con cái không hề dễ dàng. Từ quan điểm này, cô nên có cái nhìn tôn trọng chồng vì anh đã chấp nhận hy sinh sự nghiệp. Thay vào đó, cô nên tự hỏi mình, liệu cô có sẵn sàng dừng sự nghiệp và đứng ở phía sau chăm sóc con cái như chồng hay không?
3. Trao đổi thẳng thắn với nhau
Giải pháp trong mọi tình huống khi đôi bên cảm thấy chênh lệch thu nhập là cần đối thoại nhiều hơn. Người vợ nên hiểu hơn về sự tôn trọng, trong khi chồng cần rõ ràng về trách nhiệm và gánh nặng tài chính đôi bên cùng gặp phải. Nếu không thấy hợp lý trong quan điểm thì cùng bàn bạc và lắng nghe ý kiến của đối phương. Đó mới là điều nên làm trong bất cứ mối quan hệ.