Ngoài các vụ khởi tố hình sự, những hành động quyết liệt nhằm minh bạch thị trường đã được ghi nhận với các mức xử phạt vi phạm hành chính nặng lên tới hàng tỷ đồng và đình chỉ giao dịch nhiều tháng.
Chiều ngày 23/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã nhận được thông báo từ Cơ quan an ninh điều tra – Công an Thành phố Hà Nội về Quyết định khởi tố vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương (APS), Công ty cổ phần Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (API) và Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).
Mặc dù sau đó, cả ba công ty trên đều lên tiếng khẳng định mình không phải chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc và sự việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng dài hạn cũng như hoạt động bình thường của công ty. Tuy nhiên các cổ phiếu APS, API và IDJ đều bị bán sàn ngay phiên đầu tuần, dư bán hàng chục triệu đơn vị nhưng không có lệnh mua.
Những vụ khởi tố hình sự trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thậm chí có mức phạt tù chung thân
Nhìn lại quá khứ, những vụ việc khởi tố hình sự trên thị trường chứng khoán luôn thu hút sự chú ý của toàn bộ giới đầu tư. Đặc biệt vài năm gần đây, thị trường chứng khoán chưa bao giờ chứng kiến dòng tiền ồ ạt chảy vào lớn như vậy, tuy nhiên một số cá nhân và tổ chức đã lợi dụng “cơ hội” này để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Rúng động nhất có lẽ là vụ bán chui cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC bị phanh phui trong tháng 1/2022. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngay lập tức đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng. HoSE sau đó cũng huỷ giao dịch bán “chui” gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết và những cổ đông đã mua cổ phiếu đối ứng lệnh bán của Chủ tịch Quyết được nhận lại tiền.
Tới tháng 3/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết và nhiều đồng phạm khác về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Kết quả điều tra ban đầu đã xác định nhóm Trịnh Văn Quyết trong năm 2019 đã thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán thuộc nhóm FLC và thu lợi bất chính, theo dự tính ban đầu là 975 tỷ đồng.
Lãnh đạo bị bắt, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hệ sinh thái FLC cũng dần hé lộ không mấy tích cực với những khoản lỗ đậm. Trên sàn, các cổ phiếu “họ FLC” bị bán không thương tiếc khiến thị giá cắm đầu giảm sâu hàng chục phần trăm, sau đó lần lượt bị “tuýt còi” do các vi phạm nghiêm trọng trong công bố thông tin. Hiện các mã FLC, ROS, HAI đã bị hủy niêm yết và chuyển xuống giao dịch trên UPCoM nhưng lập tức bị đình chỉ giao dịch; KLF, AMD, GAB, ART cũng đều đang bị đình chỉ giao dịch.
Vài tháng sau, tâm điểm chú ý được dồn về nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Louis và nhóm Trí Việ t sau thông tin các lãnh đạo bị bắt vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Kết quả điều tra xác định, trong vòng 10 tháng của năm 2021, Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Louis Holdings và Đỗ Đức Nam – Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt đã sử dụng nhóm các tài khoản chứng khoán thực hiện các giao dịch nhằm tạo cung cầu giả tạo với số lượng lớn để “thổi giá” cố phiếu BII, TGG lên cao gấp nhiều lần. Tổng số tiền nhóm ông Đỗ Thành Nhân thu lợi bất chính từ hành vi thao túng chứng khoán, “thổi giá” là trên 154 tỷ đồng.
Tại phiên tòa xét xử tháng 5/2023, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đỗ Thành Nhân mức án 5 năm 6 tháng tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Cùng tội nêu trên, bị cáo Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt lĩnh mức án 4 năm tù giam; Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Trí Việt lĩnh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, một số bị cáo khác bị phạt các mức án thấp nhất 6 tháng tù, cao nhất 15 tháng tù.
Về dân sự, bị cáo Đỗ Thành Nhân phải nộp 140 tỷ đồng để khắc phục hậu quả trong vụ án, Công ty Trí Việt phải nộp hơn 14 tỷ đồng.
Ngay hồi đầu năm 2022 cũng diễn ra việc khởi tố, bắt giam Nguyễn Văn Nam, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần ASA về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Văn Nam đã có hành vi tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu Công ty cổ phần liên danh SANA WMT (nay là Công ty cổ phần ASA, mã ASA).
Căn cứ kết quả điều tra xác định, Nguyễn Văn Nam đã có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 70 tỷ đồng, niêm yết bổ sung 7 triệu cổ phiếu ASA tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội để bán và thu tiền bất chính.
Trước đó, hồi tháng 5/2020, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử Phạm Thị Hinh – cựu chủ tịch HĐQT CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (Mã CK: KSA) cùng các đồng phạm về tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Về hành vi, Phạm Thị Hinh đã chỉ đạo lập 69 tài khoản và sử dụng những tài khoản trên để liên tục thực hiện mua, bán KSA, tạo cùng cầu giả trên thị trường nhằm thu hút nhà đầu tư. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư với số tiền hơn 8,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các CTCK như Mirae Asset, Phú Hưng, Dầu khí cũng bị thiệt hại 761 triệu đồng tiền cho vay margin.
Hội đồng xét xử xác định Phạm Thị Hinh đóng vai trò chủ mưu hành vi phạm tội và bị tuyên phạt 18 tháng tù cũng như phải bồi thường số tiền đã gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Các bị cáo khác đóng vai trò đồng phạm trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội và bị phạt 15 tháng tù treo.
Đặc biệt, trong lịch sử hơn 21 năm hoạt động, mức phạt nặng nhất về xử lý hình sự trên thị trường chứng khoán cho đến thời điểm hiện tại liên quan tới công ty MTM khi nguyên Chủ tịch Trần Hữu Tiệp bị xử tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. HĐXX đã xác định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến lĩnh vực chứng khoán. Ngoài ra, các bị cáo khác tham gia thao túng chứng khoán trong vụ này cũng bị xử 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, tội giả tài liệu 4 năm tù.
Nhiều quyết định xử phạt mạnh tay từ UBCKNN đối với những vi phạm
Ngoài các vụ khởi tố hình sự, UBCKNN thời gian qua cho thấy những hành động quyết liệt nhằm minh bạch thị trường với các mức xử phạt vi phạm hành chính nặng đối với nhiều tổ chức và cá nhân có hành vi trái với quy định. Cụ thể như ông Đoàn Bá Hồng bị phạt tiền 550 triệu đồng do đã có hành vi giao dịch thao túng thị trường chứng khoán khi sử dụng 24 tài khoản để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu Công ty cổ phần Xây dựng 1369 (mã chứng khoán: C69).
Hay bà Lê Thị Hải Bình bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng do có hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán khi sử dụng 46 tài khoản để liên tục mua, bán cổ phiếu Công ty cổ phần Chứng khoán APG (mã chứng khoán: APG) nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá. Đồng thời, cá nhân này bị cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 02 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn 02 năm.
Hồi tháng 9/2021, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương vì đã sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân , tổng số tiền phạt lên tới là 1,2 tỷ đồng.
Đáng nói, FTM là một trong những thương vụ “rúng động” thị trường chứng khoán Việt Nam hồi năm 2019 với chuỗi hàng chục phiên giảm sàn liên tiếp, thị giá lao dốc từ mức gần 24.000 đồng xuống còn khoảng 3.000 đồng/cp. Khi đó, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã cấp margin cho cổ phiếu FTM và chịu thiệt hại lên đến gần 200 tỷ đồng, trong đó có công ty mất khoảng 80 tỷ đồng.
Kể cả lãnh đạo các doanh nghiệp và người thân cũng bị tuýt còi vì vi phạm. Ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Hà (mã chứng khoán: HHG) đã có hành vi giao dịch ngoài khoảng thời gian Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam công bố thông tin, dẫn tới bị phạt tiền 165 triệu đồng cộng thêm đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 2 tháng. Tương tự, vợ và em trai Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest (HPX) Đỗ Quý Hải bị xử phạt tổng cộng hơn 700 triệu đồng và bị đình chỉ giao dịch trong thời gian 4 tháng do bán “chui” cổ phiếu HPX.
Quyết tâm xây dựng thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch
Những vụ việc mà cơ quan chức năng đã xử lý trong thời gian qua thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ và các ban ngành trong việc lành mạnh hóa thị trường. Việc xử lý tạo tính răn đe, nghiêm minh, điều này cũng một phần cho thấy công tác quản lý, giám sát đã giúp thị trường ổn định, minh bạch, công bằng hơn. Thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu phát triển bền vững hơn với những quy định kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa tình trạng làm giá, thao túng cổ phiếu.
Điều này sẽ giúp chứng khoán lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư, thu hút dòng tiền dồi dào từ cư dân. Không chỉ vậy, thị trường trong sạch cũng là nền tảng để giúp Việt Nam ngày càng tiến gần hơn tới nâng hạng thị trường, qua đó tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại
Trong một chia sẻ, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN cho biết Ủy ban đang tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế cũng như chủ động đề xuất Bộ Tài chính trao đổi với các bộ, ngành liên quan về việc sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi theo kế hoạch đã đặt ra. Đồng thời, UBCKNN và các cơ quan quản lý tiếp tục tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách phát triển thị trường; sửa đổi, bổ sung quy định kịp thời để bảo đảm phù hợp với thực tế hiện nay và trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, công tác quản lý, giám sát, đảm bảo tính công bằng trên thị trường chứng khoán là tiêu chí xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường. Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán khẳng định: ” Sẽ sửa đổi quy định pháp lý liên quan quản lý giám sát, phù hợp bối cảnh mới. Đặc biệt sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện giám sát tự động bằng AI, tăng cường khả năng giám sát của cơ quan quản lý, sở giao dịch, các tuyến từ Công ty chứng khoán, sở đến ủy ban, nhiều tầng giám sát đảm bảo thị trường minh bạch hơn”.