Mặc dù thị trường bất động sản đang chững lại, song giá rao bán nhà phố tại một số tuyến phố Hà Nội vẫn tăng mạnh trong thời gian qua. Nguyên nhân do dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu thuê kinh doanh và giá tăng cao khiến các chủ nhà kỳ vọng quá lớn.
Giá nhà phố bất ngờ tăng mạnh
Thị trường bất động sản đã rơi vào trầm lắng từ quý II/2022, theo đó thanh khoản và giá bán tại nhiều khu vực đến nay vẫn có xu hướng giảm mạnh. Song, bất ngờ khi giá bán của phân khúc nhà phố tại Hà Nội dù trước đó đã cao nhưng vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2021, giá nhà tại mặt đường Cầu Giấy dao động khoảng 350 – 370 triệu đồng/m2. Song, đến nay giá rao bán các căn nhà tại mặt đường này đã lên tới 550 – 580 triệu đồng/m2, tăng khoảng hơn 50% chỉ sau hơn 1 năm.
Cách đó không xa, nhiều căn nhà tại mặt đường Xuân Thủy đang được rao bán với mức giá từ 400 – 450 triệu đồng/m2, trong khi cuối năm 2021 giá bán quanh mức từ 280 – 300 triệu đồng/m2. Tại phố Trung Kính, đa phần giá rao bán đang dao động từ 450 – 500 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 1 năm giá từ 300 – 350 triệu đồng/m2.
Tại đường Hồ Tùng Mậu, ghi nhận của chúng tôi vào cuối năm 2021, giá rao bán dao động từ 180 – 200 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 300 – 400 triệu đồng/m2, thậm chí nếu nhà nằm ở vị trí lô góc có thể trên 500 triệu đồng. Đơn cử, một tòa nhà 6 tầng mới xây dựng có diện tích 106m2 tại tuyến đường này đang được rao bán với mức giá 60 tỷ đồng, tương đương 566 triệu đồng/m2.
Tại quận Hà Đông, giá bán nhà ở mặt đường Trần Phú hiện nay dao động quanh mức 300 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 1 năm giá rao bán từ 200 – 220 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Tại đường Quang Trung giá nhà phố đa phần dao động từ 250 – 280 triệu đồng/m2. Còn những căn nằm ở vị trí lô góc mức giá đã trên 300 triệu đồng/m2. Đơn cử, một căn nhà ở vị trí lô góc có diện tích 45m2, nằm ở mặt đường Quang Trung đang được rao bán với giá 15 tỷ đồng, tương đương 333 triệu đồng/m2.
Thực tế, thời điểm cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, giá nhà phố tại Hà Nội có tình trạng chững lại. Bởi, khi đó dịch bệnh Covid – 19 vẫn đang diễn ra, do đó tình hình cho thuê kinh doanh bị ảnh hưởng nên nhiều chủ nhà đã hạ giá bán. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh doanh, buôn bán sôi nổi trở lại, kéo theo giá cho thuê tăng lên đã khiến mức giá rao bán tiếp tục tăng.
Giá giao dịch thực sẽ thấp hơn so với giá rao bán
Anh Nguyễn Khắc Tú, Giám đốc phòng giao dịch bất động sản Đất Việt (Hà Nội) cho biết, khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhiều chủ nhà rao bán nhà phố khiến mức giá chững lại, thậm chí đi xuống. Tuy nhiên, đến nay dịch bệnh đã kiểm soát, tình hình cho thuê đi vào ổn định hơn, cùng đó là giá thuê tăng cao kéo theo giá rao bán tăng lên khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2021.
“Một nhà phố ngoài tiền đất còn bao gồm cả tiền xây dựng nhà. Do đó, mức giá còn phụ thuộc vào nhà được xây dựng như nào. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 năm trở lại đây giá nhà phố tại Hà Nội liên tục tăng cao. Do một số chủ nhà thấy tình hình cho thuê đã tốt trở lại. Cùng đó, họ vịn vào cớ nguồn cung chỉ có hạn”, anh Tú nói.
Anh Tú cho rằng, mặc dù giá tăng nhưng không phải khu vực nào cũng có thanh khoản tốt. Bởi, các căn nhà phố đều có giá trị vài chục tỷ đồng trở lên, do vậy người mua hầu hết đều sử dụng đòn bẩy tài chính. Sau đó, dùng tiền cho thuê để bù vào tiền trả ngân hàng.
“Lãi suất ngân hàng hiện nay vẫn neo khá cao, do đó người mua sẽ không xuống tiền lúc này. Theo đó, giao dịch thành công của phân khúc này hiện nay hiếm”, anh Tú nói.
Anh Thanh Tùng, lãnh đạo phòng giao dịch bất động sản Thuận Phát cũng thừa nhận, hiện nay thanh khoản của phân khúc nhà phố tại Hà Nội rất thấp. Giá bán tăng trong thời gian qua do kỳ vọng của chủ nhà quá lớn.
“Hiện nay một số chủ nhà kỳ vọng quá lớn nên giá phải cao họ mới đồng ý bán. Tuy nhiên, thanh khoản chung của thị trường không còn sôi động như trước, do đó với những chủ nhà cần bán thật thì giá giao dịch sẽ thấp hơn giá rao bán nhiều”, anh Tùng nói.