Trở thành day-trader là ước mơ của không ít người, với hy vọng sẽ kiếm được bộn tiền dù chỉ dành vài tiếng đồng hồ mỗi ngày để giao dịch. Tuy nhiên, giữa thực tế và mơ ước luôn có một khoảng cách rất lớn.
Ai cũng muốn trở thành day-trader. Tôi cũng từng có khoảng thời gian vui vẻ với công việc này.
Bạn khởi động khi đồng hồ điểm 9h25, sau đó bắt đầu giao dịch theo kiểu “tổ tiên mách bảo” vào 9h30. Đến 9h45, việc giao dịch hoàn tất, bạn có lãi và kết thúc một ngày làm việc của mình, có thêm 5.800 USD và cảm thấy hạnh phúc về điều đó.
Đôi khi, bạn thậm chí còn được nghe kể về những câu chuyện “đổi đời”: “Tôi dùng 3.000 USD trong thẻ tín dụng để đầu tư và kiếm được 25 triệu USD chỉ 18 tháng sau đó!”.
Năm 2001, vào ngày đầu tiên khi quyết định sẽ trở thành một day-trader toàn thời gian, tôi đã háo hức tới mức không ngủ được cả đêm. Tôi mơ mộng về số tiền không tưởng mà mình sẽ kiếm được.
Thế nhưng, hóa ra tôi chỉ đang tự “lừa mình dối người”.
Đến thời điểm hiện tại, tôi thỉnh thoảng vẫn thực hiện giao dịch trong ngày, hoặc giao dịch trong ngày cho các khách hàng khác, các quỹ phòng hộ hoặc các tổ chức tự doanh.
Ngay trước khi tôi bắt đầu công việc của một day-trader, một lão làng với hơn 40 năm kinh nghiệm đã khuyên tôi: “Đừng có làm thế. Cậu muốn dính dáng tới đó làm gì?”. Tuy nhiên, tôi không nghe theo mà tiếp tục dấn thân vào con đường này.
Tôi sẽ kể cho bạn nghe những lý do không nên trở thành day-trader.
Nguy cơ tự tử
Đến một thời điểm nào đó, bạn sẽ muốn kết liễu cuộc sống này. Kể cả mất sạch tiền cũng sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ trong vòng 2-3 tuần.
Thế nhưng, nếu vì một lý do gì đó mà bạn mua vào khi nhẽ ra phải bán đi, bạn sẽ cảm thấy hối tiếc và tự trách bản thân mình. Đầu óc quay cuồng, tâm trạng tiêu cực, bạn sẽ chỉ muốn xả hết mọi nỗi lòng, được giải thoát khỏi cảm giác kinh khủng đó sau mỗi cú sảy chân.
Suốt chục năm qua, tôi đã phải an ủi và động viên rất nhiều người chơi, cũng như được người khác làm điều tương tự. Đó chẳng phải là cảm giác dễ chịu gì, vậy tại sao bạn lại muốn rước nó vào thân?
Ăn uống quá độ
Bạn vừa thực hiện một giao dịch và kết quả không được tốt cho lắm. Bạn càng giao dịch, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn. Giờ đây, bạn nhìn chăm chăm vào màn hình và cảm thấy tồi tệ hơn bao giờ hết.
Đây là lúc mà cơ thể chúng ta sẽ phản ứng. Cơ thể là một thứ có tư duy ngắn hạn. Nó sẽ nói với chúng ta: “Bạn vừa làm một chuyện khiến tôi buồn nên tôi cần một chiếc bánh donut. Chiếc bánh này sẽ bù đắp lại cảm giác tồi tệ trong lòng bạn, vì vậy đừng chần chừ nữa”.
Và thế là bạn bắt đầu ăn để khỏa lấp nỗi bực bội trong lòng mình. Giao dịch càng không như ý muốn, bạn càng ăn nhiều thêm, có thể tới mức không có điểm dừng.
Suy giảm thị lực
Hãy hình dung trước mặt bạn có 2 màn hình với hàng ngàn con số khác nhau, tất cả đều nhấp nháy chuyển từ xanh sang đỏ, rồi từ đỏ sang xanh. Bạn sẽ nhìn chằm chằm vào những con số này trong hàng nghìn tiếng đồng hồ, suốt nhiều năm liên tiếp.
Sau nhiều năm làm day-trader, tôi không còn đọc được sách ở cự ly gần nữa. Những con chữ như tan vào nhau, khiến cuốn sách chẳng khác gì một chiếc kính vạn hoa. Tôi thậm chí phải bỏ kính ra mới có thể đọc được.
Đời sống xã hội bị ảnh hưởng
Nếu chẳng may khiến khách hàng lỗ 500.000 USD chỉ trong một ngày, bạn sẽ chẳng còn tâm trạng nào mà đi chơi với bạn bè vào tối đó.
Có người từng khuyên tôi: “Ngồi chơi với con cũng được. Con cái sẽ luôn làm bạn hạnh phúc”. Tuy nhiên, tôi không nghĩ mình muốn nghe một đứa trẻ 4 tuổi nói luyên thuyên bên tai trong lúc sắp mất sạch tiền.
Đây là cái nghề cô đơn, đòi hỏi bạn phải dành hàng giờ đồng hồ một mình bên máy tính. Chưa kể, nhìn cảnh giá chạy ngược hay thấy tiền mình lỗ trong một thời gian dài có thể xói mòn tâm lý của ngay cả những người vững vàng nhất.
Nguy cơ cao huyết áp
Khi giao dịch diễn ra không như ý, tôi sẽ ngồi đó, cảm thấy máu dồn lên não và toàn thân nóng bừng. Thậm chí, tôi có thể nghe thấy tiếng tim mình đập thình thịch.
Đây chắc chắn không phải là một dấu hiệu tốt. Nếu bạn cảm nhận từng nhịp đập trong cơ thể mình, có lẽ sức khỏe của bạn đã bị ảnh hưởng ít nhiều.
Từ lâu, stress đã được biết tới là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như huyết áp cao, đau dạ dày, bệnh tim mạch,… Trở thành day-trader, bạn sẽ phải chịu nhiều áp lực từ các biến động thị trường, vì vậy mà sức khỏe cũng dễ bị giảm sút.
Không làm được gì có ích
Điều tôi hối tiếc nhất trong cuộc đời này là dành hàng giờ đồng hồ để ngồi canh giao dịch thay vì kinh doanh một thứ gì đó có ích cho cuộc đời này, chẳng hạn như mở một cửa hàng bánh.
Tôi chẳng biết mình đang giúp ai khi lấy hàng nghìn USD từ thị trường mỗi ngày. Chưa kể, tôi cảm thấy mình như một kẻ móc túi người khác, một kẻ bất hạnh luôn cảm thấy tồi tệ và ăn uống quá độ sau những lần giao dịch thất bại.
Khó mở rộng kiến thức
Khi phải ngồi một chỗ và giao dịch mỗi ngày, bạn sẽ không có thời gian để giao lưu với bạn bè hay thiết lập mối quan hệ với những người thuộc các ngành nghề khác. Sẽ rất khó để bạn học hỏi thêm tri thức mới mẻ về thế giới bên ngoài hoặc các ngành kinh doanh khác.
Đối với tôi, giao dịch trong ngày không thực sự là một nghề nghiệp. Cứ mỗi giây bạn ngồi đó và canh giao dịch, bạn sẽ càng tách biệt bản thân khỏi bất cứ khái niệm nào về nghề nghiệp. Bạn sẽ dần trở thành “tù nhân” của chính mình, thay vì một thành viên tích cực trong xã hội hay một người cha tâm lý mà con cái bạn có thể tự hào.
Lý do cuối cùng: Vì đó là việc bất khả thi
Tôi có quen một số day-trader rất giỏi, họ có thể kiếm được kha khá tiền từ nghề này trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đó cũng là một việc rất khó khăn và phải mất nhiều năm để chuẩn bị tâm lý. Ngay cả những day-trader giỏi mà tôi biết cũng từng trải qua tất cả những cảm giác tiêu cực phía trên.
Để theo đuổi nghề này lâu dài, bạn phải học cách khiêm tốn, bớt ảo tưởng hay khoa trương khi đánh giá thị trường, vượt qua thất bại nhanh chóng và không được nản lòng. Tôi tự thấy bản thân mình không có bất cứ phẩm chất nào ở trên về lâu dài, và phần đông các bạn cũng thế.
Bài chia sẻ của James Altucher – một triệu phú, doanh nhân, quản lý quỹ phòng hộ người Mỹ. Ông cũng là người sáng lập của hơn 20 công ty, tác giả của 20 cuốn sách về tài chính, từng cộng tác viết bài cho nhiều tờ báo như The Financial Times, The Wall Street Journal, The Huffington Post,…
(Theo BI)