Tự ý khoan giếng mà không xin phép cơ quan chứng năng, người đàn ông Trung Quốc phải nhận hình phạt thích đáng.
Theo một bài viết đăng trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên nước tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, vào tháng 10 năm 2021, người đàn ông họ Tôn – chủ 1 tiệm rửa xe ở đường Thị Đông, quận Thất Tinh Quan, thành phố Tất Tiết, đã bị chi cục Thủy lợi quận Thất Tinh Quan phát hiện sai phạm trong việc sử dụng tài nguyên nước.
Theo đó, trong quá trình kiểm tra, Chi cục Thủy Lợi quận này phát hiện gia đình anh Tôn đã tiến hành khoan giếng trong vườn nhà để lấy nước rửa xe. Tuy nhiên, hành vi khoan giếng để phục vụ mục đích kinh doanh của người đàn ông này vi phạm pháp luật vì chưa được cơ quan chức năng phê duyệt.
Anh Tôn cho biết vì gia đình anh mở tiệm rửa xe nên mỗi ngày cần dùng rất nhiều nước. Để không ảnh hưởng đến lượng nước sinh hoạt của gia đình, anh đã nảy ra sáng kiến khoan giếng ngay trong vườn nhà để chủ động về nguồn nước. Vì hầu như gia đình nào trong vùng cũng có một cái giếng khoan nên anh Tôn không biết việc này cũng cần phải xin phép chính quyền. Cuối cùng, gia đình anh phải nộp phạt 20.000 NDT (hơn 66 triệu đồng) cho hành vi sai phạm của mình.
Theo Luật quản lý tài nguyên nước quốc gia của Trung Quốc, việc khoan giếng có tác động đến nguồn nước ngầm – tài nguyên quốc gia. Bất kỳ đơn vị, cá nhân nào, trừ trường hợp nông nghiệp ứng phó khẩn cấp với hạn hán, bảo tồn giống cây trồng, đều phải xin phép cơ quan quản lý có liên quan, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nước ngầm, nộp phí quản lý tài nguyên nước.
Việc người dân khoan giếng để bơm nước ngầm không phải là vi phạm pháp luật Trung Quốc. Tuy nhiên xét về mặt quản lý tài nguyên nước thì phải xin giấy phép sử dụng nước ngầm miễn phí để thuận tiện cho công tác quản lý nước ngầm. Hơn nữa, việc khoan giếng, sử dụng nguồn nước ngầm mà không nghiên cứu kỹ, tự ý thực hiện không chỉ tác động đến lượng nước ngầm mà còn có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái thực vật xung quanh. Do đó, cần phải có kế hoạch và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho phép thực hiện.
Bất cứ ai vi phạm các quy định của Luật Tài nguyên khoáng sản và khai thác tài nguyên Trung Quốc mà không có giấy phép khai thác, từ chối ngừng khai thác sau khi được lệnh ngừng khai thác và gây thiệt hại cho tài nguyên khoáng sản trị giá hơn 50.000 NDT đến 100.000 NDT (khoảng 164 triệu – 329 triệu đồng), sẽ bị khởi tố.
Những người khai thác, sử dụng nước ngầm mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận sẽ bị cơ quan liên quan hoặc cơ quan quản lý khu vực yêu cầu chấm dứt hành vi bất hợp pháp, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn và phạt tiền từ 20.000 – 100.000 NDT (khoảng 66 triệu – 329 triệu đồng).
Theo 163.com, những trường hợp sai phạm như trường hợp của anh Tôn vẫn thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc. Có người khoan giếng để phục vụ công tác tưới tiêu, cũng có người khoan giếng để kinh doanh.
Theo tờ South China Morning Post, năm 2005, chủ một khu biệt thự sang trọng trên đường Trùng Khánh, thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã khoan giếng lấy nước ngầm để duy trì bể bơi riêng và bị hàng xóm tố cáo. Cơ quan chức năng liên quan cuối cùng đã điều tra, xử phạt và tiến hành “niêm phong” giếng. Theo đó, nếu vụ việc này không kịp thời được phát hiện và xử lý, có thể sẽ dẫn đến việc nền móng các ngôi nhà xung quanh khu biệt thự này bị lún, gây hậu quả nghiêm trọng.
Có thể thấy, việc tự ý khai thác nguồn nước ngầm có thể kéo theo rất nhiều rủi ro. Hành vi này không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống, môi trường sinh thái mà còn làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, người dân nên nâng cao nhận thức về vấn đề này để tránh những sai phạm không đáng, đồng thời cũng là góp sức giúp bảo vệ môi trường sống xung quanh. Những trường hợp khai thác vì lợi ích cá nhân hay vi phạm quy định của pháp luật cần phải được xử phạt nghiêm minh, tránh những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.
(Theo 163.com)