Rửa bát sai cách không chỉ khiến công việc thường ngày trở nên mệt mỏi hơn, mà còn làm lượng vi khuẩn tăng lên gấp 70.000 lần, sinh ra độc tố gây hại trực tiếp cho dạ dày của bạn khi sử dụng bát đũa vào lần sau.
Để lẫn lộn đồ sạch và đồ nhiều dầu mỡ
Nhiều người nghĩ rằng, đằng nào cũng phải rửa từng ấy công đoạn thì sắp xếp bát đũa như thế nào cũng được. Tuy nhiên, rửa bát sai cách như vậy có thể gây nhiễm khuẩn chéo. Những đồ nhiều dầu mỡ sẽ lây sang những bát đĩa sạch sẽ hơn. Quá trình rửa bát cũng bất tiện và mất công sức hơn.
Để công việc này nhanh gọn và đơn giản hơn, bạn nên phân loại bát đĩa ngay từ khi dọn bàn ăn. Những đồ có ít dầu mỡ thì đặt riêng.
Những xoong nồi, bát đũa có nhiều dầu mỡ, có vết bẩn khó tẩy rửa thì nên tráng qua bằng nước nóng, dùng giấy ăn để xử lý trước… Cũng nên rửa bát đĩa đựng thức ăn chín trước, bát đĩa đựng thịt sống, đồ ăn sống rửa sau.
Khi rửa và xếp đồ vào bồn, bạn cũng nên thực hiện một cách khoa học theo thứ tự kích thước. Xếp các loại đĩa, bát to xuống dưới, sau đó đặt các chén nhỏ, đũa, thìa… lên trên. Làm việc một cách khoa học sẽ giúp quá trình trở nên nhanh chóng, đơn giản và dễ dàng hơn.
Nên chia bát đĩa theo từng loại thức ăn, rửa bát đĩa không có dầu mỡ trước, sau đó đến bát đũa dính nhiều dầu mỡ. Ảnh: Aboluowang
Trực tiếp đổ nước rửa chén hoặc chất tẩy rửa vào bát
Các loại nước rửa chén, chất tẩy rửa đều có khả năng khử trùng mạnh. Trong quá trình làm sạch, các chất này đóng vai trò quan trọng để đẩy lùi vi khuẩn, làm sạch đồ ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, hành động trực tiếp đổ các loại chất tẩy rửa này vào bát là một trong những sai lầm có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Nguyên nhân nằm ở dư lượng lớn các thành phần hóa chất bên trong nước rửa còn sót lại ở bề mặt chén, bát.
Trong trường hợp rửa bát sai cách, bạn không thể làm sạch 100%, các chất độc hại có thể đi ngược vào cơ thể, tàn phá niêm mạc dạ dày. Hậu quả nhẹ thì cản trở quá trình trao đổi chất bình thường của cơ thể, nặng thì thậm chí gây bệnh tiêu chảy. Về lâu dài, hấp thụ nhiều chất độc hại cũng là nguy cơ phát triển các bệnh nguy hiểm như ung thư…
Để không rửa bát sai cách và gây hại cho sức khỏe, nên hòa tan nước rửa với nước, sau đó mới sử dụng để rửa chén đũa. Sau đó, cần liên tục tráng lại với nước sạch để đảm bảo không còn xà phòng bám lại ở bề mặt.
Trước kia, một vài người sử dụng nước sôi để rửa hoặc tráng bát, thay thế cho các loại nước rửa có thành phần hóa chất. Đây cũng là một biện pháp hữu hiệu để vừa khử khuẩn, vừa an toàn cho cơ thể con người.
Ngâm bát đũa trong nước thời gian dài
“Căng da bụng, chùng da mắt”. Đây là trạng thái thường thấy của rất nhiều người. Họ cũng có thói quen không rửa bát ngay sau khi ăn xong. Thậm chí có người còn để bát đũa qua đêm, sáng hôm sau mới dậy xử lý.
Tuy nhiên, nếu để lâu, thức ăn thừa và những vệt dầu mỡ sẽ khô, dính lại, rất khó để gột rửa. Nhiều người giải quyết vấn đề này bằng cách ngâm bát đĩa vào trong bồn rửa.
Đây là một thói quen rửa bát sai cách nghiêm trọng. Khi dư lượng thức ăn sót lại trong bát đĩa, xoong nồi mà không được làm sạch ngay thì sẽ trở thành điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi.
Thời gian để vi khuẩn thích hợp xâm nhập vào bát đĩa là từ 1-4 tiếng sau ăn. Từ 8-18 tiếng vi khuẩn bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Quá trình ngâm nước càng tạo điều kiện để vi khuẩn khuếch tán tới mọi ngóc ngách.
Như vậy, lượng vi khuẩn mà bạn phải làm sạch sẽ tăng lên gấp bội. Chỉ cần một bất cẩn nhỏ cũng đồng nghĩa với nguy hiểm ngộ độc gia tăng.
Bên cạnh đó, nếu gia đình sử dụng những loại đũa, thìa gỗ, tre… trong nước lâu khiến chúng ngấm nước và nhanh hỏng, dễ bị nấm mốc.
Dùng giẻ rửa bát vào quá nhiều mục đích
Sau quá trình rửa bát, nhiều người “tiện tay” lau dọn luôn cả mặt bếp, bàn ghế, tường bếp bị thức ăn, dầu mỡ bắn bẩn. Chiếc giẻ rửa bát cũng trở thành vật dụng “đa zi năng” đảm đương nhiều trọng trách.
Sử dụng sai mục đích sẽ khiến bạn rước thêm bệnh vào người vì vô tình tạo ra môi trường để vi khuẩn sinh sôi, nảy nở. Để đảm bảo vệ sinh, các loại khăn, giẻ lau trong bếp cần được phân loại rõ ràng, giữ sạch sẽ, phơi khô sau khi sử dụng.
Giẻ rửa bát cũng cần được làm sạch, vắt khô, để ở nơi thoáng khí để tránh bị ẩm mốc, sinh vi khuẩn.
Cất bát đũa ướt trong môi trường kín và ẩm
Sau khi được rửa sạch sẽ, bát đũa cần được phơi khô ở nơi thoáng khí, khô ráo, nếu có ánh mặt trời thì càng tốt. Đây là cách để đảm bảo vệ sinh cho những lần sử dụng tiếp theo của gia đình.
Nếu bạn cất bát đũa mới rửa xong, còn ướt hoặc còn ẩm vào trong tủ bát, môi trường kín sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi. Khi đó, bát đũa bị ẩm trong thời gian dài cũng gây mùi hôi, kém sạch sẽ.
*Theo Aboluowang