Có nhiều món ăn quen thuộc và ngỡ vô hại cũng có thể là tác nhân dẫn đến bệnh thận.
Mặc dù chức năng của thận sẽ suy giảm dần theo tuổi tác nhưng một số thói quen sinh hoạt hoặc hành vi không tốt trong cuộc sống cũng có thể trở thành nguyên nhân quan trọng gây tổn thương chức năng thận và gây ra bệnh thận. Trong đó, “bệnh qua đường miệng” và chế độ ăn uống không đúng cách là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh thận. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có 8 loại thực phẩm rất không tốt cho thận nhưng được nhiều người sử dụng hằng ngày:
1. Trà đặc
Lâm Tuấn Bảo, bác sĩ trưởng Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) cho biết uống trà đặc trong thời gian dài dễ gây tổn thương thận.
Trà có chứa caffeine, có thể “đánh thức” bạn với một lượng nhỏ, nếu uống quá nhiều sẽ làm tăng tốc độ lưu thông máu và tăng huyết áp. Cơ thể chứa hàm lượng caffeine cao sẽ gây gánh nặng lớn cho thận.
Ngoài ra, trong trà còn chứa nhiều axit tannic dễ kết hợp với sắt trong cơ thể thành chất không hòa tan, có thể gây sỏi thận.
2. Dưa chua
Nhiều người thích ăn đồ ăn nhiều muối và nhiều hương vị, đặc biệt là dưa chua. Trong quá trình ngâm dưa chua, người ta cho nhiều muối vào. Ăn các món này lượng lớn lâu ngày sẽ làm tăng huyết áp, khiến thận không thể duy trì lượng máu bình thường, dẫn đến bệnh thận.
3. Canh hầm
Các món canh, súp hầm từ xương và thịt được cho là giàu dưỡng chất, nhưng ăn nhiều quá cũng không tốt. Nếu thời gian hầm quá lâu, hàm lượng purine trong súp sẽ rất cao. Lượng purine cao dễ dẫn đến tăng axit uric máu, ngoài việc gây ra các cơn gút cấp tính còn có thể gây tổn thương thận và tim mạch.
4. Thực phẩm giàu oxalat
Trần Giang Hoa, giám đốc Trung tâm Bệnh thận của Bệnh viện trực thuộc Trường Y Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đã xuất bản một bài báo vào năm 2022 cho biết việc ăn một lượng lớn axit oxalic trong thời gian ngắn có thể hình thành các tinh thể axit oxalic trong cơ thể. Các tinh thể này có nguy cơ làm tắc nghẽn ống thận, khiến các chất độc chuyển hóa không thể đào thải ra khỏi cơ thể kịp thời và tích tụ và gây tổn thương thận cấp tính.
Các loại thực phẩm như mướp đắng, rau muống, rau dền, rau bina,… chứa hàm lượng axit oxalic tương đối cao và nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải.
5. Rượu bia
Uống quá nhiều rượu cũng có thể gây ra các bệnh như tăng axit uric máu. Bia thì làm lợi tiểu nhanh, dễ gây mất nước trong thời gian ngắn. Vì vậy, những người uống bia mà uống ít nước sẽ dễ bị sỏi thận hơn.
6. Lẩu
Một số thức ăn trong các món lẩu như đậu, nội tạng động vật có hàm lượng purine cao, dễ dẫn đến tăng axit uric. Axit uric chủ yếu được đào thải qua thận, nếu hàm lượng này quá cao có thể ứ đọng ở thận, dẫn đến sỏi thận.
7. Đồ ăn nhanh
Ăn quá nhiều các món bánh mì kẹp thịt, gà rán, khoai tây chiên,… cũng có thể gây hại cho thận. Các thực phẩm đồ ăn nhanh sẽ khiến nồng độ axit uric trong máu trong cơ thể tăng cao. Nồng độ axit uric trong máu cao rất độc hại đối với thận và dễ gây ra các bệnh về cơ quan thận. Chúng cuối cùng có thể phát triển thành suy thận mãn tính, tức là bệnh urê huyết.
8. Đồ uống thể thao
Đồ uống thể thao rất giàu chất điện giải như kali, natri, canxi và magiê. Sau khi những người ít vận động, đặc biệt là người trung niên và người cao tuổi uống đồ uống thể thao, những chất điện giải này chỉ có thể được đào thải qua quá trình chuyển hóa ở thận. Vô tình, đồ uống này sẽ làm tăng gánh nặng cho thận và gây ra chức năng thận bất thường.