Đảm bảo thời lượng giấc ngủ là chưa đủ, chúng ta cần chú ý đến cả thời điểm đi ngủ để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
Trong sinh hoạt hàng ngày, ăn, ngủ và bài tiết là những yếu tố cơ bản nhất giúp đảm bảo cơ thể có thể hoạt động bình thường. Nhưng ngày nay, hầu hết mọi người thường thức khuya, thậm chí một số người còn phải nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính vì lý do công việc.
Do phải thức khuya và đi ngủ rất muộn nên mọi người thường chọn cách ngủ bù vào sáng hôm sau. Ngày nay, hầu hết mọi người đều đặc biệt quan tâm đến sức khỏe và nhận thức được tầm quan trọng của giấc ngủ. Tuy nhiên không phải ai cũng biết đảm bảo đủ thời lượng ngủ là chưa đủ, thời điểm đi ngủ cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Hiện nay, có hai khung giờ phổ biến đó là đi ngủ lúc 9 giờ tối và thức giấc lúc 5 giờ sáng, hoặc đi ngủ lúc 11 giờ tối và thức giấc lúc 7 giờ sáng. Vậy đâu mới là “khung giờ vàng”?
Ngủ từ 9 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau
Kiên trì đi ngủ sớm và dậy sớm có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất cơ bản, giúp giải độc và cải thiện thể chất. Nếu bạn thường xuyên quan sát những người đi ngủ sớm và dậy sớm, bạn sẽ thấy rằng họ có một trạng thái tinh thần thoải mái.
Nếu bạn duy trì thói quen đi ngủ vào lúc 9 giờ mỗi đêm, bạn có thể giữ cho cơ thể chìm trong giấc ngủ sâu, có tác dụng thư giãn và giảm mệt mỏi hiệu quả. Nếu đảm bảo thời gian ngủ đủ giấc vào ban đêm, gan có thời gian để phục hồi, tăng cường chức năng gan, cải thiện khả năng giải độc cho cơ thể.
Nếu hình thành thói quen làm việc và nghỉ ngơi như vậy, mọi người có thể xây dựng kỷ luật bản thân, đảm bảo cả ngày làm việc và học tập hiệu quả.
Hình minh họa (Ảnh: SCL Health)
Đi ngủ lúc 11 giờ tối hôm trước và dậy lúc 7 giờ sáng hôm sau
Thực tế là một số người ngủ rất muộn vào ban đêm, thường là khoảng 11 giờ, và thức dậy lúc 7 giờ sáng. Trong trường hợp này, thời gian ngủ cũng là 8 tiếng. Nhưng so với những người đi ngủ sớm và dậy sớm thì khả năng miễn dịch và sức đề kháng của họ yếu hơn, thể lực cũng không bằng nhóm còn lại.
Nếu bạn đi ngủ quá muộn vào ban đêm sẽ dẫn đến rối loạn thần kinh, dù có nằm trên giường cũng không thể chìm vào giấc ngủ và thường xuyên bị mất ngủ, hay mơ màng. Quá trình trao đổi chất của cơ thể con người diễn ra khoảng 4 giờ một lần, và hầu hết mọi người thường ăn tối lúc 7 giờ. Vì vậy sau 11 giờ tối, cơ thể con người sẽ cảm thấy đói.
Khi đi ngủ với một chiếc bụng đói, chúng ta thường gặp phải tình trạng trằn trọc khiến chất lượng giấc ngủ bị suy giảm. Và một số người thậm chí sẽ chọn ăn bữa khuya, điều này sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày và dễ dẫn đến béo phì.
Vì vậy, bạn nên duy trì một giấc ngủ sâu. Điều này có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch và nâng cao sức đề kháng cũng như khả năng miễn dịch của có thể. Thức khuya sẽ làm tăng gánh nặng cho các cơ quan, khiến gan không thể hoạt động bình thường, khiến chức năng giải độc của gan bị suy giảm, rất dễ gây ra các bệnh về gan.
Hình minh họa (Ảnh: Economic Times)
Làm sao để tránh thức khuya?
Tận dụng thời gian ban ngày
Đối với nhân viên văn phòng, ban ngày họ bận rộn với công việc và nhiều áp lực, nhiều khi không thể hoàn thành công việc, vì vậy, nhiều người chọn thức khuya và đi ngủ bù sau khi kết thúc nhiệm vụ. Vì vậy, ban ngày bạn nên tận dụng thời gian để hoàn thành công việc, ban đêm sẽ cảm thấy đặc biệt thư thái, không quá lo lắng, giấc ngủ cũng ổn định hơn.
Hạn chế sự trì hoãn
Ngày nay, cuộc sống của con người rất gấp gáp, nhiều người thường có tâm lý trì hoãn trong công việc và thường xuyên thức khuya làm việc ngoài giờ. Nếu bạn thường xuyên trì hoãn sẽ khiến cho lịch làm việc và nghỉ ngơi không đều đặn, giảm thể lực và dễ gặp các vấn đề về sức khỏe.
Kết luận: Chúng ta phải xây dựng thói quen làm việc và nghỉ ngơi hợp lý trong ngày, tập thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm, không sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ, tránh thức khuya. Ngoài ra bạn cũng có thể nghe nhạc nhẹ, giúp thư giãn cơ thể và tinh thần một cách hiệu quả, hỗ trợ đi vào trạng thái ngủ sâu. Chỉ khi chất lượng giấc ngủ tốt thì sức khỏe của chúng ta mới được đảm bảo.
Nguồn: Sohu