Thông thường, mọi người chỉ để ý đến nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh mà bỏ qua thời điểm dễ bị đột quỵ.
Đột quỵ được ví như “sát thủ giấu mặt”, là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 chỉ sau ung thư và bệnh tim mạch nhưng đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật. Đáng nói, ngày nay, bệnh đột quỵ có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng nào. Nói cách khác, bệnh nhân đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa.
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, dù là đang làm việc gắng sức hay nghỉ ngơi. Bệnh nhân đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt; để bảo đảm “thời gian vàng”, nhằm giảm thiểu những nguy hiểm cận kề có thể xảy ra.
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não – căn bệnh đặc biệt nguy hiểm- rất dễ dẫn đến tử vong. Thông thường, mọi người chỉ để ý đến nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh lý mà bỏ qua thời điểm dễ bị đột quỵ.
Sáng sớm – Thời điểm dễ xảy ra đột quỵ
Theo một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nguy cơ đột quỵ cao hơn gần 80% trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Các nhà nghiên cứu giải thích cơn đột quỵ “vượt trội buổi sáng” này là do sự thay đổi trong chu kỳ sinh học.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, thông thường, huyết áp của cơ thể xuống mức thấp nhất vào lúc khoảng 3 giờ sáng, sau đó tăng dần lên và tăng nhanh lúc người ta thức dậy vào buổi sáng. Lúc này hormone Adrenaline và các hormone gây căng thẳng khác được cơ thể tiết ra, làm tăng áp lực máu và nhu cầu oxy. Sau một đêm, cơ thể đã mất đi một lượng nước tương đối lớn, máu trở nên keo đặc hơn, tim phải làm việc vất vả để bơm đẩy máu đi.
Một nguyên nhân khác liên quan đến đột quỵ buổi sáng là do lượng nitric oxit (NO) thấp vào lúc đó. Nitric Oxit tham gia vào hầu hết quá trình sinh học trong cơ thể như sự thức tỉnh, chức năng sinh dục, cảm giác đau, hài lòng, điều tiết máu và các chất dinh dưỡng…, đặc biệt có vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa, mở rộng mạch máu tăng dòng chảy đưa oxy và các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Vào ban đêm, NO bị tiêu thụ nhiều nhất nên khi sáng sớm cơ thể dễ bị thiếu NO, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Đặc biệt, nghiên cứu phát hiện, sự khởi đầu của đột quỵ do thiếu máu cục bộ đạt đỉnh điểm từ 6 giờ đến 8 giờ sáng trong ngày làm việc và từ 8 giờ đến 10 giờ sáng trong ngày nghỉ.
Nghĩa là đột quỵ dễ xảy ra nhất trong khoảng 2 giờ sau khi thức dậy.
Những thói quen buổi sáng làm tăng nguy cơ đột quỵ
Theo các nghiên cứu khoa học, buổi sáng là thời điểm dễ bị đột quỵ là do có liên quan đến nhịp sinh học của cơ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo rằng, có một số thói quen buổi sáng cũng có thể khiến huyết áp tăng cao dẫn đến đột quỵ. Muốn khỏe mạnh, bảo toàn tính mạng, cần tránh ngay.
1. Bật dậy ngay khi mở mắt
Lúc tỉnh giấc là thời điểm huyết áp tăng cao nhất trong ngày, lúc này nên nằm trên giường thêm 1-2 phút và tránh bật dậy ngay. Nếu bật dậy ngay lập tức sẽ khiến huyết áp càng tăng, từ đó dẫn đến đột quỵ.
Khi tỉnh dậy, tốt nhất bạn nên nằm và massage mặt, đầu cổ một cách nhẹ nhàng, sau đó từ từ ngồi dậy khoảng 2 phút rồi mới ra khỏi giường một cách chậm rãi. Vận động nhẹ nhàng 2-3 phút rồi mới làm các việc khác.
2. Tập thể dục quá sức
Tập thể dục buổi sáng là một thói quen tốt, rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, có một điều mà ai cũng cần ghi nhớ, nhất là những người thích tập thể dục – đó là không tập thể dục quá sức ngay khi mới ngủ dậy. Lúc này, cơ thể vẫn chưa hoàn toàn “tỉnh táo”, nếu vận động quá sức sẽ không chỉ dẫn đến nhức mỏi toàn thân mà còn làm cho huyết áp tăng cao, từ đó tăng nguy cơ đột quỵ, nhất là vào những ngày nắng nóng.
Tốt nhất, bạn chỉ nên vận động ở mức độ vừa phải, tránh quá sức.
3. Kích động vào sáng sớm
Trong cuộc sống, không ít người đã phải chịu áp lực từ lúc sáng sớm ngay khi mới tỉnh dậy. Thế nhưng ít ai biết rằng, cãi vã, kích động tâm thần, căng thẳng thần kinh vào sáng sớm có thể làm tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ. Những người mắc bệnh tim mạch sẽ có nguy cơ cao hơn.
Chính vì vậy, dù có chuyện gì xảy ra thì bạn cũng nên tạo cho mình thói quen giữ tinh thần thoải mái, phấn chấn khi thức dậy vào buổi sáng.
4. Đi tiểu ngay khi vừa thức dậy
Dù có nhu cầu thế nào thì bạn cũng đừng vội đi tiểu ngay sau khi ngủ dậy. Hành động bật dậy đột ngột để đi tiểu sẽ gây ra cảm giác choáng váng và chóng mặt bởi lúc này các hoạt động của nhịp tim, huyết áp cùng các chức năng sinh lý đang diễn ra rất chậm sau một giấc ngủ dài.
Điều này được chứng minh là gây ảnh hưởng không nhỏ cho hệ tim mạch và não bộ. Vì vậy thay vì ngồi dậy ngay lập tức, bạn hãy chậm rãi ở nguyên trên giường một lúc rồi mới đi vệ sinh nhé.
Phòng tránh các cơn đột quỵ buổi sáng
Hầu hết các bệnh nhân đột quỵ não đều có yếu tố nguy cơ trước đó, do vậy dự phòng bằng cách điều trị, theo dõi chặt chẽ các yếu tố nguy cơ là điều then chốt cho việc dự phòng đột quỵ.
Có những biện pháp khá thông thường để phòng tránh các cơn đột quỵ buổi sáng như sau:
Sau khi tỉnh giấc nên dành một ít phút cho cơ thể quen dần với trạng thái mới và hoàn toàn tỉnh táo trước khi bước ra khỏi giường. Có thể nằm trên giường và thực hiện một vài động tác “khởi động”, nhẹ nhàng duỗi chân duỗi tay, xoa mặt… Với những người có tiền sử bệnh tim mạch thì lại càng cần lưu ý hơn mỗi sáng.
Buổi tối trước khi đi ngủ, nên uống một ly nước ấm, như vậy vừa tạo điều kiện kích thích cơn buồn ngủ, vừa tránh tình trạng khô háo vào sáng hôm sau, làm giảm độ keo nhớt của máu, giảm bớt áp lực lên tim.
Ngoài ra, luyện tập thể dục, thể thao, tránh các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu bia cùng chế độ ăn hợp lý sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Nên tăng cường các loại thực phẩm sạch giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa.