Một đứa trẻ luôn sợ thất bại thì chẳng thể nào khai phá được hết tiềm năng của mình. Nỗi sợ ấy sẽ khiến đứa trẻ tránh xa những hoạt động tập thể. Nỗi sợ ấy có thể khiến đứa trẻ không dám thi vào trường mình mong muốn, để rồi nhìn giấc mơ nuối tiếc vụt qua.
Có những em biết dùng nỗi sợ để làm bàn đạp hoàn thiện bản thân, nhưng có những em lại để mình bị nhấn chìm trong nỗi sợ. Tuy nhiên, đó không phải là dấu chấm hết, bởi phụ huynh hoàn toàn có thể dạy con em mình cách để đương đầu với sợ hãi và trở lại mạnh mẽ hơn.
Bản thân cũng là một người mẹ, chị Phan Hồ Điệp cũng hiểu rõ điều này hơn ai hết. Mới đây, chị đã chia sẻ những lời tâm sự hết sức chân thành trên trang cá nhân của mình về các thế hệ trẻ ngày nay đối mặt với nỗi sợ hãi của tuổi trưởng thành. Chị mong muốn giúp các bậc phụ huynh và các em vượt qua được giai đoạn khó khăn này, để chuẩn bị cho một tương lai tương sáng hơn đang chờ phía trước.
Chị Phan Hồ Điệp – mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam.
Dưới đây là một phần bài viết của chị:
“Hôm trước mình nói chuyện với các em ở một trường phổ thông khá nổi tiếng.
Mình hỏi chuyện các em về ước mơ, về nghề nghiệp, em nào cũng có những dự định riêng. Có những em ước mơ thực sự lớn lao. Và mình mừng vì điều đó.
Xong mình hỏi các em về những chuyện nhỏ hơn như giá rau muống, giá xăng xe, tiền điện mà nhà em trả hàng tháng… rất nhiều em không có câu trả lời.
Vậy điều khó khăn trong tương lai mà các em có thể sẽ gặp phải đó là gì? Trời ơi, một rừng cánh tay giơ lên với muôn vàn những khó khăn mà các em liệt kê như: khó xin việc, khó xin học bổng, không có đủ tiền đi du học, tính cạnh tranh quá cao, xã hội ngày càng nhiều điều xấu…
Mình mỉm cười bảo, các em có biết không, khi Thượng đế mời các em đến với thế giới này, ngài chỉ trao kèm cho các em hai điều thôi đó là Món quà và Cơ hội.
Món quà là những thứ “từ trên trời rơi xuống” như em trúng số độc đắc. Em crush một bạn và bạn ấy thích lại em ngay lập tức. Em gặp tình yêu sét đánh của đời mình. Em đang đi ngó xem cái lá vàng của mùa thu đã rơi xuống chưa thì gặp ngay một cái vòng vàng…
Còn cơ hội của em sẽ luôn xuất hiện dưới tên gọi là Khó khăn. Em phải vượt qua thử thách, vượt qua sai lầm, vượt qua thất bại, vượt qua căng thẳng. Em có thể gặp người “chơi xấu’. Em phải giải quyết những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”. Em bị ai đó ghen ghét, đố kị. Em phải làm những việc không thuộc sở trường của mình…
Nhưng khi em giải quyết được chừng ấy thứ thì Cơ hội mới vẫy tay với em.
Còn khi nào em được bố mẹ chuẩn bị cho từ đôi giày đến cái cặp tóc. Em chỉ biết về nhà ăn mà không biết những thức ăn trên bàn từ đâu ra, giá cả của nó thế nào. Rồi đòi bố mẹ mua cho cái máy điện thoại xịn để khoe với bạn bè. Rồi đi du học vì nghĩ đi là được tự do… thì sẽ chẳng có cơ hội nào đến được với các em cả.
Phần lớn chúng ta không đưa ra quyết định chúng ta mong muốn mà dựa vào điều chúng ta sợ. Chúng ta chấp nhận du học ở một nước mà chúng ta không thích lắm vì sợ ở quốc gia mình thích hơn sẽ khó hơn. Chúng ta vào trường không thích vì sợ trường mình thích tỉ lệ “chọi” cao. Chúng ta chấp nhận quen với bạn “tầm tầm” vì sợ bạn mình thích sẽ có nhiều người để ý hơn.
Cho nên đứng trước một ngưỡng cửa nào đó, các em nên tự đặt câu hỏi: Chúng ta sợ thất bại hay sợ sự xoàng xĩnh?
Muốn vậy, hãy bước ra ngoài đi em, ngoài kia là trời xanh mây trắng.
Hãy tự tập làm từ những điều nhỏ nhất.
Các em có biết tất cả những nhà tuyển dụng hầu như sẽ không trả lời những email như:
1. Ngôn ngữ không trau chuốt
2. Giới thiệu bản thân không tốt
3. Không chỉ ra cho họ rằng họ sẽ được gì
4. Không có phương án hành động
Lấy ví dụ về phần giới thiệu bản thân, nếu em chẳng chỉ ra em có gì hay ho, thú vị thì người ta để ý đến em làm gì. Nhưng nếu em khoe một cách hơi lố, em biến phần giới thiệu thành bảng liệt kê thành tích cá nhân thì người ta cũng sẽ hơi “ngán”.
Giờ em đã thấy vai trò của việc trải nghiệm – luyện tập từ những thứ rất rất nhỏ chưa em.
Hãy tập viết mỗi ngày, từ những thứ vu vơ lãng đãng của tuổi mới lớn đến những suy nghĩ của cá nhân em về những vấn đề liên quan đến xã hội, con người.
Đừng nghĩ rằng, đó không phải là việc của em. Hãy nhìn giới trẻ ở các nước, họ biết quan tâm đến các vấn đề xã hội như thế nào.
Mình nói chuyện với các em như một bà mẹ thương lo cho các con.
Mình cũng thừa nhận với các em là có rất nhiều điều mình kém xa các em, ví dụ như về công nghệ, về tiếng Anh…
Và mình cũng tin tưởng ở thế hệ các em.”
Bên cạnh việc khuyến khích các em viết lách để trải nghiệm cuộc sống như mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam gợi ý, các bậc phụ huynh có thể áp giúp con cái vượt qua sợ hãi và sẵn sàng hơn cho tương lai bằng những cách sau đây:
– Dạy con cách tự động viên bản thân: Khi gặp thất bại, các em sẽ dễ tự trách bản thân mình. Cha mẹ cần khuyên các em loại bỏ suy nghĩ tiêu cực, tự động viên bản thân bằng cách khẩu hiệu lạc quan hơn.
– Khen ngợi khi con đạt thành tích tốt: Đừng khen ngợi con vì kết quả, mà vì những nỗ lực mà con đã bỏ ra. Kể cả khi thành tích không như mong đợi, phụ huynh cũng cần lựa lời động viên để con lấy lại tinh thần và tiếp tục cố gắng lần sau.
– Thảo luận với con về sự thất bại: Chỉ khi trẻ hiểu được ý nghĩa của sự thất bại, chúng mới không còn cảm thấy sợ hãi. Hãy cho con thấy, thất bại chính là cơ hội đến dưới dạng khó khăn, giúp con học hỏi được nhiều điều.
– Trở thành hình mẫu để con noi theo: Phụ huynh nên kể cho con nghe về những lần đứng dậy từ thất bại của chính mình, để con học được cách đương đầu với chúng trong tương lai.