Chương trình thử nghiệm bắt đầu từ tháng 3/2023 và kéo dài 1 tháng với mục tiêu đánh giá việc chuyển đổi sang xe máy điện có mang lại lợi ích cho tài xế hay không.
Ngày 17/5/2023, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng với Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo về kết quả thử nghiệm và tham vấn chính sách về dịch vụ giao vận xanh tại Thừa Thiên Huế.
Chương trình có sự tham gia của “ông lớn” logistics Viettel Post và Selex Motors – startup xe điện trong lĩnh vực giao vận.
Kết quả cho thấy sử dụng xe máy điện nâng cao hiệu suất giao hàng 50%, giúp tài xế tăng thu nhập 34% và đảm bảo sự tiện lợi trong nạp năng lượng là mẫu chốt cho việc áp dụng thành công. Chương trình nằm trong hợp tác chung giữa UNDP và tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc thúc đẩy phát triển giao thông xanh.
Hình: Lễ khởi động chương trình thử nghiệm. Ảnh: Thành Nghĩa
Chương trình thử nghiệm bắt đầu từ tháng 3/2023 và kéo dài 1 tháng với mục tiêu đánh giá việc chuyển đổi sang xe máy điện có mang lại lợi ích cho tài xế hay không.
Theo đó, 2 nhóm tài xế Viettel Post thực hiện cùng một công việc giao hàng sử dụng xe máy xăng và xe máy điện do công ty Selex Motors cung cấp. Nhóm xe điện sẽ đổi pin tại các trạm đổi pin của Selex Motors, chỉ trong 2 phút có thể đổi pin cho 150 km thay vì sạc pin mất từ 3-8 tiếng. Kết quả hoạt động của hai nhóm sẽ được so sánh và phân tích ở cuối chương trình.
Kết quả chương trình cho thấy, các tài xế sử dụng xe điện có hiệu suất giao hàng trung bình (do bằng số kiện hàng/chuyến) cao hơn 50% so với nhóm sử dụng xe xăng. Số chuyến chở hàng trung bình của nhóm xe điện do đó cũng giảm ⅓ so với xe xăng. Chi phí nhiên liệu trung bình tính trên km đi được của nhóm xe điện thấp hơn 50% so với nhóm xe xăng.
Trong suốt 1 tháng thử nghiệm, thu nhập trung bình của tài xế nhóm xe điện cao hơn 34% so với nhóm xe xăng.
Xu thế ứng dụng xe điện vào hoạt động giao vận (giao hàng và vận tải hành khách) được tiên phong bởi công ty Selex Motors và được nhiều hãng đón nhận.
Gần đây AhaFast, hợp tác giữa Ahamove và Vinfast đã triển khai thử nghiệm sử dụng xe máy điện cho giao hàng ở Đà Nẵng. Hay Dat Bike hợp tác với GoJek triển khai thử nghiệm sử dụng xe máy điện cho các dịch vụ của GoJek. Tuy nhiên, hiệu quả của các thử nghiệm và sự đón nhận của các tài xế vẫn là một dấu hỏi đối với hầu hết các hãng.
Hình: Xe máy điện và trạm đổi pin của Selex Motors. Ảnh: Thành Nghĩa
Nghiên cứu của UNDP cũng chỉ ra rằng một trong những rào cản lớn nhất để tài xế chuyển đổi sang sử dụng xe máy điện trong hoạt động thương mại là vấn đề nạp pin. Hiện tại ngoài Selex Motors, các hãng đều sử dụng giải pháp sạc pin. Theo các tài xế sạc pin rất bất tiện vì mất quá nhiều thời gian (3-8 tiếng) để sạc đầy và thiếu hạ tầng sạc. Đối với giải pháp sạc nhanh thì có nhiều lo lắng liên quan tới ảnh hưởng tuổi thọ của pin và khả năng tiếp cận các điểm sạc.
Nghiên cứu cho thấy giải pháp đổi pin của Selex Motors đã giải quyết triệt để bài toán này. Trong quá trình thử nghiệm, các tài xế đều đánh giá cao sự tiện lợi của giải pháp. Theo chia sẻ của một số tài xế, nếu không có giải pháp đổi pin thì rất khó để có thể sử dụng xe điện cho công việc. Kết thúc chương trình, 75% tài xế Viettel Post tham gia thử nghiệm đã quyết định mua xe máy điện của Selex Motors để sử dụng cho công việc.
Huế là tỉnh đầu tiên trên cả nước được UNDP hỗ trợ triển khai chương trình thử nghiệm nói trên.
Theo ông Patrick Haverman – Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, thúc đẩy các phương tiện vận tải mới và sạch hơn có thể đem lại các lợi ích bền vững theo nhiều cách. Sáng kiến thí điểm về các giải pháp giao thông điện sẽ vẽ lên một bức tranh rõ ràng về những lợi ích nói trên, đồng thời tăng cường sự chấp thuận của xã hội, xác định các rào cản hiện có, thu thập các bài học kinh nghiệm, chứng cứ cho việc xây dựng chính sách cũng như nhận rộng trong tương lai.
CEO Selex Motors: Bỏ vị trí Giám đốc dự án công nghệ quốc phòng ở Viettel để nuôi giấc mơ xây hệ sinh thái xe điện trong căn phòng bỏ hoang rộng 10m2