Mang tất đi ngủ là một giải pháp chữa mất ngủ rất khoa học không chỉ dành riêng cho người ở tuổi trung niên mà có thể áp dụng cho nhiều lứa tuổi khác nhau.
Trung y ví bàn chân như “trái tim thứ hai” của cơ thể, chân ấm thì thân mới khỏe, không những thế, việc luôn giữ đôi chân ấm áp còn tạo giấc ngủ ngon, sâu. Vì thế, nếu bạn đang gặp phải tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu hay không đủ giấc, hãy thử ngay phương pháp đơn giản này.
Đối với những người bị mất ngủ: Mang tất khi ngủ có thể khiến bạn đi vào giấc ngủ nhanh hơn và cải thiện chất lượng giấc ngủ!
Việc mang tất khi ngủ có thể giúp con người ngủ ngon hơn ( Ảnh: Internet)
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Sinh lý học đã chỉ ra rằng việc mang tất khi ngủ có thể giúp con người ngủ ngon hơn. Đối tượng của cuộc nghiên cứu là 6 nam giới ở độ tuổi 20. Sau một tuần quan sát, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người đi tất ngủ nhanh hơn những người không đi tất, thời gian ngủ của họ cũng dài hơn khoảng 30 phút, số lần thức giấc sau khi chìm vào giấc ngủ cũng giảm đi đáng kể. Từ đó có thể thấy, mang tất khi ngủ có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ của chúng ta ở một mức độ nhất định.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc mang tất khi ngủ thực chất là làm thay đổi sự chênh lệch nhiệt độ ở chân. Nếu nhiệt độ bàn chân thấp thì có thể mất nhiều thời gian hơn để ngủ, sau khi chìm vào giấc ngủ, bạn cũng có thể thường xuyên tỉnh giấc, giấc ngủ không sâu. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ của bàn chân có thể được nâng lên một cách thích hợp, điều đó có thể đóng một vai trò nhất định trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Mang tất đi ngủ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, nhưng không phải ai cũng phù hợp
Đối với một số người, sau khi mang tất, nhiệt độ của bàn chân có xu hướng giảm xuống. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do những người này có thể liên tục đổ mồ hôi chân sau khi mang tất. Khi mồ hôi chân ngấm vào tất sẽ xảy ra hiện tượng giảm nhiệt độ cục bộ. Trường hợp nếu bạn mang tất chật khi ngủ, các mạch máu sẽ bị chèn ép, không có lợi cho quá trình lưu thông máu ở chân.
Nếu bạn gặp các vấn đề liên quan đến tuần hoàn máu hoặc bệnh về chân thì không nên mang tất đi ngủ để tránh rủi ro đối với sức khỏe.
Người gặp các vấn đề liên quan đến tuần hoàn máu hoặc bệnh về chân thì không nên mang tất đi ngủ để tránh rủi ro đối với sức khỏe. ( Ảnh: Internet)
Ngoài ra, trong trường hợp nếu bạn không phù hợp với việc mang tất đi ngủ, vậy hãy thử áp dụng các phương pháp sau đây để giúp có giấc ngủ ngon và sâu hơn:
1. Hạn chế sử dụng đồ điện tử trước khi đi ngủ
Sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Điều này có thể là do ánh sáng xanh gây rối loạn hormone giấc ngủ của cơ thể. Khi tiếp xúc với thứ ánh sáng này sau 2 tiếng, quá trình bài tiết melatonin trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng ở một mức độ nhất định, dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém, từ đó chu kỳ giấc ngủ bị rối loạn.
Sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ( Ảnh: Internet)
Ngoài ra, việc xem các thiết bị điện tử trước khi ngủ khiến não hưng phấn, dù cơn buồn ngủ có xuất hiện thì nó cũng sẽ hoàn toàn biến mất, vô tình rút ngắn thời gian ngủ của chúng ta. Do đó, nếu bạn muốn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, bạn nên tắt các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ.
2. Thực hiện các bài tập thể dục hợp lý mỗi ngày
Khi nhiệt độ trung tâm cơ thể giảm xuống, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy buồn ngủ, giúp cơ thể đi vào giấc ngủ nhanh hơn. ( Ảnh: Internet)
Với nhiều người, khi mất ngủ họ sẽ nghĩ ngay đến việc uống thuốc ngủ thay vì tìm những giải pháp giúp đi vào giấc ngủ một cách tự nhiên. Tuy nhiên, dù việc này có thể khiến chúng ta đi vào giấc ngủ nhanh hơn, nhưng về lâu dài sẽ là gánh nặng cho cơ thể. Vì vậy, nên tránh dùng loại thuốc này, hoặc nên hỏi ý kiến bác sĩ trước để hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc lên cơ thể.
Tập thể dục gần giờ đi ngủ (ít nhất 1 tiếng trước khi đi ngủ) có thể là chìa khóa vàng để có một giấc ngủ ngon. Việc tập thể dục vừa giúp bạn thư giãn, giảm căng thẳng và cân bằng lại đồng hồ sinh học. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp làm tăng nhiệt độ trung tâm cơ thể của bạn. Khi nhiệt độ trung tâm cơ thể giảm xuống, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy buồn ngủ, giúp cơ thể đi vào giấc ngủ nhanh hơn.
(Theo Toutiao)