Nhật Bản liên tục tăng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam kể từ đầu năm đến nay.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2023, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản đạt 1,95 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước đó. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản vượt mốc hơn 11 tỷ USD, giảm nhẹ 2,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong nửa đầu năm, hàng dệt may tiếp tục là nhóm ngành hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, đạt 1,75 tỷ USD, chiếm 15,8% tỷ trọng xuất khẩu, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,37 tỷ USD, tăng 14,3%, chiếm 12,4%. Tiếp sau là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 1,32 tỷ USD, chiếm 12% tỷ trọng xuất khẩu.
Tuy nhiên xét về các mặt hàng xuất khẩu, sắn và các sản phẩm từ sắn là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu năm. Cụ thể, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Nhật Bản đạt 2.402 tấn với kim ngạch gần 1,3 triệu USD, tăng 748% về lượng và tăng 581% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 593 triệu USD, giảm 13,4% về lượng và giảm 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy dù ghi nhận tăng trưởng mạnh nhưng xuất khẩu sắn sang Nhật Bản chỉ chiếm 0,01% thị phần trong số các thị trường xuất khẩu sắn của Việt Nam.
Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn mang về hơn 1,4 tỷ USD với hơn 3,25 triệu tấn, tăng 13,3% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam năm 2022 ở mức 432,7 USD/tấn, tăng 5,6% so với năm 2021.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện nay là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Thái Lan với hơn 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm. Tính đến nay, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 530.000 ha/năm. Cây sắn và ngành công nghiệp chế biến đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, chủ yếu ở khu vực trung du, miền núi, đóng góp không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, ổn định về kinh tế và xã hội.
Năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,67% về lượng và chiếm 91,47% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 2,98 triệu tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang thị trường tỷ dân năm 2022 ở mức 356,8 USD/tấn, tăng 6,6% so với năm 2021.