Đánh thức khởi nghiệp tuổi trẻ xứ dừa

TTO – Từ chính mảnh đất quê mình, nhiều bạn trẻ xứ dừa Bến Tre đang từng ngày viết nên câu chuyện lập nghiệp và làm giàu cho mình, cho bạn bè và cho quê hương.

Từ niềm đam mê, anh Trần Quyền Vũ đã khởi nghiệp và làm giàu với vườn bonsai - Ảnh: Q.L.
Từ niềm đam mê, anh Trần Quyền Vũ đã khởi nghiệp và làm giàu với vườn bonsai – Ảnh: Q.L.

Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp Bến Tre” ra đời như tiếp thêm đôi cánh cho ước mơ đổi đời của bao khát vọng làm giàu, bước ra từ gian khó.

Đứng vững trên đôi chân mình

Chúng tôi men theo con đường tìm về vườn bonsai Út Vũ ở ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách.

Chủ vườn Trần Quyền Vũ (Út Vũ) mấy năm trở lại đây được nhắc đến là tác giả của nhiều chậu bonsai có dáng độc của cây linh sam, loại cây kiểng cho hoa tím phù hợp tạo dáng bonsai và rất được thị trường ưa chuộng.

Khu vườn cả ngàn mét vuông rợp một màu xanh linh sam. Vũ cung cấp cả cây giống, chiết cành lẫn chọn các thế cây lạ để dưỡng, tạo dáng cho khách chơi bonsai không tiếc tiền.

Út Vũ mê cây kiểng từ nhỏ, từng xin theo các nghệ nhân chăm sóc cây kiểng không công để học lóm nghề. Từ chỗ chỉ bưng bê chậu, quan sát thao tác của nghệ nhân, đến khi thành thợ chính được trả công chăm sóc cây 250.000 đồng/ngày thì Vũ quyết định “ra riêng”.

“Mình có làm thêm nữa cũng mãi chỉ làm công, sao không phải tự mình làm chủ. Tôi nghĩ vậy nên quyết định lập nghiệp với bonsai” – Vũ kể.

Từ những gốc linh sam đầu tiên khó lắm mới tìm được, Út Vũ giờ có cả vườn bonsai, không chỉ linh sam mà còn có mai chiếu thủy, kim quýt, thủy tùng… và nhiều loại cây khác.

Còn tại ấp Thanh Xuân 2, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, anh Lê Hoàng Lam được xem như người mát tay với việc chăn nuôi. Bắt đầu từ vài con bò sữa, Lam có cách gầy dựng đàn bò “không giống ai”.

Khi bò cho sữa, do mới nuôi nên lượng sữa luôn dư vì anh không tìm được nơi tiêu thụ. Lam nghĩ ra cách mua heo con thừa từ đàn heo nái đẻ quá nhiều, heo mẹ không đủ sữa.

Cứ vậy, mỗi lứa anh nuôi chừng chục con heo thừa như thế bằng nguồn sữa bò dư mỗi ngày. Số tiền thu được sau khi heo thịt xuất chuồng, Lam mua thêm được một con bò sữa giống.

Hiện đàn bò nhà Lam có 17 con, lượng sữa thu được của bảy con mỗi ngày hơn 100 lít. Quy trình nuôi của gia đình Lam được xem là khép kín với thức ăn mua từ công ty, nguồn cỏ xanh tự trồng ở vườn nhà đảm bảo đủ cung cấp cho đàn bò hằng ngày.

Sữa bò thu được ngoài bán sữa tươi Lam còn tự làm yaourt bán tại nhà nên không còn tình trạng sữa bò dư.

“Vừa bán sữa tươi, ngày nào tui cũng làm cả ngàn hũ yaourt, vậy chứ gặp mùa đám tiệc người ta đặt không dám nhận vì không đủ hàng” – Lam khoe.

Anh Lê Hoàng Lam làm giàu cho mình và giúp bạn bè cùng làm giàu bằng khởi nghiệp với việc chăn nuôi bò sữa và dê - Ảnh: Q.L.
Anh Lê Hoàng Lam làm giàu cho mình và giúp bạn bè cùng làm giàu bằng khởi nghiệp với việc chăn nuôi bò sữa và dê – Ảnh: Q.L.

Cùng bạn làm giàu

Vài năm trở lại đây, Hoàng Lam còn nuôi thêm dê. Cả chục con dê nái thay phiên nhau đẻ, Lam cung cấp cả dê thịt lẫn dê giống ra thị trường.

Lam tính: “Tui vẫn nuôi bò sữa nhưng nuôi dê thấy ăn hơn. Công chăm sóc đỡ vất vả hơn nuôi bò mà lợi nhuận cao hơn do thời gian thu hồi vốn của dê nhanh hơn nuôi bò”.

Một tổ hợp tác chăn nuôi của xã với 18 thành viên trẻ mà Lam là một trong những người khởi xướng. Tổ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng, chia sẻ với nhau kinh nghiệm chọn con giống, cách chăm sóc, trị bệnh, tìm nguồn thức ăn giá cả hợp lý.

Bí thư Xã đoàn Thanh Tân Phan Chí Công kể: “Mình được anh Lam chỉ cho cách nuôi hơn một năm qua, cung cấp luôn con giống và đàn dê nhà mình hiện được chục con, chăm sóc cũng nhẹ nên vẫn đảm bảo thời gian tham gia hoạt động phong trào”.

Trong khi đó Út Vũ một mình làm không xuể nên phải thuê thêm mấy bạn thanh niên trong xã chăm sóc vườn linh sam để anh có thời gian chăm chút cho những tác phẩm bonsai nghệ thuật của mình.

“Có mấy bạn trẻ thấy tui làm được đến xin theo học nghề, tui sẵn sàng nhận, chỉ là làm việc này phải thiệt đam mê, sáng tạo mới bền được” – Vũ bộc bạch.

Bí thư Tỉnh đoàn – Chủ tịch Hội LHTN VN tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ tín hiệu vui khi đã xuất hiện những bạn trẻ quan tâm hơn đến việc tự làm chủ, luôn năng động, nghĩ cách làm giàu cho bản thân và tạo việc làm cho bạn bè.

Theo chị Nhung, hầu như mỗi huyện đều có những nhân tố trẻ dám tiên phong đi tìm cách làm mới từ thực tế cuộc sống đặt ra.

Như ở huyện Giồng Trôm có anh Trần Văn Lên với cơ sở sản xuất giỏ từ cọng dừa lúc cao điểm lên đến cả trăm nhân công cùng làm. Hay cơ sở sản xuất nước đóng chai của anh Long ở Ba Tri kịp thời giải quyết nhu cầu nước sạch cho bà con, nhất là trong đợt hạn, mặn vừa qua.

“Các cơ sở này đang xúc tiến thủ tục hình thành hợp tác xã, đăng ký lập doanh nghiệp để mở rộng quy mô hơn sắp tới” – chị Nhung thông tin.

“Đồng Khởi mới” phát triển kinh tế

Ba nội dung lớn trong chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp Bến Tre” gồm: Đồng Khởi khởi nghiệp, Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Đồng Khởi thoát nghèo.

Qua đó, truyền thông về khởi nghiệp, đào tạo khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp làm giàu, thoát nghèo trong mọi người dân Bến Tre, trong đó thanh niên giữ vai trò tiên phong, không ngại thất bại.

“Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, không muốn chỉ là phong trào mà gầy dựng chương trình lâu dài, phát triển bền vững để mỗi thanh niên dám nghĩ dám làm, thoát nghèo và làm giàu cho mình, cho quê hương” – Chủ tịch Hội LHTN VN tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin