Xuất hiện từ năm 1946, marketing đơn thuần “hữu xạ tự nhiên hương”, cà phê Giảng luôn là địa điểm yêu thích của người dân Thủ đô, và được nhiều du khách cả trong nước và quốc tế tìm đến khi ghé thăm Hà Nội.
Giảng vốn là thương hiệu cà phê “có số má” ở đất kinh kỳ suốt hơn 70 năm qua, gắn liền với bộ tứ “Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng”.
Nhắc đến Giảng, là phải nhắc đến món cà phê trứng – món đồ uống nổi tiếng nhất của Giảng đã trở thành món cần-phải-thử với nhiều du khách trong nước và quốc tế khi ghé thăm Hà Nội. Trong 3 ngày tới đây, thức uống tinh túy có phần bình dân này sẽ không chỉ âm thầm tỏa hương trong quán nhỏ trên con phố Nguyễn Hữu Huân, mà sẽ được đưa đến phục vụ những vị khách vô cùng đặc biệt: hàng nghìn phóng viên quốc tế đến đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Cà phê trứng của Giảng, cùng với nhiều món đặc sản như phở bò, nem rán, bún chả… đã được TP Hà Nội đã đặt hàng để phục vụ miễn phí tại Trung tâm báo chí quốc tế.
Để đảm bảo độ ngon, nóng cho đồ uống, cà phê được đun trực tiếp ngay tại khu ẩm thực của trung tâm báo chí. Tuy nhiên vì yếu tố an ninh, sẽ chỉ có 3 người tham gia vào quá trình này.
“Được phục vụ cà phê trứng tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều là niềm vinh hạnh và may mắn đối với chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng phục vụ với chất lượng tốt nhất”, Báo Đầu Tư dẫn lời ông Nguyễn Trí Hòa, con trai út cụ Nguyễn Văn Giảng, chủ quán cà phê Giảng tại địa chỉ 39 Nguyễn Hữu Huân.
“Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đến quán thưởng thức thì chúng tôi sẽ phục vụ nhiệt thành, theo đúng tinh thần vì hòa bình. Bản thân tôi cũng thích sự tự do và hòa bình”, ông Hòa bày tỏ.
Ông Nguyễn Trí Hòa, con trai út cụ Nguyễn Văn Giảng.
Thành lập năm 1946, Giảng được biết đến là một trong bốn “tứ trụ cà phê” của đất kinh kì: Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng.
Theo lời ông Hòa kể với chúng tôi, cụ Nguyễn Văn Giảng trước đây làm bartender cho khách sạn 5 sao Sofitel Metropole Hanoi. Ngày ấy vì thiếu sữa tươi, cụ Giảng đã nghĩ ra cách dùng trứng để pha chế và từ đó cho ra đời cà phê trứng.
Loại đồ uống đặc biệt này nhanh chóng được ưa thích nên cụ Giảng quyết định nghỉ việc ở Sofitel vào năm 1946, tự tách ra xây dựng thương hiệu riêng.
“Hồi ấy chưa có cửa hàng, bố tôi thuê một địa điểm bán tạm, sau mới mua được cái nhà ở 90 Cầu Gỗ để mở chính thức. Đến năm 1955 nhà nước trưng thu những cơ sở tư nhân dưới hình thức ‘công tư hợp doanh’, tất cả xung vào công quỹ. Bố tôi cũng như mọi người vào nhà nước để bán hàng, không còn cửa hàng riêng nữa”, ông Hòa nhớ lại.
Năm 1969, sau khoảng 14 năm làm việc trong nhà nước, cụ Giảng về hưu, được trả lại căn nhà khác ở số 7 Hàng Gai. Thời ấy, tư nhân không được kinh doanh gạo, cà phê nên cả gia đình chỉ bán chè đỗ đen. Khi nào có khách quen đến hỏi mua cà phê, họ mới bán nhưng theo hình thức “bán chui”.
Về sau nền kinh tế thông thoáng hơn, đặc biệt là năm 1986, nhà nước tiến hành mở cửa nền kinh tế, việc kinh doanh cũng theo đó thuận lợi hơn.
Tuy nhiên khoảng năm 1988-1989, cụ Giảng qua đời, con cháu cụ dần tách ra mở những quán cà phê trứng riêng, hai trong số đó là cà phê Giảng (Nguyễn Hữu Huân) và cà phê Đinh (Đinh Tiên Hoàng, Bờ Hồ).
Nếu Đinh theo phong cách sinh viên, có pha chút Rock, thì Giảng lại đi theo hướng hoài cổ. Không gian ở Giảng chủ yếu là trên tầng 2, nơi khách ngồi uống cà phê trên những chiếc bàn ghế, thấp, nhiều cái đã tróc hết sơn. Trên tường vôi màu vàng là một vài bức tranh trang trí đơn giản, chẳng có điểm nhấn nội bật, cũng chẳng có loại nhạc nào được bật lên.
Ông Hòa cho biết thực đơn của quán có nhiều sự sáng tạo như rum trứng, bia trứng, cacao trứng, đậu xanh trứng…nhưng cà phê trứng vẫn là món chủ đạo.
Tại Hà Nội hiện nay, có nhiều quán cũng bán cà phê trứng với các nguyên liệu cơ bản gồm cà phê, lòng đỏ trứng gà, sữa đặc…Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Giảng và những quán này nằm ở kỹ thuật của người pha chế, mà theo ông lý giải, “chỉ nhanh một tý, chậm một tý thôi là vị cà phê cũng đã khác hẳn. Giống như có rất nhiều người chơi đàn, để đến trình độ của Đặng Thái Sơn thì không phải ai cũng làm được”.
Tưởng như nói không với chiêu trò và chi phí quảng cáo, Giảng sẽ có cách làm marketing riêng nhưng ông Hòa gói gọn tất cả chỉ trong cụm từ “hữu xạ tự nhiên hương”. Nghĩa là Giảng cứ làm tốt về chất lượng, khách hàng thấy hay rồi tự rủ nhau tìm đến.
“Tôi nghĩ là làm dởm là tự giết mình, không chết bây giờ thì sau này cũng tự chết, vậy nên cứ làm thật đi. Biết đâu 30, 70 hay 100 năm nữa, Giảng được UNESCO công nhận thì sao, cũng có thể lắm chứ”, ông Hòa hóm hỉnh cho biết.