Tam Quốc diễn nghĩa: Cuộc đời có 3 trở ngại lớn nhất, vượt qua được ắt viên mãn – thiếu niên phòng SẮC, trung niên phòng ĐẤU, lão niên phòng ĐẮC

Một bộ “Tam Quốc diễn nghĩa” với đủ các sắc thái anh hùng, nó nói cho chúng ta một đạo lý: con người, sống ở đời, phải trải qua vô vàn những lận đận, long đong. Mỗi người, trong suốt cuộc đời đều sẽ phải trải qua rất nhiều trở ngại, trong đó, có 3 trở ngại quan trọng nhất.

TIN MỚI

01

Trở ngại thứ nhất: thiếu niên phòng “sắc”

Tô Thức trong cuốn “Đại Trương Phương Bình gián dụng binh thư” có viết: “Thương sinh chi sự phi nhất, nhi hảo sắc giả tất tử”, ý muốn nói, chuyện làm tổn thương tới sinh mạng không chỉ có một, nhưng háo sắc thì ắt là một trong số đó.

Người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, đây là giai đoạn rất khó cưỡng lại được cám dỗ, đặc biệt rất dễ đắm chìm vào sắc đẹp.

Gia Cát Lượng được miêu tả “thân cao tám thước, dung mạo anh tuấn”, nhưng ông lại lấy Hoàng Nguyệt Anh, một người phụ nữ được miêu tả là xấu xí về làm vợ.

Chuyện này khi đó bị người khác chê cười, ngay cả trong dân gian cũng lan truyền nhau câu nói: “Mạc học giả Gia trạch thê, chính trung a thừa sửu nữ”, ý muốn nói đừng học theo Gia Cát Lượng, lựa trúng người vợ xấu.

Người đời ai nấy cũng đều thấy tiếc nuối cho Gia Cát Lượng, nhưng bản thân ông lại rất hài lòng, bởi lẽ, thứ ông xem trọng, không phải là nhan sắc của người phụ nữ, mà là nội hàm của người ta.

Hoàng Nguyệt Anh tuy xấu, nhưng lại vô cùng tài hoa, tương truyền rằng “xe đẩy con bò gỗ” là do bà giúp Gia Cát Lượng chế tạo.

Phụ nữ đẹp thì đâu đâu cũng giống nhau, không có gì đặc biệt, nhưng tìm được một người phụ nữ có tâm hồn thú vị, là không phải là chuyện đơn giản.

Gia Cát Lượng chọn Hoàng Nguyệt Anh làm vợ, đây chính là điển hình cho việc “coi trọng đức tài, xem nhẹ dung sắc”.

Theo nghĩa rộng, “sắc” không chỉ là “sắc đẹp”, mà còn bao hàm tất cả những cám dỗ của thế gian như tiền tài, danh vọng, lợi lộc…

Vào cuối thời Đông Hán, nhiều nhân tài trẻ tuổi mong muốn được cống hiến, vì vậy họ đã chọn cách mau chóng xuống núi để gia nhập một số nhóm quyền lực, nhằm đạt được điều mình muốn.

Giữa rừng người mong muốn sớm công thành danh toại, Gia Cát Lượng lại lựa chọn ẩn cư, ẩn một phát luôn 10 năm.

Mặc dù chí hướng cao vời, nhưng Khổng Minh lại luôn giữ mình trong cái “tĩnh”, ban ngày ra đồng, ban tối đọc sách, rảnh rỗi thì tụ tập bạn bè, cuộc sống trôi qua một cách bình yên, tâm tính cũng luyện tới trình độ “thanh bạc như nước trong”.

Có thể nói, không có giai đoạn ẩn cư tĩnh lại nghiên cứu này, cũng sẽ không thể có một Gia Cát Lượng được lưu danh trong sử sách sau này.

Bản thân Gia Cát Lượng đã nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc “cưỡng lại sự cám dỗ” đối với người thiếu niên, vì vậy mà sau này, ông cũng nói với con trai mình rằng:

“Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tịnh vô dĩ chí viễn.”

Không khát khao danh vọng và tiền tài, sống một cuộc sống đơn giản và bình dị, mới có thể chuyên tâm với chí hướng của mình; không theo đuổi sự ồn ào, tâm tình tĩnh lặng, an nhiên, mới có thể đạt được những mục tiêu cao cả.

Cám dỗ là một tấm áo gấm hoa lệ, một khi khoác lên, sẽ rất dễ đánh mất đi chính mình.

Đặc biệt là với những thiếu niên chưa hiểu mùi đời, tửu sắc danh lợi đều là độc dược, không cẩn thận, mất cả một đời.

Vì vậy, người trẻ nên có cho mình một tâm thái thản nhiên, không dễ bị dao động, nghiêm túc làm việc, trong sạch làm người, tránh xa cám dỗ, công danh lợi lộc.

Thoát ra khỏi nhịp sống hối hả, tĩnh tâm trước cám dỗ, đây là một may mắn lớn trong đời.

Tam Quốc diễn nghĩa: Cuộc đời có 3 trở ngại lớn nhất, vượt qua được ắt viên mãn - thiếu niên phòng SẮC, trung niên phòng ĐẤU, lão niên phòng ĐẮC - Ảnh 1.

Nhân vật Gia Cát Lượng trên màn ảnh nhỏ

02

Trở ngại thứ hai: trung niên phòng “đấu”

Nếu phải dùng một cụm từ để miêu tả nét đặc sắc của “Tam Quốc diễn nghĩa”, thiết nghĩ cụm từ “long tranh hổ đấu” chính là cụm từ thích hợp nhất.

Bất kể đấu võ hay đấu trí trên chiến trường, mỗi một chi tiết đều vô cùng hấp dẫn.

Tranh đấu thì tất nhiên phải có thắng bại, và cái đạo lý đằng sau sự thắng bại lại càng đáng để chúng ta ngẫm nhiều hơn.

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Chu Du là Đại đô đốc của Đông Ngô, tài trí hơn người.

Nhân dịp quân Tào Tháo xuống phía Nam, trong khi hầu hết quần thần đều khuyên Tôn Quyền đầu hàng thì chỉ có Chu Du và Lỗ Túc phản đối, kiên quyết nghênh chiến.

Có thể nói, Chu Du chính là ngôi sao sáng nhất trong trận Xích Bích.

Nhưng chu Du lại có một khuyết điểm chí mạng, đó chính là quá hiếu thắng.

Trong trận Xích Bích, Tôn Lưu liên minh kháng Tào, Gia Cát Lượng lại cho thấy được mưu lược hơn người, điều này khiến một người cao ngạo như Chu Du vô cùng khó chịu.

Vì có quan hệ đồng minh, Chu Du nhiều lần đã âm thầm tìm cách loại bỏ Gia Cát Lượng.

Có một lần, Chu Du để Gia Cát Lượng đi ngăn cản đường lương thảo của quân Tào, hòng mượn tay Tào Tháo loại bỏ Gia Cát Lượng.

Nhưng Khổng Minh sớm đã nhìn ra kế hoạch của Chu Du, vì vậy đã dùng kế khích tướng, nói với Lỗ Túc rằng:

“Lượng tôi thủy chiến, bộ chiến, mã chiến, xa chiến, cái gì cũng giỏi, sợ gì không thành công, chỉ có điều Giang Đông công và Chu Lang bối lại chỉ được có một.”

Lỗ Túc ngay lập tức hỏi lại: “Sao lại nói ta và Đại đô đốc chỉ có một?”

Gia Cát Lượng cười nói: “Giang Đông có câu truyền miệng rằng, thủy chiến nhờ Chu lang, lục chiến có Tử Kính, vậy há chẳng phải là Đại đô đốc không giỏi lục chiến ư!”

Câu chuyện đối thoại này tới tai của Chu Du, khiến Chu Du rất giận dữ, cho rằng Khổng Minh xem thường mình, ngay lập tức “chuẩn bị binh mã, đi đánh đứt đường lương thảo của Tào Tháo”.

Chỉ vì tính háo thắng, muốn so găng với Gia Cát Lượng mà Chu Du quên đi trách nhiệm trên vai mình, suýt chút nữa tự đâm đầu vào bẫy, làm hỏng đại sự.

“Đạo đức kinh” nói: “Phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dư chi tranh”

Chỉ cần không tranh với người, thiên hạ ắt cũng không ai tranh nổi với mình.

Nhiều khi, bạn càng háo thắng, ngược lại càng dễ thất bại.

Cần phải biết, làm người không tranh không cướp, mới có thể vạn sự tất thắng.

Tác giả của cuốn “Cẩu nhật đích trung niên” có viết: “Trung niên là một trận tranh đấu, người không đấu lại với mệnh, mệnh đấu không lại thời gian.”

Hồng trần thế sự, thứ đáng lo ngại nhất chính là hai chữ “tranh đấu”.

Bước vào tuổi trung niên, cần phải hiểu được đạo lý “người không tranh, mệnh mới tốt”.

Không tranh, không phải là sợ hãi hay nhu nhược, chẳng qua chỉ là đổi tâm thái khác đi đối mặt với cuộc sống mà thôi.

Làm một người trung niên ôn hòa, cởi mở, không những thắng được sự tôn trọng của người khác, mà càng thản nhiên hơn khi đối mặt với chính mình.

Tam Quốc diễn nghĩa: Cuộc đời có 3 trở ngại lớn nhất, vượt qua được ắt viên mãn - thiếu niên phòng SẮC, trung niên phòng ĐẤU, lão niên phòng ĐẮC - Ảnh 2.

Nhân vật Chu Du trên màn ảnh nhỏ

03

Trở ngại thứ ba: lão niên phòng “đắc”

“Trang tử” có viết: “Tiêu liêu sào vu thâm lâm, bất quá nhất chi; yển thử ẩm hà, bất quá mãn phúc.”

Chim bay trên trời chết vì tham ăn; cá dưới nước sâu chết vì mồi hương.

Làm người, không nên quá tham lam, biết thỏa mãn, dừng lại đúng lúc mới là kẻ trí.

Tào Tháo sau khi đánh bại Trương Lỗ, công chiếm được Hán Trung, là giai đoạn khí thế hừng hực.

Lúc này, Tư Mã Ý kiến nghị Tào Tháo thừa thắng xông lên, công đánh đất Thục:

“Lưu Bị vừa đoạt được Ích Châu, lòng người chưa phục, giờ lại đang tranh Kinh Châu với Tôn Quyền, đây chính là cơ hội tốt nhất để chúng ta công đánh Ích Châu, nếu chúng ta tiếp tục tiến binh, Tây Thục ắt sẽ sụp đổ.”

Tào Tháo nghe xong liền cảm thán: “Nhân nhược vô túc, kì đắc Lũng hữu, phục dục đắc Thục?” (Con người ý à, lòng tham vô đáy, vừa có được Lũng tả, giờ lại muốn có cả Thục ư?)

Sau khi trải qua trận Xích Bích, Tào Tháo ở độ tuổi lão niên đã bớt đi một phần lòng tham, thêm một phần ổn định.

Bản thân ông biết rằng hậu phương của mình vẫn chưa đủ ổn định, còn Lưu Bị cũng lại chẳng phải người dễ đối phó, vì vậy lựa chọn, biết thỏa mãn mà lui.

Có lẽ, đó chính là lựa chọn tốt nhất dành cho Tào Tháo.

Cuốn “Thái căn đàm” có viết: “Đồ vi tựu cho công, bất như bảo dĩ thành chi nghiệp”

Thay vì mưu đồ những thành tựu chưa đến, chi bằng trước mắt giữ cho tốt cái nghiệp mà mình đang có.

Nhưng, con người ý à, lòng tham vô đáy, luôn muốn có được nhiều thứ hơn, kết quả lại làm mất đi tất cả những thứ mà mình đang sở hữu.

Ham muốn sẽ che khuất lương tâm, lòng người cũng sẽ vì vậy mà trở nên khó đoán hơn.

“Đạo đức kinh” có viết: “Họa mạc đại vu bất tri túc, cữu mạc đại vu dục đắc. cố tri túc chi túc, thường túc hĩ.”

Bước vào tuổi lão niên, tóc trắng phất phơ, sớm đã không còn sức sống như hồi còn trẻ trung, phàm là chuyện gì cũng nên thuận theo tâm, đừng cưỡng cầu.

Sinh mệnh là của mình, không phải sống để người khác xem.

Chỉ cần hôm nay sống hạnh phúc và vui vẻ hơn hôm qua, vậy là đã đáng sống lắm rồi.

Khi còn trẻ, chúng ta không ngừng cầm lên.

Khi về già, chúng ta phải học cách buông xuống.

Tam Quốc diễn nghĩa: Cuộc đời có 3 trở ngại lớn nhất, vượt qua được ắt viên mãn - thiếu niên phòng SẮC, trung niên phòng ĐẤU, lão niên phòng ĐẮC - Ảnh 3.

Nhân vật Tào Tháo trên màn ảnh nhỏ

Tác giả Lộ Dao từng nói: “Con đường đời tuy rất dài, nhưng quan trọng thì cũng chỉ có vài bước.”

Thời niên thiếu, nhiệt huyết, chí hướng, dũng cảm cưỡng lại những cám dỗ bên ngoài.

Tuổi trung niên, không tranh không giành, bao dung, rộng lượng với mọi thứ.

Thời lão niên, biết thỏa mãn, lùi một bước, là trời rộng sông dài.

Đời người tuy có nhiều trở ngại, nhưng nhiều khi, trong trở ngại cũng có thể tìm thấy được niềm vui.

Vượt qua được ba trở ngại lớn nhất này, đời bạn ắt viên mãn.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin