Vì lý do gì mà người ta so sánh Dyson là “Apple của đồ gia dụng”?
Ngài James Dyson là hợp thể của một kỹ sư và chuyên viên thiết kế, và thừa hưởng những tinh hoa của cả hai ngành nghề vốn bị coi là trái ngược. Người kỹ sư sẽ chú trọng vào việc tạo ra một sản phẩm hiệu quả nhất có thể, còn nhà thiết kế lại tìm cách vẽ nên một sản phẩm chiều theo thị hiếu người tiêu dùng.
Khi đã nắm trong tay những vũ khí tối thượng, nhà phát minh người Anh tìm tới nước Mỹ vào mùa thu năm 2002, mong muốn chinh phục thị trường mới; ông mang theo mình sản phẩm mới nhất của mình, một chiếc máy hút bụi đứng có tên Dyson DC07. Lúc này, ông là nhà thiết kế sản phẩm, kỹ sư chế tạo máy, nhà sản xuất và cũng là bộ mặt của hãng Dyson trước một thị trường béo bở nhưng đầy rủi ro.
Thời điểm 2002 là khi kinh tế đang trì trệ, các công ty bán máy hút bụi đua nhau giảm giá xuống thấp nhất có thể; đa số các thương hiệu quen thuộc với mô hình kinh doanh của máy giá rẻ trên dưới trăm đô – bán số lượng lớn. Duy chỉ có những hãng cao cấp sở hữu một đội nhân viên gõ cửa từng nhà, quảng bá những chiếc máy hút bụi vài trăm USD.
Vậy mà ông Dyson mangmột sản phẩm đắt tới 400 USD đến Mỹ, lại còn được làm bằng nhựa – thứ vật liệu vẫn thường được dùng cho những sản phẩm rẻ tiền. Người dùng và cả những nhãn hàng lớn không mảy may để ý tới người đại diện cho Dyson năm nay đã trạc ngũ tuần.
Nhưng khi ông xuất hiện trên TV với mái tóc ngả màu bạc và khuôn mặt điển trai, giọng nói cất lên lại không mang cái dẻo quánh của một nhân viên sale: ông là vị kỹ sư đồng thời là nhà thiết kế sản phẩm, đang giải thích nguyên lý hoạt động của chiếc máy hút bụi Lốc xoáy Đôi, đồng thời chỉ ra điểm đặc biệt khiến DC07 “ăn đứt” những cỗ máy hút đang dùng túi: bạn có thể trực tiếp thấy thành quả công việc làm người ta còng lưng, ấy là nhìn bụi bay một cách vui mắt vào khoang chứa.
Tháng 10/2002, chuỗi siêu thị Best Buy bán được số DC07 gấp 10 lần con số dự kiến, và chẳng lâu sau, các chuỗi siêu thị khác tại Mỹ nhận thấy nhu cầu máy hút bụi Lốc xoáy Đôi cao nhường nào.
Trẻ con thích thú với cái máy vỏ nhựa: chúng cho rằng nó giống đồ chơi. Người lớn nhìn chiếc máy làm từ “vật liệu của tương lai” với con mắt tò mò: thiết bị mang dáng dấp của công cụ dùng trong công trường xây dựng, với sức mạnh tỏa ra từ vóc dáng.
Năm 1971, trong khi làm đồng tại trang trại 300 năm tuổi ông mua cùng vợ, Dyson nhận thấy những điểm thiếu tối ưu trong thiết kế xe rùa. Ông bắt tay vào thiết kế Ballbarrow, một chiếc xe rùa với bánh trước là một quả bóng nhựa. Ngay trong vòng một năm, ông hưởng 50% lợi nhuận có được từ thị trường bán xe rùa, và Ballbarrow bán ra với số lượng 45.000 chiếc/năm.
Nhưng trước khi Dyson có thể mang sản phẩm tới Mỹ, nhân viên dưới trướng ông đã nhanh chân mang ý tưởng này tới lục địa bên kia đại dương. Sản phẩm Ballbarrow “fake” ngay lập tức được sản xuất hàng loạt, nhưng rồi dây chuyền cũng sớm dừng.
Năm 1978, trong lúc dọn nhà, ông James Dyson bực mình tột độ khi thấy máy hút bụi vận hành ngày một kém. Xé toạc túi chứa bụi ra, ông ngay lập tức nhận thấy vấn đề: những lỗ li ti trên túi đều đã bị bụi bụt kín, cản dòng không khí và khiến lực hút giảm rõ rệt. Đây rõ ràng là lỗi trong thiết kế, vậy mà công nghệ sản xuất máy hút bụi vẫn vậy suốt hàng trăm năm.
Ông Dyson ngẫm nghĩ, tự tay chế tạo cả ngàn mẫu thử rồi cho ra sản phẩm thay đổi thời đại: một hệ thống hút bụi không túi chứa, sử dụng lực ly tâm để tách bụi ra khỏi không khí. Bằng cỗ máy tạo được một cơn lốc xoáy nhỏ trong khoang chứa gồm 2 ngăn – với tốc độ gió lốc lên tới hơn 1.400 km/h (theo lời ông Dyson) – máy hút bụi Lốc xoáy Đôi có thể hút được những hạt bụi nhỏ nhất vào khoang chứa. Và vì máy không có túi, nó “không bao giờ mất đi lực hút cả”.
Bằng việc giảm kích cỡ lốc xoáy xuống quy mô hộ gia đình, James Dyson thay đổi trải nghiệm hút bụi của người dùng toàn thế giới.
Trong hơn 4 năm (từ 1979 tới 1984), James Dyson ứng dụng phương pháp thử-loại để làm ra đến … 5.127 sản phẩm mẫu: ông lắp ráp, thử nghiệm, tìm ra điểm khiến máy chưa hoàn thiện, thay đổi điểm đó, rồi lại lắp ráp sản phẩm mới.
Dyson quảng bá sản phẩm của mình tới tất cả những tập đoàn sản xuất máy hút bụi lớn. Đa số từ chối chấp nhận một thiết bị hút bụi không có túi, những nơi đồng ý ký hợp đồng lại đều đưa ra những điều khoản phi lý và những vết sẹo lòng mới:
– Hoover UK từ chối gặp mặt Dyson trừ phi ông ký vào bản thỏa thuận cho phép họ sở hữu mọi tình tiết xuất hiện trong cuộc trò chuyện.
– Cũng có hai công ty đồng ý mua lại công nghệ của Dyson là Apex của Nhật bản và Iona của Canada. Dần dần, Dyson cũng có dây chuyền sản xuất của riêng mình, và tự tạo ra thiết bị hút bụi độc quyền đầu tiên: máy DC01 Lốc xoáy Đôi lần đầu tiên được mở bán năm 1993.
10 năm tính từ ngày ra mắt DC01, sau hàng trăm thiết bị thử bị bỏ đi và hàng ngàn cải tiến, trái ngọt đã tới tay James Dyson: cứ 4 hộ gia đình tại Anh thì có một người sở hữu một cỗ máy hút bụi tân thời. Công ty Dyson bán ra khoảng 1 triệu máy hút bụi mỗi năm tại 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thu nhập thường niên hơn 300 triệu USD (số liệu năm 2008).
Nhà phát minh, kỹ sư và nhà thiết kế giải thích tại sao Dyson lại thành công: tại công ty, không tồn vách ngăn giữa ban kỹ thuật và ban thiết kế, một cấu trúc công ty thường thấy như trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô.
Cũng bằng kiến thức về cách các luồng gió hoạt động, Ngài James Dyson còn phát minh ra một thứ quạt như bước ra từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng: một thiết bị thổi gió “không cánh quạt”.
Việc gọi nó là “quạt không cánh Dyson” vẫn có thể gây hiểu nhầm: bạn chỉ không thấy cánh khi nhìn từ bên ngoài thôi, chứ quạt vẫn sở hữu những cánh nhỏ có tác dụng hút gió. Video dưới đây sẽ giải thích rõ cách thức hoạt động của quạt không cánh Dyson.
James Dyson cho rằng công ty nào cũng cần tạo dựng hình ảnh cho mình, nhưng nhân viên thì lại không nên có suy nghĩ hay phong cách ăn mặc giống dân buôn. Người kinh doanh chỉ nghĩ tới việc làm giàu – một suy nghĩ hạn chế khả năng sáng tạo.
Ngài Dyson khuyến khích nhân viên hãy khác biệt. Nếu cố tình suy nghĩ phi logic, thì một người sẽ phải đối mặt với hai trường hợp: bị người đời cười nhạo, nhưng đôi khi họ sẽ lại phát hiện được thứ gì đó thú vị.
Ông từ chối sử dụng cụm từ “ngành công nghiệp sáng tạo” để chỉ nơi sản sinh những sản phẩm văn hóa như nghệ thuật, ca kịch, âm nhạc, kiến trúc, quảng cáo và chương trình truyền hình. Ông nêu hai lý do:
Ông nhận định rằng nước Anh, hay bất cứ nước nào, muốn giàu có thì phải sở hữu đa dạng mặt hàng xuất khẩu. Ông mường tượng ra một nền kinh tế dựa nhiều vào sản xuất và xuất khẩu, tạo dựng bởi những người dẫn đầu nắm giữ công nghệ cao và tạo ra cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ hai.
“Các giáo viên thường dọa tôi, ‘Nếu không đạt kết quả tốt trên trường, tôi sẽ phải vào làm việc trong nhà máy’. Rồi thì tôi không bị trượt, mà rồi cũng vẫn vào nhà máy làm việc đấy thôi. May mắn chưa”, Dyson nói, đồng tình với quan điểm của Martin Joel Wiener, một học giả người Mỹ, cho rằng nền kinh tế Anh trì trệ sau Thế chiến thứ Hai bởi lẽ lực lượng lao động mới từ chối thực hiện công việc tay chân, rời xa công việc kỹ sư, tìm cách vươn lên bằng học vấn của những lĩnh vực khác.
Trong ngày đầu đi làm, nhân viên sẽ được yêu cầu tự lắp ráp máy hút bụi. Bằng cách này, ai cũng sẽ hiểu được cách thức máy hút bụi hoạt động, và tại sao sản phẩm của công ty lại có thể tốt hơn được đối thủ. Sau đó, ông yêu cầu nhân viên cầm máy mình tự lắp về dùng trong một tuần, xem máy hoạt động ra sao “trong môi trường sống tự nhiên”.
Nếu nhân viên mong muốn giữ máy lại để sử dụng, họ sẽ chỉ phải trả một phần chi phí thiết bị. Ngài James Dyson nói bằng cách huấn luyện nhân viên này, nhân viên học được rằng họ sẽ không bao giờ bỏ công vô ích làm.
Các buổi gặp mặt xem xét sản phẩm mới được nghiên cứu diễn ra 2 lần/tuần, còn những buổi họp liên quan đến thiết kế diễn ra thường nhật; Ngài Dyson trực tiếp tham dự đa số các buổi tập huấn như thế. Đầu năm 2008, ông từ chức chủ tịch để dành nhiều thời gian hơn trong phòng thí nghiệm.
Dyson liên tục làm mới mình trong những năm về sau. Sản phẩm của họ đắt đỏ tới mức … “bị” so sánh là “Apple của đồ gia dụng”. Nhưng những câu chữ này không chỉ nói về cái giá của sản phẩm Dyson, mà còn nói về chất lượng hàng đầu của nhãn hiệu tới từ Anh Quốc. Bạn thấy đó, cứ mỗi dịp Tết đến lương về, hay mỗi khi Apple ra máy mới, lại có những hàng dài người đứng đợi trên tay sản phẩm nóng nhất thị trường smartphone.
Dyson hoàn toàn có khả năng chinh phục thị trường Việt Nam bằng những sản phẩm chất lượng cao của mình. Bạn cứ chờ xem cả tương lai và hãng điện máy Dyson mang tới cho người dùng Việt những bất ngờ gì.